(Hiếu học). Để đảm bảo số lượng tuyển sinh, Bộ GD & ĐT vừa gửi công văn đề nghị các trường báo cáo chỉ tiêu phân theo từng khối thi để xác định phương án điểm sàn của từng ngành, đó là điểm tối thiểu để vào ĐH, CĐ.
– Dự đoán điểm sàn, điểm chuẩn khối A ĐH-CD 2010.
– Tuyển sinh ĐH 2010: Dự đoán điểm sàn, điểm chuẩn khối C và D
– Nhận định đề thi Đại học khối A năm 2010.
– Nhận định đề thi Đại học khối B năm 2010.
Công bố điểm thi đại học trước ngày 31/7
Chiều 10/7, Vụ phó Giáo dục đại học Ngô Kim Khôi cho biết, trước 31/7 các trường đại học phải hoàn thành công tác chấm thi và công bố điểm. Khoảng 10 ngày sau, Bộ Giáo dục sẽ công bố mức điểm sàn vào ĐH, CĐ.
Theo ông Khôi, trước ngày 10/8, hội đồng quốc gia sẽ công bố mức điểm sàn theo từng khối thi. Sau khi có mức điểm sàn, các trường căn cứ vào đây để xác định điểm trúng tuyển theo từng khối, ngành.
“Do là điểm tối thiểu để vào ĐH, CĐ nên điểm sàn được xác định theo nguyên tắc: chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy; kết quả thi của thí sinh toàn quốc; chính sách ưu tiên theo đối tượng, khu vực và một số căn cứ cơ cấu vùng miền đảm bảo chính sách xã hội”, ông Khôi nói.
Để đảm bảo số lượng tuyển sinh, Bộ GD & ĐT vừa gửi công văn đề nghị các trường báo cáo chỉ tiêu phân theo từng khối thi để xác định phương án điểm sàn của từng ngành. Bởi theo ông Khôi, nếu không có chỉ tiêu tương ứng cho từng khối thi thì rất khó xác định điểm sàn. Cũng như mọi năm, sẽ có 3 phương án điểm sàn khác nhau được đưa ra để hội đồng quyết định. Dự kiến, trước ngày 25.8, các trường sẽ công bố chỉ tiêu và điều kiện xét tuyển nguyện vọng 2 và 15.9 công bố chỉ tiêu và điều kiện xét tuyển nguyện vọng 3.
Dự đoán điểm sàn, điểm chuẩn khối B
Ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT) cho biết: Hiện chưa đủ cơ sở dữ liệu để dự báo mức điểm sàn sẽ là bao nhiêu. Quy trình xây dựng điểm sàn phải dựa trên thống kê điểm thi tuyển sinh năm nay, số chỉ tiêu tuyển sinh và chất lượng của đề thi. Một điều kiện được đặt ra là điểm sàn cũng phải ở mức tương đối để đảm bảo chất lượng đầu vào của thí sinh. Vì thế thường thường điểm sàn sẽ được chọn ở mức 13, 14, 15 điểm. Số thí sinh đạt điểm sàn phải vượt số chỉ tiêu được giao tốt nhất gấp 2-3 lần.
Theo ông Ngô Kim Khôi – Phó vụ trưởng vụ giáo dục đại học Bộ GD-ĐT, điểm sàn sẽ được xác định trên cơ sở chỉ tiêu tuyển sinh, kết quả thi của thí sinh, chính sách ưu tiên khu vực, đối tượng, cơ cấu vùng miền… Ngoài ra,việc xác định điểm sàn cũng được cân nhắc đề đảm bảo cơ hội nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 cho thí sinh, đảm bảo nhiều thí sinh có điểm thi cao được trúng tuyển.
Điểm sàn khối B các năm gần đây:
– Năm 2007: Khối A: 15; khối B: 15; khối C: 14; khối D: 13.
– Năm 2008: Khối A: 13, khối B: 15, C: 14, D: 13.
– Năm 2009: Khối A, D: 13 điểm, khối C, B: 14 điểm.
(Mức điểm sàn các trường CĐ thấp hơn 3 điểm so với điểm sàn ĐH)
Nói điểm sàn cao hay thấp so với năm 2009 còn phải chờ kết quả thi của thí sinh. Nhưng riêng khối B cũng như khối A, nhận định đề thi năm nay cũng khó có nhiều điểm cao. Vì vậy, dự đoán điểm sàn, điểm chuẩn khối B năm nay cũng sẽ ổn định, không có sự đột biến.
Theo nhận định của một số chuyên gia tuyển sinh, đề thi khối B năm nay tương đối khó nên điểm sàn, điểm chuẩn sẽ thấp hơn năm trước. Vì vậy mức điểm sàn, điểm chuẩn dự kiến sẽ thấp hơn, có thể điểm sàn khối B năm nay là 13 – 14.
Nỗi lo thất lạc giấy tờ của thí sinh.
Việc thất lạc giấy tờ vẫn là nỗi lo của các thí sinh, nhất là đối với giấy báo điểm. Vì theo quy chế tuyển sinh, thí sinh chỉ được cấp giấy báo điểm một lần để nộp vào các nguyện vong (NV) tiếp theo (trường hợp trượt NV1) và không thể xét tuyển NV tiếp theo nếu không có giấy báo điểm. Thế nên, sẽ là thiệt thòi cho thí sinh nếu như giấy báo điểm lại có khả năng bị thất lạc.
Trả lời về vấn đề này, ông Đỗ Quốc Anh cho biết: Trong trường hợp chờ lâu mà không thấy giấy báo điểm, thí sinh có thể liên hệ với Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM (đối với TS tự do có mã tuyển sinh 98) hoặc trường ĐH mình đăng ký dự thi để sớm có phương án giải quyết.
Tuấn Phong tổng hợp (hieuhoc_hieuhoc.com)