Hỏi: Em muốn học ngành công nghệ sinh học (CNSH) nhưng không biết ngành này có các chuyên ngành nào, tốt nghiệp có thể làm những công việc gì, có thể nghiên cứu những lĩnh vực nào? Ngành CNSH và ngành sinh học giống nhau và khác nhau như thế nào? (HUỲNH MINH HÂN, Tây Ninh)
Trả lời: – Sinh học là ngành khoa học nghiên cứu về sự sống. Người học sẽ được trang bị kiến thức về các qui luật khác nhau của hệ thống sống và các kỹ năng tối thiểu để tìm hiểu hệ thống sống, có khả năng vận dụng các kiến thức và kỹ năng này để tiếp cận, giải quyết các vấn đề liên quan đến sinh học. Hiện ngành này gồm các chuyên ngành: sinh học động vật, sinh học thực vật, tài nguyên môi trường, vi sinh – sinh học phân tử và sinh hóa.
CNSH là một tập hợp các ngành khoa học và công nghệ (sinh học: sinh học phân tử, di truyền học, vi sinh vật học, sinh hóa học và công nghệ học) nhằm tạo ra các qui trình công nghệ khai thác ở qui mô công nghiệp các hoạt động sống của vi sinh vật, tế bào động vật và thực vật để sản xuất các sản phẩm có giá trị phục vụ đời sống, phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường. Một số chuyên ngành hiện đang đào tạo ở các trường như công nghệ vi sinh, công nghệ tế bào, công nghệ mô – công nghệ protein-enzym và kỹ thuật di truyền, CNSH nông nghiệp, CNSH công nghiệp, CNSH môi trường, CNSH thực phẩm, CNSH y dược, tin – sinh học.
Tùy trường, danh hiệu tốt nghiệp ngành CNSH có thể là kỹ sư hoặc cử nhân. Kỹ sư ngành CNSH được trang bị những kiến thức cơ bản về sinh học và kiến thức sâu về kỹ thuật công nghiệp, có khả năng vận hành sản xuất, chọn lọc và phát triển CNSH theo qui mô công nghiệp. Cử nhân ngành CNSH được trang bị những kiến thức chuyên sâu về sinh học, chú trọng các qui luật sinh học và các kỹ năng có thể được khai thác để tạo ra công nghệ và sản phẩm trực tiếp phục vụ cuộc sống, chú trọng tính liên ngành, đặc biệt trang bị các kiến thức và kỹ năng về sinh học phân tử, kỹ thuật di truyền, kỹ thuật tế bào, kỹ thuật lên men, công nghệ enzym…
Kỹ sư/cử nhân ngành CNSH có thể làm việc ở các lĩnh vực: y dược (chẩn đoán bệnh, chế biến thuốc, văcxin); môi trường (xử lý môi trường, đánh giá mức độ độc hại của sản phẩm, xử lý chất thải, bảo vệ môi sinh…); nông – lâm – ngư (giống, bệnh, chất lượng), công nghiệp (lên men công nghiệp, vật liệu sinh học, thuốc, chế biến); tin – sinh học (genomics, proteomics, công nghệ protein…); thực phẩm (công nghệ chế biến thực phẩm, công nghệ bảo quản các sản phẩm sau thu hoạch, các hệ thống quản lý chất lượng thực phẩm)…
Ngành sinh học hằng năm chỉ tuyển sinh khối B và điểm chuẩn thường thấp hơn điểm chuẩn ngành CNSH (tuyển khối A và B).
(Theo Tuổi Trẻ Online)