Nghề báo và những thách thức chỉ dành cho người bản lĩnh

(hieuhoc_hieuhoc.com): Đối với các bạn trẻ tự tin, năng động thì hai chữ “nghề báo” hầu như chưa bao giờ giảm sức hút. Nhưng đó chỉ là những hình ảnh đẹp đẽ mà các bạn nhìn thấy bên ngoài thôi. Sự thật đằng sau những hình ảnh hoa mỹ ấy là những nỗi vất vả, gian nan thậm chí là nguy hiểm mà chỉ có ai đã từng trải qua mới thấu hiểu hết.

Chính vì những ảo tưởng về một hình tượng thật “oách” như thế đã làm rất nhiều bạn vỡ mộng khi bắt đầu bước chân vào nghề. Sự hụt hẫng với những điều nằm ngoài sức tưởng tượng của mình sẽ khiến các bạn chán nản việc học hành, nếu có học cũng chỉ là để trả nợ thầy cô và hướng đi chung khi ra trường của phần lớn các bạn không chọn đúng đường sẽ là làm một nghề nào đó không cần liên quan đến báo chí cũng được, miễn là kiếm được tiền.

Vì vậy trước khi muốn bước vào con đường làm báo, các bạn phải tìm hiểu những khó khăn – thuận lợi của nghề trước rồi mới quyết định theo đuổi bằng niềm đam mê của mình. Những rào cản của nghề báo mà thực tế bạn sẽ gặp phải khi mới bước chân vào nghề là:

Nghề báo là một nghề nguy hiểm

Có một câu chuyện có thật về một phóng viên người Ailen tên là Veronica Guerin, cô sống ở Dublin vào những năm giữa thập niên 90 – thời kỳ lộng hành của nhiều băng đảng tội phạm. Bằng tất cả bản lĩnh và sự khôn khéo của mình cô đã khám phá ra tội ác của những tên trùm ma tuý và phanh khui chúng ra nhưng cuối cùng cô đã bị chúng sát hại… Ngày nay, thỉnh thoảng chúng ta vẫn nghe nói về những vụ bắt cóc hay giết hại các nhà báo. Và một thực tế nữa là sự an toàn của bản thân, gia đình các nhà báo có thể bị đe dọa bởi những phần tử xấu mà nhà báo đã vạch trần trước công luận.Qua những điều trên, một khía cạnh lớn của nghề báo đã được bộc lộ: nghề vinh quang nhưng cũng đầy rẫy hiểm nguy.

Khó khăn không chỉ có chiến tranh mà cả ở những nơi lũ lụt hoặc lúc đi săn tin bằng cách xâm nhập vào “thế giới ngầm” của các băng nhóm tội phạm hay những cuộc bạo động…Tất cả đều mang tính nguy hiểm rất cao, đe dọa không ít đến tính mạng của các phóng viên. Nhưng không màng đến những hiểm nguy đó, họ vẫn lao mình vào những dòng chảy của xã hội, đó chính là bản lĩnh của nhà báo. Vì vậy phẩm chất trước tiên cần nhắc đến của một phóng viên là sự bản lĩnh và lòng dũng cảm. Và đây là đức tính không phải ai cũng có.

Nghề báo cũng chịu áp lực rất lớn

Không chỉ lăn lộn với thực tế để thu thập tin tức mà họ còn phải làm ra sản phẩm đúng định kỳ, đúng ngày giờ, đúng thỏa thuận. Đây chính là áp lực về thời gian phổ biến nhất mà bất kì phóng viên nào cũng phải chịu đựng.

Hình ảnh các nhà báo đấu tranh chống tiêu cực luôn là một hình ảnh thật đẹp. Nhưng để giữ cho cái đẹp đó không bị phai mờ các nhà báo cũng phải chịu nhiều áp lực lớn. Họ vừa phải tìm cách vạch trần những tiêu cực vừa phải phân tích vấn đề để bài viết đó truyền tải được nội dung và phải mang ý nghĩa xây dựng những điều phải trái, tích cực cho xã hội.

Tất cả những áp lực đó đòi hỏi các phóng viên phải có một tinh thần rất vững vàng để có thể tiếp tục con đường làm báo mà không bị bỏ lỡ giữa chừng.

Đạo đức nghề nghiệp luôn được đề cao

Người ta vẫn nói nhà báo là người có thể “đổi trắng thay đen” bởi lẽ những thông tin họ đưa ra sẽ ảnh hưởng đến thái độ, quan điểm của hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu người. Bởi vậy, có không ít những cá nhân, tổ chức sai phạm pháp luật đã dùng tiền bạc, của cải “đút lót” các nhà báo để họ bỏ qua hay viết tốt lên. Thực tế là đã có không ít nhà báo vì mù quáng với tiền tài mà thoái hóa biến chất. Chính vì những “con sâu làm sầu nồi canh” này mà dư luận vẫn có những quan điểm không tốt về nghề báo: “(…) nhà báo nói phét”. Là nhà báo, bạn sẽ phải chịu tất cả trách nhiệm về những thông tin bạn đưa. Bởi vậy, bạn phải luôn trung thực với thực tế và giữ vững sự kiên định trước những cám dỗ.

Và học làm báo nhưng phải chọn một công việc trái nghề

Kiến thức nhà trường cung cấp cho các sinh viên chỉ là những lý thuyết, những kiến thức mang tính đại cương mà khoảng cách từ lý thuyết đến thức tế là một khoảng cách rất xa. Không ít các sinh viên ra trường với tấm bằng cử nhân khoa báo chí trên tay nhưng lại không chịu nổi “nhiệt” bởi các chuyến đi thực tế. Họ không thể bắt kịp nhịp chung của tòa soạn, việc tác nghiệp, học hỏi đàn anh đàn chị đi trước và phải tự học hỏi để nâng cao tay nghề khiến họ mệt mỏi và nản lòng. Vì thế không có gì ngạc nhiên khi thấy một tân phóng viên phải bỏ dở giữa chừng con đường làm báo của mình vì không đủ tự tin và bản lĩnh để bước tiếp.

Lời kết

Kết thúc bài viết, Hiếu Học xin trích dẫn lời nhà báo Trương Anh Ngọc – một cây viết sắc sảo về thể thao quốc tế: “Đến bây giờ, nói thật, không hiểu tại sao tôi lại yêu cái nghề này đến thế, dù nó vô cùng nặng nhọc và mệt mỏi, rất tự hào về nó nhưng đôi khi cũng có những cảm giác tủi thân. Làm báo không khác gì nghề nhặt rác, lúc nào cũng bới móc ra trong những mớ hỗn độn của cuộc sống những thứ dùng được, nhưng còn hơn là nghề nhặt rác ở chỗ, là những gì bẩn thỉu cũng không được vứt đi, vì chính những thứ bẩn ấy, có khi lại còn quý giá và đáng để lưu tâm hơn những gì sạch sẽ kia. Tôi rất vui khi thấy các bạn trẻ luôn thích cái nghề này, và tỉ lệ chọi khi thi đại học của ngành báo chí luôn thuộc hàng top, nhưng chính tôi cũng thất vọng bởi có quá nhiều bạn đã không thể trụ lại với nghề, không hình dung ra con đường mà họ sẽ bươn trải. Thích là một chuyện, làm được hay không lại là chuyện khác. Hình ảnh những người đi trước thành công và nổi tiếng trên ti vi và báo viết là một sự quyến rũ không thể nào cưỡng nổi, và tất cả lao đầu vào đó như những con thiêu thân tội nghiệp. Từ sau lứa chúng tôi, những người sinh sau chiến tranh, chưa tìm thấy những nhân vật mới nổi trong làng báo từ thế hệ 8x, những người trẻ hơn, giàu sức sống hơn. Tại sao?”. Các bạn hãy tự trả lời câu hỏi và chọn hướng đi đúng đắn nhất cho mình nhé. Hãy chứng minh bạn là một người trẻ năng động đầy bản lĩnh.

Như Tâm

Bài liên quan

Nghề báo và bản lĩnh của những người đưa tin

(hieuhoc_hieuhoc.com): Mỗi ngày, mọi người trên khắp Trái Đất thức dậy, phải chăng đều giống nhau ở chỗ cùng chung câu hỏi: “Hôm nay có gì mới?”. Ai sẽ thỏa mãn nhu cầu của họ? Đó chính là các nhà báo với sản phẩm của họ là báo chí.

Nghề Báo, Chỉ Cần Mê Đọc Sách Báo Là Đủ?

Hỏi: Em rất mê đọc các tác phẩm văn học, những truyện ngắn, tiểu thuyết và ngay cả sách báo. Hầu như tin tức ở đâu, em cũng biết. Em thiết nghĩ nếu đọc nhiều như vậy thì khả năng viết văn của em sẽ khá hơn. Thế nhưng, mỗi khi làm bài, thầy giáo chỉ phê vào giấy kiểm tra là “câu què cụt, thiếu hình tượng, nghèo ý tưởng”. Em muốn thi vào khoa Ngữ văn- Báo chí (ĐH KHXH & NV) thì phải làm sao?

Cùng chuyên mục