Ông giám đốc không biết đọc

Trong hàng chục năm trời, Jay Thiessens, Giám đốc Tập đoàn Máy móc công cụ B&J, một doanh nhân lãi ít nhất 5 triệu USD/năm, giấu kín một bí mật: ông không biết đọc.

Hằng ngày, như mọi doanh nhân khác, ông luôn vội vã, bận rộn bởi vậy cũng luôn “không đủ thời gian để xem các bản hợp đồng hay đọc thư, gửi email”… Mỗi buổi tối, vợ ông, bà Bonnie lại phải giúp ông xem lại các giấy tờ trong ngày. Còn các nhiệm vụ khác, ông giao cho một nhóm quản lý đáng tin cậy, nhưng cả những người đáng tin cậy nhất đó cũng không hề biết rằng giám đốc của họ hoàn toàn không biết đọc! “Tôi làm việc cho ông ấy 7 năm rồi mà không hề biết” – Jack Sala kể – “Tôi là giám đốc điều hành. Ông ấy thường mang những văn bản luật tới chỗ tôi và bảo: “Anh giỏi những vấn đề luật pháp hơn tôi mà!”. Tôi đã không hề biết rằng tôi là người duy nhất đọc chúng”.

Rất ít người biết được rằng mong ước lớn nhất của ông Jay là có thể đọc một câu chuyện cổ tích cho cháu mình nghe trước khi chúng đi ngủ. Nhưng ông cũng không giữ được bí mật này mãi. Năm 56 tuổi, ông Jay mới bắt đầu biết đọc. “Kể từ khi tôi quyết định không giấu giếm nữa, tôi thấy nhẹ nhõm hơn hẳn”.

Ông giám đốc Jay từng được bình chọn là một trong 6 doanh nhân thành công nhất nước Mỹ – những doanh nghiệp đã vượt qua thời kỳ khủng hoảng và thành công bất chấp khó khăn. Khi đó cũng không ai biết rằng ông từng bị cô giáo lớp 2 gọi là “ngu ngốc” và kể từ đó ông trở thành cậu bé lặng lẽ và đơn độc, luôn ngồi ở góc cuối cùng của lớp.

“Có lẽ các thầy cô phát mệt khi cứ phải thấy mặt tôi nên họ cho tôi lên lớp” – Ông Jay kể lại quá trình làm sao ông có được bằng tốt nghiệp cấp II -“Tôi chỉ nhận toàn điểm C, D và F. Chỉ duy nhất một lần tôi có điểm A môn thực hành máy móc tự động.”

Sau khi tốt nghiệp, ông Jay mở một cửa hàng linh kiện máy móc nhỏ với 200 đô la duy nhất của mình và chẳng bao lâu sau ông trở thành một trong những doanh nhân thành công lớn.

Ông bù đắp cho việc không biết đọc của mình bằng cách lắng nghe thật nhiều: nghe đài, ti vi và nghe những người khác nói chuyện. Ông phát triển kỹ năng lắng nghe tập trung nên rất ít khi quên. Và tuy không biết chữ nhưng khả năng tính toán và hình học của ông lại cực kỳ đáng nể.

Nhưng cuối cùng ông cũng thú thật trước tất cả mọi người, khi đó giọng ông run lên và ông nghĩ rằng mình sẽ bị cười nhạo. Nhưng trái lại, tất cả mọi người đều động viên và tôn trọng ông. Nhờ sự khuyến khích đó, ông Jay tự tin tìm một giáo viên dạy ông đọc 5 ngày/tuần, mỗi ngày một giờ đồng hồ.

Bây giờ thì ông Jay đã đọc được rất nhiều sách. Ông cũng gửi nhận email hằng ngày dù bà Bonnie vẫn phải giúp ông soạn thư gửi qua bưu điện vì ông quá bận. Nhưng mỗi lần nhắc đến quá khứ, ông không còn xấu hổ nữa mà hy vọng câu chuyện của mình sẽ động viên mọi người, rằng mỗi người đều có điểm yếu và nếu bạn thật sự nỗ lực, bạn sẽ vượt qua được.

“Chẳng có gì xấu hổ trong việc bạn kém hơn mọi người về một kỹ năng nào đó, dù là một kỹ năng cơ bản”- ông Jay nói. “Bạn chỉ phải xấu hổ nếu bạn cứ ngồi yên mà chẳng tìm cách nào để khắc phục điều đó.”

Vũ Ngọc Diệp dịch từ internet/(HNM)

Bài liên quan

Thân tự lập thân: Tự lực – tự học.

(Hiếu học). Học tập bậc cao là một quá trình tự học, tự lực gian khổ tìm tòi học hỏi từ mọi người, mọi lúc, mọi nơi… Quá trình lập thân này chính là nền tảng cho sự tự quyết định vận mệnh của chính mình đi đến thành công.    

Sợ hãi - sai lầm - thất bại.

(Hiêu học). Tất cả mọi người đều có lúc phạm sai lầm, thất bại. Có thể sự thất bại sẽ giúp ta thoát khỏi những ảo vọng để quay về với thực tại, thất bại chứng minh cho ta thấy những hạn chế của mình. Nhất là sau đó giúp ta rút ra những bài học từ sự thất bại, giúp ta dừng lại để phân tích nguyên nhân của sai lầm.  

Tính cách nào là quyết định?

(hieuhoc_hieuhoc.com). Những tính cách nào là quyết định để thành công? Để thành công, đó không chỉ là những kỹ năng học được từ trường lớp, mà chính là thái độ cầu tiến trong mỗi người, sẵn sàng học hỏi và thay đổi, cũng như chấp nhận thất bại một cách đúng đắn.

Muốn làm chủ, đừng sợ thất bại!

Một trong những lý do mà nhiều người không thể trở thành những chủ doanh nghiệp đó là bởi vì họ sợ thất bại. Họ sợ mắc sai lầm. Họ sợ thâm hụt hầu bao. Nhưng nếu con người ta không thể vượt qua những sợ hãi tâm lý kể trên, tốt hơn hết họ nên hài lòng với công việc hiện tại.

Cùng chuyên mục