Nhân lực ngành điều dưỡng thiếu và yếu về chuyên môn.

Lãnh đạo ngành y tế tại Hội nghị Điều dưỡng trưởng khu vực phía Nam 2016 diễn ra tại trường Đại học Y dược TPHCM hôm 26-7, nhận định nhân lực ngành điều dưỡng Việt Nam còn thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn.

Ngành điều dưỡng còn thiếu và yếu về chuyên môn. Ảnh: H.N

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện tượng thiếu điều dưỡng, hộ sinh khá phổ biến ở nhiều quốc gia, đặc biệt là tại các nước đang phát triển. Năm 2008, tỷ lệ điều dưỡng viên, hộ sinh so với số bác sĩ ở Việt Nam là 1,6, xếp hàng thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Trong khi đó, tỷ lệ này ở Philipines là 5,1; ở Indonesia là 8,0; Thái Lan là 7,0. Điều dưỡng, hộ sinh đang công tác tại các bệnh viện tuyến tỉnh, chiếm tỷ lệ cao nhất (49,8%), giảm dần qua các bệnh viện tuyến quận/huyện (29,1%), bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế (12,2%), các bệnh viện ngoài công lập (8%) và thấp nhất là tại các bệnh viện bộ/ngành (0,9%).

PGS TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, cho biết Việt Nam có nguồn nhân lực điều dưỡng thiếu về số lượng và yếu về trình độ chuyên môn. Việc thiếu nhân lực điều dưỡng ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng chăm sóc và an toàn người bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và sức khỏe của người điều dưỡng.

Bên cạnh đó, trình độ điều dưỡng, hộ sinh cũng còn nhiều chuyện phải bàn. Trong khi nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới đã chuẩn hóa trình độ điều dưỡng, hộ sinh phải từ cao đẳng trở lên, thì ở Việt Nam lực lượng trung cấp vẫn chiếm đa số (74,6%) và thậm chí vẫn còn 1,6% đang ở trình độ sơ cấp; thậm chí ngay cả điều dưỡng trưởng của nhiều bệnh viện trực thuộc các sở y tế địa phương cũng có trình độ chuyên môn chưa phù hợp. Có tới 48,3% điều dưỡng trưởng chỉ có trình độ trung cấp.

Ông Khuê nhấn mạnh, việc lấy người bệnh làm trung tâm, nâng cao chất lượng chăm sóc và an toàn của người bệnh luôn phải đặt lên hàng đầu. Bệnh viện là một xã hội thu nhỏ, trong đó, công tác chăm sóc của điều dưỡng chiếm 70% và đây là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Hướng phát triển của ngành y tế trong thời gian tới là sẽ đáp ứng đủ nhân lực trong công tác chăm sóc người bệnh cũng như tạo điều kiện để phát huy được vai trò, năng lực của người điều dưỡng.

Đứng trước tình hình trên, một số ý kiến cho rằng ngành y tế phải khẩn trương có kế hoạch đào tạo để viên chức đã được tuyển dụng được chuẩn hóa đạt trình độ cao đẳng. Các cơ sở đào tạo cần có kế hoạch tổ chức, đào tạo từ trình độ trung cấp lên trình độ cao đẳng và từ năm 2021, các đơn vị sự nghiệp y tế không tuyển viên chức là điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dược hạng IV có trình độ trung cấp.

PGS TS BS. Trương Quang Bình, Phó giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược, cho biết bệnh viện luôn chú trọng và phát triển hệ thống điều dưỡng theo hướng mới – điều dưỡng dần dần sẽ là người chủ thực sự của bệnh viện, các công tác về mặt quản lý sẽ được giao cho hệ thống điều dưỡng. Hằng tuần, bệnh viện tổ chức giao ban định kỳ giữa Ban Giám đốc, các phòng chức năng với điều dưỡng trưởng các khoa, nhằm nắm bắt các hoạt động chuyên môn, quản lý, hỗ trợ tích cực cho các bác sĩ trong việc chẩn đoán, điều trị người bệnh.

Các lãnh đạo ngành y tế cũng cho biết, năm 2016-2017 ngành y tế có nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống tổ chức và nhân lực; nâng cao chất lượng chăm sóc, phục vụ người bệnh, thúc đẩy sự phát triển công tác điều dưỡng trong bệnh viện; tăng cường, công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác điều dưỡng; nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm và giao tiếp ứng xử của điều dưỡng, hộ sinh khi chăm sóc người bệnh.

Theo: Hoàng Nhung (TBKTSG Online)

Bài liên quan

Y Tế

Bác sĩ, Điều dưỡng, Y tá...

Cùng chuyên mục