Các chuẩn bị cho việc nhập học của tân SV Phần 2: Chuẩn bị về tài chính

(hieuhoc_hieuhoc.com): Bước chân vào Đại học (ĐH) bạn sẽ trải qua một giai đoạn mới với bao nhiêu toan lo. Bạn là một tân sinh viên (SV) chắc chắn bạn cũng có chung những mối lo đó đặc biệt là nguồn tài chính đảm bảo cho việc đi học.

Bạn đã chuẩn bị được những gì cho môi trường mới?

Hầu hết trong các bạn ai cũng vui mừng trong ngày hội chào mừng tân SV, vì đó là ngày các bạn bắt đầu một cuộc sống mới – cuộc sống SV thực sự. Thế nhưng niềm vui ấy chưa trọn vẹn, bởi vì đằng sau niềm vui ấy lại chứa không ít nỗi buồn, nỗi buồn của những SV có hoàn cảnh khó khăn nhất là các SV từ tỉnh lên phố học ĐH.

Bước vào năm học mới ở địa vị mới, vấn đề đầu tiên của bạn phải quan tâm là tiền. Thông thường chúng ta đều phải chuẩn bị một số tiền nhất định tuỳ theo quy định của các trường để đóng góp đầu năm bao gồm: Tiền học phí (1 học kì), tiền bảo hiểm, tiền quỹ …Đây là những khoản đóng góp không hề nhỏ dành cho các tân SV.

Về tiền học phí, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM đóng học phí tạm thu ở học kỳ 1 là 1,2 triệu đồng (SV thuộc diện miễn, giảm học phí vẫn phải nộp tiền. Hồ sơ miễn, giảm học phí sẽ nộp sau cho Phòng Công tác sinh viên. Nhà trường sẽ xét và trả lại tiền nếu thuộc diện miễn, giảm học phí). Lệ phí hồ sơ nhập học và sinh hoạt đầu khóa SV đóng 70.000 đồng (bao gồm chi phí cho tất cả tài liệu, biểu mẫu, hồ sơ nhập học, thẻ SV, sổ tay SV…). Bảo hiểm tai nạn 15.000 đồng/năm, bảo hiểm y tế 120.000 đồng/năm. SV ở KTX đóng bảo hiểm tại KTX. SV không ở KTX đóng bảo hiểm tại trường.

Đối với trường ĐHKHXH&NV thì SV tạm đóng học phí 1 triệu đồng/học kỳ I. Các ngành đào tạo ngoài sư phạm tại trường ĐH Sư phạm TP thì SV đóng 1,8 triệu đồng/năm. Trường ĐH Luật, Trường ĐH Kinh tế, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật, Trường ĐH Nông lâm học kỳ 1 tạm thu học phí từ 900.000 đồng đến 1,2 triệu đồng, ĐH Mở thì giao động từ 1,5 – 2,5 triệu/học kì.

Đó là học phí của các trường ĐH Công lập, còn học phí của các trường ĐH Bán công, dân lập, tư thục thì cao hơn, thâm chí có trường cao hơn khá nhiều. Học phí của trường ĐH Văn Hiến từ 2,6 – 2,8 triệu/học kì; trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ là 2,5 – 2,75 triệu/ học kì; trường ĐH Hồng Bàng từ 4,5 – 7,98 triệu/ năm…

Nếu bạn học ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM thì bạn sẽ phải đối mặt với những mối lo khác nữa như nhà ở, sinh hoạt phí kèm theo trong cuộc sống SV. Ởthành phố, cuộc sống khác hoàn toàn so với ở quê bạn, từ nhà ở đến ăn uống, đi lại đều đắt đỏ. Bạn phải học cách chi tiêu tiết kiệm thì mới có thể đảm bảo cuộc sống của mình.

Trung tâm thông tin trường ĐH Hùng Vương có tiến hành một cuộc khảo sát nhỏ về mức sinh hoạt phí cho đối tượng là SV từ các tỉnh về TP.HCM trọ học (đặc biệt là SV năm 1), trên cơ sở đó, họ đưa ra bảng dự trù mức sinh hoạt phí cho năm học 2006 – 2007. Hiếu Học xin giới thiệu để các bạn SV tham khảo:

So với dự trù của năm học 2005-2006, mức sinh hoạt phí của 1 SV/học kỳ năm nay tăng khoảng 2,2 triệu đồng. Với tình hình giá cả tăng nhanh như hiện nay thì mức sinh hoạt có thể tăng lên 3 -4 triệu so với bảng trên.

Một số biện pháp để giải quyết vấn đề tài chính

– Ở Kí túc xá:

Nếu bạn có hoàn cảnh khó khăn thì hãy nhanh chân tìm cho mình một vị trí trong KTX, vì cuộc sống ở đây sẽ dễ chịu hơn với số tiền mà bạn có hàng tháng. Với một suất trong KTX thì bạn không phải lo lắng về nhà ở, mà giá thì lại rất ưu đãi. Trong khi tiền trọ ngoài là 250.000 – 350.000 đồng/tháng thì ở KTX ĐH Quốc gia TP.HCM bạn chỉ cần đóng khoảng 70.000 – 80.000 đồng/tháng, KTX ĐH Kinh tế là 110.000 đồng/tháng, KTX Trần Hưng Đạo của trường ĐH KHTN là 880.000 đồng cho cả 11 tháng học…

– Vay vốn ngân hàng:

Chính sách hỗ trợ SV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn từ các Nngân hàng Chính sách Xã hội đang được đẩy mạnh nhằm tạo điều kiện cho SV có thể tiếp tục chương trình ĐH của mình. Các bạn cũng có thể yên tâm rằng các khoản cho vay rất ưu đãi, các thủ tục ràng buộc được giảm đi rất nhiều. Hiện nay, mức cho vay đã được đẩy cao hơn với số tiền 800 000 đồng/người/tháng và bạn không phải trả bất cứ khoản chi phí nào khác, chỉ phải hoàn vốn dần sau khi bạn ra trường, có việc làm ổn định.

Thủ tục vay vốn như thế nào?

Khi bạn có nhu cầu vay vốn, bạn sẽ được hướng dẫn cụ thể về các quy định của ngân hàng cũng như các yêu cầu cần thiết. Một số điểm cơ bản như sau:

+ Bạn phải nằm trong diện được vay vốn có chứng nhận của địa phương nơi bạn sinh sống.

+ Viết một đơn vay vốn theo mẫu, kèm theo giấy xác nhận của nhà trường hoặc giấy báo nhập học nếu bạn là SV năm nhất.

+ Có một thuận lợi cho các bạn đó là Ngân hàng sẽ chuyển tiền vào tài khoản cá nhân theo yêu cầu của các bạn. Việc làm này sẽ giảm được rất nhiều thủ tục rườm rà trước đây.

+ Với đối tượng các bạn là SV mồ côi thì thủ tục sẽ còn được cắt giảm đơn giản hơn nữa, tạo điều kiện tốt nhất để các bạn được vay vốn phục vụ cho việc học tập.

+ Một điều nữa đó là phía nhà trường cũng sẽ tạo mọi điều kiện để các bạn thực hiện được mục tiêu của mình. Các bạn không bị ràng buộc điều gì, bởi vì nhà trường chỉ có nhiệm vụ chứng nhận cho bạn thuộc SV của trường.

Khi bạn đã được cho vay vốn thì bạn hãy sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích là phục vụ cho học tập và sinh hoạt. Khi đó nguồn vốn cho vay mới phát huy được hết giá trị của và đem lại lợi ích cho chính chúng ta.

– Học bổng:

Ở bậc ĐH, nếu các bạn là những người chăm chỉ, chịu khó học tập, có phương pháp học tập tốt, đem lại kết quả học tập cao thì các bạn sẽ “ring” về cho mình những học bổng thường kì, đó gọi là học bổng khuyến khích học tập. Ngoài học bổng này ra còn rất nhiều các học bổng khác của nước ngoài, của các tổ chức và cá nhân phi chính phủ, doanh nghiệp trao tặng … nhằm phần nào giúp đỡ các bạn trang trải học tập.

– Đi làm thêm:

Hãy là một người biết cách sống tự lập. Tự lập ở đây không chỉ là biết cách sống độc lập khi sống xa gia đình, mà bạn còn nên từ từ độc lập về tài chính.

Nếu bạn là một người năng động thì ngay từ những năm đầu bạn cũng có thể tìm cho mình một công việc như làm thêm .Vừa học vừa làm sẽ giúp bạn có một khoản thu nhập nho nhỏ, phụ giúp vào sinh hoạt phí của mình. Hơn thế nữa, bạn sẽ tích luỹ được kinh nghiệm từ việc làm thêm, rất hữu ích cho công việc sau này của bạn.

– Học cách chi tiêu tiết kiệm:

Chi tiêu tiết kiệm, hợp lý sẽ đảm bảo cho bạn không phải lâm vào cảnh “đầu tháng cơm gà, cuối tháng mì gói”. Bạn phải tự chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình khi đi học. Cho nên, bạn hãy là một người biết cách chi tiêu nhé.

Tài chính là một lỗi lo không nhỏ đối với không ít bạn SV hiện nay. Đã có những bạn phải ngậm ngùi chia tay giảng đường vì tài chính gia đình không cho phép. Tuy nhiên, nếu các bạn có kế hoạch tài chính hợp lý ngay từ năm đầu cùng với sự năng động, sáng tạo của bạn thì bạn có thể trải qua những năm đại học dễ dàng thôi.

Kim Tuyến

Cùng chuyên mục