Ngành Luật: Luật sư thiếu và chất lượng chưa cao!

(hieuhoc_hieuhoc.com) Ở Việt Nam, luật sư chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, tỉ lệ luật sư trên đầu người lại là rất thấp: 1/14.000 – so với các nước trong khu vực như Thái Lan (1/1.526), Singapore (1/1.000). Và so với nhu cầu của xã hội thì hoạt động luật sư chưa đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng (Việt Nam chỉ có 20 luật sư trong lĩnh vực tư vấn đạt trình độ Khu vực), trong khi kinh tế xã hội ngày càng phát triển và hội nhập quốc tế ngày càng phát triển sâu rộng.

Số lượng và chất lượng hoạt động hành nghề luật sư chưa thật sự tương xứng với tiềm năng và yêu cầu của thị trường dịch vụ pháp lý (Biểu đồ: Báo Pháp Luật TPHCM)

Ngày 10/9, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh đã tổng kết 5 năm thi hành Luật Luật sư. Theo báo Tầm Nhìn, luật sư Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết: Trong lĩnh vực tư vấn, tại Việt Nam chỉ có khoảng 20 luật sư có trình độ chuyên môn ngang tầm khu vực, cũng khoảng 20% luật sư (cả nước có 7.260 luật sư) tham gia vụ tố tụng hình sự và chỉ có 20% doanh nghiệp đăng ký hợp đồng thuê dịch vụ pháp lý thường xuyên. Ngoài ra, còn có một bộ phận luật sư kiêm nhiệm nghề luật, có thẻ luật sư nhưng không hoặc ít hành nghề, nhiều luật sư, nhất là luật sư trẻ còn hạn chế trình độ và kỹ năng nghề nghiệp cũng như vốn sống và bản lĩnh hành nghề.

Theo bà Ngô Minh Hồng, Giám đốc Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh, số lượng và chất lượng hoạt động hành nghề luật sư chưa thật sự tương xứng với tiềm năng và yêu cầu của thị trường dịch vụ pháp lý sôi động tại thành phố. Quy mô tổ chức hành nghề luật sư còn khiêm tốn, trung bình từ 1 – 3 luật sư, hoạt động nhỏ lẻ, ít có tính liên kết. Chưa có nhiều luật sư hoạt động chuyên sâu trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư quốc tế, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, sở hữu trí tuệ, chống bán phá giá cũng như có quá ít luật sư giỏi chuyên môn, thạo ngoại ngữ để phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế. Tình trạng luật sư vi phạm quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp không phải là ít. Tính từ năm 2007 đến nay, Sở Tư pháp đã xử phạt hành chính 49 tổ chức hành nghề luật sư vi phạm quy định pháp luật trong quá trình hành nghề. Đoàn Luật sư thành phố cũng đã tiến hành khiển trách 1 luật sư, cảnh cáo 6 luật sư, tạm đình chỉ tư cách thành viên 6 tháng 1 luật sư và xóa tên 6 luật sư khỏi Đoàn.

Theo ông Vũ Phi Long, thẩm phán TAND TP. Hồ Chí Minh, có tình trạng luật sư nhận bào chữa cho nhiều bị cáo trong một vụ án mà quyền và lợi ích các bị cáo đó đối lập với nhau. Để bào chữa cho bị cáo này thì phải quy trách nhiệm hình sự hoặc chứng minh tình tiết tăng nặng cho bị cáo khác. Những xung đột này chưa có quy định giải quyết thỏa đáng. Trong một số trường hợp, luật sư cố ý không tuân theo sự điều khiển của chủ tọa hoặc bỏ ngang ra về không thực hiện nghĩa vụ bào chữa của mình.

Luật sư Phan Trung Hoài cho rằng, hoạt động nghề nghiệp luật sư trong thời gian qua trên địa bàn thành phố đã góp một phần đáng kể trong việc lành mạnh hóa các quan hệ xã hội, hóa giải các tranh chấp, dân chủ hóa hóa hoạt động tố tụng. Tuy nhiên hoạt động luật sư chưa tương xứng với sự kỳ vọng, tin tưởng của doanh nghiệp, công chúng, chưa phát huy hết các giá trị chuẩn mực xã hội, trong một số trường hợp còn nặng yếu tố vật chất, mang tính dịch vụ thay vì tận tâm phục vụ. Ông Hoài kiến nghị cần sửa đổi Luật Luật sư năm 2006 theo hướng tạo điều kiện cho người tập sự hành nghề luật sư được tham gia tố tụng ở cấp quận, huyện; mở rộng đối tượng được hành nghề đối với giảng viên ngành luật. Bên cạnh đó cũng cần thực thi quy định bắt buộc về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp luật sư. Cấp thiết bảo đảm thời hạn xét và cấp giấy chứng nhận người bào chữa, bảo đảm cho luật sư được tham gia các buổi hỏi cung và một số hoạt động tố tụng khác, đảm bảo tranh tụng dân chủ, ghi nhận ý kiến của luật sư và dựa vào kết qủa tranh tụng làm căn cứ ban hành phán quyết của tòa án.

Tính từ cuối năm 2006 đến nay, TP. Hồ Chí Minh có 3.075 luật sư, 1.209 người tập sự hành nghề luật sư với 1.041 tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam, 75 luật sư nước ngoài với 45 tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài. TP. Hồ Chí Minh tiếp tục là địa phương có số lượng luật sư và tổ chức hành nghề luật sư nhiều nhất, chiếm hơn 42% số lượng và 37% tổ chức hành nghề luật sư của cả nước. Từ tháng 1/2007 – 6/2011, đội ngũ luật sư thành phố đã tham gia tổng cộng 11.760 vụ án hình sự và phi hình sự, chiếm 1/7 số lượng vụ việc của đội ngũ luật sư cả nước; tư vấn pháp luật 44.863 vụ việc các loại (chiếm 1/3 số vụ cả nước), qua đó tạo doanh thu hơn 2.000 tỉ đồng cho các tổ chức hành nghề luật sư, đóng góp ngân sách nhà nước gần 300 tỉ đồng. Công việc của luật sư không chỉ là bảo vệ quyền lợi chính đáng của một cá nhân trong xă hội, mà còn là bảo vệ pháp chế của chế độ, giáo dục mọi người tuân thủ pháp luật, phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật… Khi luật sư thực hiện được những việc trên, tức là đã thể hiện giá trị nghề nghiệp của mình.

·Nghề luật sư là nghề nghiệp của những người có kiến thức pháp luật nhất định, đang thực hiện các công việc liên quan đến các mặt khác nhau của đời sống pháp lý tại toà án, viện kiểm sát, văn phòng luật sư, cơ quan công an, cơ quan thi hành án, cơ quan công chứng và một số bộ phận trong các cơ quan hành chính nhà nước, các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội… Một số địa chỉ đào tạo pháp luật cơ bản: Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh, Khoa Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh), Khoa Luật Kinh tế (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), Khoa Luật (Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế), Trường Đại học Cần Thơ v.v… Tốt nghiệp, bạn có thể trở thành chuyên gia pháp lý, làm việc ở tất cả những nơi có nhu cầu. Để được Nhà nước bổ nhiệm vào một số chức danh đặc thù như thẩm phán, luật sư, kiểm sát viên, chấp hành viên, công chứng viên, bạn còn phải trải qua khoá đào tạo nghề tại Học viện Tư pháp với thời gian quy định khác nhau cho từng chức danh.

Như Luật (tổng hợp)

Bài liên quan

Ngành Luật kinh tế: Tư vấn Tài chính.

(Hiếu học) Ngành Luật kinh tế ngoài việc trở thành luật sư (kinh tế, dân sự, tranh tụng trách nhiệm đối với sản phẩm…), những công việc tương đồng cũng có thể thích hợp với bạn như: Làm chủ doanh nghiệp; kinh doanh chứng khoán; cố vấn tài chính; thẩm định giá; giám đốc quản trị rủi ro; bảo hiểm; ngân hàng…

Ngành Luật: Luật kinh tế

(Hiếu học) Sinh viên Trường ĐH Kinh tế-Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) ra trường được cấp bằng tốt nghiệp ngành chính là Luật kinh tế, những chuyên ngành Tài chính-ngân hàng-chứng khoán, hoặc Kinh doanh, Thương mại quốc tế… sẽ được ghi vào bảng điểm học tập của sinh viên. Kể từ năm 2011, trường sẽ thay đổi tên gọi ngành đào tạo và thông báo tuyển sinh theo đúng tên ngành quy định là Luật kinh tế.

Cùng chuyên mục