Thuyết trình – Giọt nước tràn ly mang thành công cho bạn

(hieuhoc_hieuhoc.com): Đằng sau những phút giây ngắn ngủi của một buổi thuyết trình thành công có thể là vốn đầu tư để bạn thực hiện một dự án hay đạt được một hợp đồng béo bở. Thuyết trình thật sự là kỹ năng không thể thiếu trong con đường thăng tiến của bạn.

Dù là sinh viên hay người đi làm, bước cuối cùng của một dự án, một luận văn, một quá trình nghiên cứu trong lĩnh vực của mình, bạn cần phải nắm bắt những giây phút ngắn ngủi trong một buổi thuyết trình để thể hiện hết kết quả của quá trình làm việc của bạn. Hiếu Học đã từng có bài viết về: “Phương pháp hoàn thành một Seminar”, lần này, Hiếu Học lại mang đến cho các bạn những lưu ý sâu hơn trong buổi thuyết trình, hỗ trợ cho thành công của bạn.

Chuẩn bị

Bạn cần có những chuẩn bị thật kỹ lưỡng cho khoảng khắc ngắn ngủi nhưng rất quan trọng này. Bạn cần bình tĩnh suy xét đến vấn đề đối tượng người nghe. Họ là ai và chờ đợi gì ở bạn. Độ tuổi và nghề nghiệp, chức vụ của người nghe là những yếu tố bạn cần chú ý đến đầu tiên để chuẩn bị tâm lý và nội dung bài thuyết trình sao cho phù hợp.

Một yếu tố không kém phần quan trọng mà nhiều người không để ý đến đó là môi trường thuyết trình. Bạn thuyết trình trong một phòng học nhỏ sức chứa vài chục người khác với một hội trường vài trăm người. Bạn cũng có thể thuyết trình trong một sân khấu của khách sạn, người nghe vừa theo dõi vừa tham gia một tiệc rượu nhỏ. Những môi trường khác nhau ấy cần có tác phong, cử chỉ và mức độ trịnh trọng sao cho phù hợp.

Nội dung trình chiếu

Với những nghiên cứu về đối tượng người nghe và môi trường diễn thuyết như trên, bạn có thể dễ dàng lựa chọn những màu sắc, nội dung, cách thể hiện nội dung trình chiếu bằng máy tính như thế nào cho phù hợp.

Một số lưu ý cho việc thiết kế file trình chiếu chủ yếu tập trung vào vấn đề font chữ, màu sắc và hiệu ứng. Trong các phần mềm trình chiếu hỗ trợ rất nhiều các hiệu ứng khác nhau, nhưng bạn hãy chú ý sử dụng sao cho khéo léo và khôn ngoan. Không nên sử dụng quá nhiều hiệu ứng trong một file trình diễn. Các hiệu ứng được sử dụng phải mang mục đích giúp người nghe theo kịp diễn biến của bài thuyết trình. Ví dụ, nếu dùng hiệu ứng fade out khi sang 1 chương mới, bạn cần thể hiện hiệu ứng này cho riêng phần sang chương và giữ ổn định cho đến khi kết thúc bài thuyết trình.

Hiện nay, chương trình hỗ trợ trình chiếu phổ biến nhất chính là MS PowerPoint. Với phần mềm này, các bạn có thể dễ dàng tìm được những templates đã được design sẵn cả về cấu trúc, màu sắc và hiệu ứng thích hợp với từng chủ đề. Các bạn có thể dễ dàng tìm được những file templates này hoàn toàn miễn phí trên internet. Kỹ năng tìm kiếm thông tin, tài liệu trên internet sẽ được Hiếu Học bổ sung trong thời gian sau.

Kỹ năng nói trước đám đông

Phần quan trọng nhất trong một buổi thuyết trình có lẽ là kỹ năng nói sao cho thuyết phục được mọi người. Dựa trên những nội dung đã chuẩn bị, dựa trên những lưu ý về đối tượng người nghe, bạn cần lựa chọn tác phong và giọng điệu phù hợp cho bài nói của mình. Bạn cần lưu ý rằng, bạn cần nói sao cho mọi người hiểu, sao cho mọi người nghe, sao cho thu hút được sự chú ý của mọi người chứ không phải mọi người cần lắng nghe bạn. Bạn cần có một giọng nói vừa đủ nghe, nói lưu loát, không quá nhanh và không quá chậm, sử dụng những từ ngữ không quá giáo điều, không quá đao tao búa lớn. Cử chỉ hình thể vừa phải, vừa thu hút được sự chú ý người nghe, vừa không quá múa may dẫn đến lố bịch. Bạn cũng có thể dùng thêm những dụng cụ tin học ngoại vi hỗ trợ như một cây viết laser, một chú chuột quang đeo tay với giá thành không hề đắt so với những gì bạn thu được sau một buổi thuyết trình thành công.

Với những hướng dẫn cụ thể, bạn có thể chuẩn bị file trình diễn thật tốt, chuẩn bị nội dung thật đầy đủ, nhưng để có một giọng nói hay, một kỹ năng nói trước đám đông sao cho lôi cuốn, không quá dài, không quá ngắn thì đó là cả một quá trình luyện tập lâu dài mới có được. Kỹ năng nói thật sự không đơn giản khi bạn chắc chắn sẽ gặp phải những vấn đề như tim đập mạnh, thân nhiệt tăng, cơ thể mất sức và căng thẳng trước khi bước lên sân khấu. Hãy luyện tập thật nhiều khi ở nhà, với một chiếc gương hay với những người thân để nhận được những lời góp ý chân thành từ họ. Và đừng quá cầu toàn, quá lo lắng với những gì sẽ diễn ra. Với sự chuẩn bị thật chu đáo cùng một tinh thần thoải mái, không lo lắng, bạn sẽ có một bài thuyết trình thành công và hơn thế nữa là những gì đạt được sau bài thuyết trình ấy.

Minh Đức

Cùng chuyên mục