Cách làm tốt bài thi môn văn THPT quốc gia

Quan sát đề thi môn văn và tình hình bài làm của thí sinh (TS) trong các kỳ thi vừa qua, có thể thấy rằng việc nắm vững kiến thức chương trình chỉ là một phần, quan trọng hơn là vận dụng tốt kỹ năng làm bài.

>Quan trọng là vận dụng tốt kỹ năng làm bài. Ảnh: Đào Ngọc Thạch

3 kỹ năng

Để khắc phục những điểm yếu này, cần chú ý các kỹ năng sau đây.

Kỹ năng phân tích đề:TS cần phải dành thời gian cho việc phân tích đề thi. Cần chú ý đến các điểm sau: số câu hỏi, các vế của câu hỏi, sự liên quan giữa các vế trong câu hỏi và giữa các câu hỏi; đề yêu cầu đóng về kiến thức hay theo hướng mở; có yêu cầu quan hệ so sánh, liên hệ như thế nào, tác phẩm nào… Tất cả các yêu cầu phân tích đề trên đều có trong 3 câu hỏi đọc hiểu (3 điểm), làm văn xã hội (3 điểm) và nghị luận văn học (4 điểm) của đề thi.

Kỹ năng đọc – phân tích: Yêu cầu này chủ yếu đòi hỏi ở câu nghị luận xã hội. Cái khó ở câu hỏi này là cách ra đề vô cùng phong phú và đa dạng, một ý kiến, bài báo, thậm chí là một bức tranh minh họa… Nếu TS hiểu sai, xác định sai vấn đề thì bài làm sẽ lạc đề.

Kỹ năng lập dàn ý:Kỹ năng này cho bài nghị luận văn học theo hướng tích hợp, so sánh, đối chiếu. TS phải biết xây dựng một dàn bài hợp lý về bố cục các phần: giới thiệu; phân tích riêng; so sánh giống và khác nhau về nội dung, nghệ thuật; đánh giá từ việc so sánh và kết luận…

Yêu cầu đáp án

Nếu trước kỳ thi năm 2014, đề thi và đáp án chấm cơ bản vẫn theo hướng yêu cầu “đóng” thì từ kỳ thi 2015, cách ra đề thi và đáp án chấm có sự thay đổi theo hướng “mở”. Thay vì trước đây, giám khảo đọc bài làm của TS đến đâu, nếu có ý thì cho điểm đến đấy (chấm cắt ngang) thì nay yêu cầu giám khảo phải đọc hết bài làm của TS, sau đó cho điểm theo các yêu cầu cụ thể (chấm bổ dọc). Yêu cầu cụ thể của cách chấm này như sau: đảm bảo được cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm), xác định đúng vấn đề nghị luận (0,5 điểm), chia vấn đề nghị luận thành các luận điểm phù hợp (1 điểm với bài nghị luận xã hội và 2 điểm với nghị luận văn học), tính sáng tạo (0,5 điểm) và chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm).

Điểm đặc biệt chú ý nữa là nhiều TS đã có thói quen viết bài văn thành 3 đoạn văn (mở – thân – kết). Nhưng theo đáp án, nếu thân bài chỉ có một đoạn văn (hoặc cả bài chỉ có một đoạn văn) thì phần yêu cầu cấu trúc bài nghị luận sẽ 0 điểm. Cũng theo đó, các yêu cầu về tính sáng tạo, về chính tả, dùng từ, đặt câu, đáp án chấm trước đây chỉ đưa vào phần lưu ý chung cho giám khảo khi chấm, chứ không phải quy định thành thang điểm cụ thể như hiện nay.

Để không bị mất điểm, TS phải chú ý về các yêu cầu thang điểm trên để đáp ứng được các yêu cầu đó. Rõ ràng là với cách chấm mới này thì kiến thức chỉ chiếm một phần, là kỹ năng và sự sáng tạo của TS khi làm bài chiếm một số điểm không nhỏ.

Đối với phần đảm bảo được cấu trúc bài nghị luận, TS phải chia bố cục bài làm hợp lý, cân xứng giữa các phần. Phần triển khai (thân bài) nên viết thành nhiều đoạn văn theo nhiều thao tác, chứ không nên viết một đoạn. Phần xác định đúng vấn đề nghị luận rất quan trọng. Nếu xác định sai, bài làm xem như lạc đề, nhất là câu nghị luận xã hội. Vì thế trước khi làm bài cần suy nghĩ kỹ càng, phần giải thích phải thỏa đáng, đúng hướng.

Phần thân bài là yêu cầu chia vấn đề nghị luận thành các luận điểm phù hợp. Đây là phần trọng tâm, có thang điểm cao nhất. Tùy theo nội dung đề bài mà áp dụng dàn ý cách viết đã được giáo viên hướng dẫn. Bài làm có điểm sáng tạo là bài viết có cách diễn đạt độc đáo về câu văn, từ ngữ, sử dụng hình ảnh và các yếu tố biểu cảm. Bài viết thể hiện được quan điểm riêng, thái độ riêng, giọng điệu riêng, nhưng không được vi phạm đến pháp luật và trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa của người Việt. Hoặc tạo ra tình huống có tính tranh luận, phản biện cao, làm cho giám khảo chấm bài mà như đang tham gia vào quá trình tranh luận ấy…

Lỗi nhiều nhất của TS trong các kỳ thi là về chính tả, dùng từ, đặt câu. Thông thường trong một bài làm chỉ cần TS mắc khoảng 3 lỗi về các mặt này thì bị xem như mất 0,5 điểm. Vì thế, trước khi nộp bài, TS phải dành một khoảng thời gian hợp lý để đọc lại một cách khách quan bài làm và chỉnh sửa lỗi.

Theo: Trần Ngọc Tuấn (Giáo dục/TNO)

Chúc các bạn HS lớp 12 năm nayđạt kết quả tốt nhất theo khả năng của mình! (Hieuhoc-Hieuhoc.com).

Bài liên quan

Bí quyết mùa thi: Giải môn toán.

Kỳ thi THPT quốc gia 2016 đang đến gần, ai cũng biết môn toán là môn bắt buộc để công nhận tốt nghiệp và xét tuyển sinh đại học. Dưới đây là bài viết của Thạc sĩ NGUYỄN QUANG THI (Trường THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng) nhằm giúp các bạn thí sinh có được một mùa thi thành công nhất 

Thi Đại học khối C và mẹo làm bài.

Là những môn học bài nhưng thí sinh (TS) cũng cần có phương pháp ôn tập khoa học và “mẹo” làm bài mới có thể đạt kết quả cao. - Thí sinh dự thi khối C năm 2009 tại Hội đồng thi trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM

Cùng chuyên mục