Quảng cáo và Truyền thông xã hội

(Hiếu học) Các mạng xã hội ngày càng có sức lan tỏa lớn và điều thú vị là các phương tiện truyền thông đại chúng trong nước dường như cũng ngày càng mang tính “đối thoại” nhiều hơn.

Vì vậy, đã đến lúc các nhà quảng cáo phải nghiên cứu cộng đồng mạng tại Việt Nam, lắng nghe khách hàng nói gì, quan tâm gì…, để từ đó, xây dựng những chương trình tiếp thị khả thi tới khách hàng.

Hiện nay để quảng cáo sản phẩm ra ngoài thị trường, đến với khách hàng, các công ty sử dụng rất nhiều những phương tiện truyền thông khác nhau. Phương tiện nào cũng có những ưu nhược điểm của riêng nó… (Hình minh họa)

Thời của “Quảng cáo thông minh”

Các chuyên gia của Google đã dự báo về thị trường quảng cáo trong vòng 5 năm tới, theo đó “quảng cáo thông minh và gợi cảm” sẽ lên ngôi, quảng cáo bằng video clip tăng phi mã và thị trường quảng cáo sẽ đạt doanh thu 50 tỷ USD mỗi năm.

Hãng Google đã phác họa thị trường quảng cáo hình ảnh và trực tuyến năm 2015. Lúc đó một nửa trong tổng số các công ty quảng cáo sẽ tập trung làm các video clip dạng “mỗi lần nhấp chuột xem đều phải trả tiền”. Quảng cáo bằng hoạt hình cũng sẽ tăng mạnh, từ chiếm gần 6% thị trường như hiện nay lên 50% vào năm 2015.

Các chuyên gia quảng cáo cho biết để làm được quảng cáo thông minh thì trước hết phải khoanh vùng đối tượng mà quảng cáo hướng tới. Đã xác định được đối tượng rồi thì phải cố tìm hiểu là có thể gặp họ ở đâu, họ xem, nghe, đọc, ăn uống cái gì, thích đi những đâu. Mà để biết được điều này thì phải nghiên cứu tiếp thị và không chỉ tiến hành một lần. Cuộc sống thay đổi nhanh chóng nên đối tượng quảng cáo cũng thay đổi.

Cần đánh giá không chỉ sự tiến triển của công nghệ quảng cáo mà cả các xu thế chung biến đổi xã hội. Nhà truyền thông (PR) giỏi phải là nhà tâm lý giỏi. Nhà quản lý PR sẽ quyết định việc ý tưởng có được người tiêu dùng thích hay không, nội dung quảng cáo gây phản ứng thế nào đối với dân chúng… Quảng cáo phải nhắm trúng đích chứ không phải “dùng đại bác bắn chim sẻ”.

Nhu cầu truyền thông của doanh nghiệp

Phương thức truyền thông của doanh nghiệp hiện nay thường có hai dạng chính: bài viết quảng cáo (advertorial) và bài viết PR (editorial). Theo đó, advertorial là quảng cáo được viết dưới dạng một bài báo, tuy nhiên có chú dẫn thông báo là bài viết quảng cáo và thường không có tên tác giả. Advertorial cũng thường được trình bày như một phần riêng biệt trong ấn phẩm, và có nội dung do doanh nghiệp (hoặc công ty PR) thực hiện và phê duyệt. Trong khi đó, editoral là bài viết mang tính độc lập của nhà báo, cung cấp các nội dung có mục đích, thông tin xác thực và có xu hướng đáng tin cậy đối với người đọc, nhằm biến thông tin PR trở thành thông tin có giá trị thực sự.

Mặc dù advertorial khá hữu dụng trong trường hợp doanh nghiệp muốn đặt nặng thông tin về đặc điểm của sản phẩm, khi cần hướng dẫn chi tiết về tính chất hay cách sử dụng sản phẩm, hoặc khi đơn giản là không có một “câu chuyện hay” nào để kể, song dạng bài viết này thường quá chú tâm đến “tô son điểm phấn” cho thương hiệu, tự làm lộ rõ tính chất quảng cáo, đồng thời nội dung thường “nông”, hời hợt, thiếu tính hấp dẫn của báo chí, không phù hợp với tiêu chí, đặc điểm của tờ báo. Đó là chưa kể vị trí đặt bài thường không phù hợp, và cách trình bày nhiều khi lạc lõng, không giống phong cách chung của tờ báo.

Những nhược điểm của advertorial lại là ưu điểm của editorial, khi bài viết do tờ báo phát triển và thực hiện, không bị doanh nghiệp chi phối về nội dung và hình thức, có tính khách quan, chân thực cao và do đó tạo được niềm tin nhất định đối với độc giả. Năm bước cụ thể để tạo ra một bài viết editorial là: tìm được một câu chuyện hấp dẫn – câu chuyện đó phù hợp với đặc điểm riêng của tờ báo – câu chuyện đó có nội dung hữu ích cho người đọc – tìm ra những phương thức thể hiện khác nhau – tạo ra những “góc cạnh” khác nhau cho mỗi chủ đề.

Cả hai phương thức này chúng ta đều sẽ có lúc cần đến. Advertorial đem đến những thông tin mà doanh nghiệp muốn truyền tải một cách trực tiếp và nhanh nhất đến với tâm trí độc giả. Tuy nhiên, editorial lại để lại ấn tượng sâu sắc và niềm tin chân thực đối với công chúng. Vì thế, chỉ khi nào doanh nghiệp không thể sử dụng hình thức editorial thì hãy dùng đến advertorial. Biết kết hợp cả hai hình thức này thì doanh nghiệp sẽ có được lợi ích lớn nhất từ một nguồn kinh phí nhất định dành cho công tác truyền thông, mà độc giả thì cũng sẽ có cái nhìn đa chiều hơn về thương hiệu.

Thời của mạng xã hội

Việt Nam hiện có khoảng 24 triệu người sử dụng Internet (gần 30% dân số), lọt vào top 20 quốc gia và vùng lãnh thổ có số người dùng Internet nhiều nhất thế giới, theo một kết quả điều tra mới công bố gần đây. Lượng người dùng Internet tại Việt Nam cũng là cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Xu hướng quảng cáo là xây dựng những trang web mang tính tương tác cao với khách hàng. Các mạng Facebook, Youtube, Twitter… đã được nhiều nhà sản xuất khai thác tối đa thế mạnh trong việc quảng bá hình ảnh sản phẩm, kết nối người tiêu dùng, loan truyền và sử dụng dịch vụ.

Xu hướng này có thể được doanh nghiệp chủ động tạo ra bằng cách tìm kiếm và xác định những nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất định, hoặc thiết lập những nhóm hoạt động nhằm mục đích chia sẻ thông tin và khuyến khích sử dụng sản phẩm, dịch vụ. Tiếp theo là tạo ra những hoạt động gây tiếng vang và ảnh hưởng trong cộng đồng nhằm tăng độ nhận biết của thương hiệu, gây dựng lòng tin và sự trung thành với thương hiệu.

Quản lý khủng hoảng trong kỷ nguyên kết nối

Ngày nay, khủng hoảng một khi xảy ra càng khó kiểm soát vì tin tức có thể lan truyền ngay lập tức, độc giả có trình độ cao hơn cũng đồng nghĩa sẽ đòi hỏi nhiều thông tin hơn, cũng như các cộng đồng thông tin ngày càng đông đảo hơn.

Việc tận dụng thế mạnh truyền thông trên nền tảng mạng xã hội là yếu tố mà doanh nghiệp rất nên cân nhắc. Do có thể theo dõi, đo lường chính xác mức độ ủng hộ hoặc phản đối; có thể thiết lập nhanh chóng các đơn thỉnh cầu hay kiến nghị; cũng như giúp tạo ra con đường ngắn nhất để doanh nghiệp tiếp cận và trực tiếp giải thích với công chúng.

Vì thế, “hành động có trách nhiệm” và “hành động tức thì” là hai điểm quan trọng khi giải quyết vấn đề quản lý khủng hoảng tại doanh nghiệp nhằm mục tiêu bảo vệ thương hiệu và kiểm soát thiệt hại. Đặc biệt, khi thương hiệu là không thể thay thế và nó chính là tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp.

Chí Thông tổng hợp (hieuhoc_hieuhoc.com)

Bài liên quan

Nghề quảng cáo: Kinh doanh ý tưởng.

Để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, đạo diễn ý tưởng quảng cáo phải xây dựng rất nhiều ý tưởng. Sau đó, khách hàng sẽ chọn ý tưởng nào mà họ ưng ý nhất. Và để thành công với nghề quảng cáo không phải là dễ, đòi hỏi người làm nghề phải am hiểu rộng nhiều lĩnh vực, óc sáng tạo cao, ngoại ngữ tốt, khả năng phân tích, đúc kết…

Nghề thiết kế mỹ thuật và chương trình đào tạo.

(hieuhoc_hieuhoc.com). Trong những năm gần đây, thiết kế đồ họa – mỹ thuật trở thành một ngành nghề được nhiều người quan tâm. Các khóa học thiết kế đồ họa sẽ trang bị cho sinh viên những cơ hội nghề nghiệp đầy thử thách. Bên cạnh đó, sinh viên ngành thiết kế đồ họa còn được cung cấp một kiến thức sâu rộng về vai trò của nhà thiết kế.  

Quảng cáo thoái vị và PR lên ngôi?

(hieuhoc_hieuhoc.com) Quảng cáo thoái vị & PR lên ngôi, nhưng không phủ nhận vai trò của quảng cáo mà chỉ nêu ra trật tự mới: “Bây giờ PR ngồi vào vị trí của người cầm lái và sẽ dẫn dắt, chỉ đường cho các chương trình tiếp thị”.

Cùng chuyên mục