Chuyên gia kỹ thuật ngành Công nghệ vũ trụ

(hieuhoc_hieuhoc.com) Với xu thế phát triển khoa học hiện nay trên thế giới, công nghệ vũ trụ được xác định là một trong những công nghệ ưu tiên cần phát triển trong thế kỷ 21. Việt Nam cũng nằm trong xu thế này và vài năm gần đây, chúng ta đã bắt đầu tăng tốc để bắt đầu nhập cuộc vào địa hạt Công nghệ vũ trụ.

Chinh phục vũ trụ là một cuộc khai phá tốn kém nhất trong các lĩnh vực công nghệ, cần phải có những công nghệ tối tân nhất để vượt ra khỏi những giới hạn ở mặt đất. Ngoài dự án vệ tinh Vinasat đã được thực hiện, Việt Nam còn đang tiếp tục triển khai nhiều dự án vệ tinh viễn thám, quan sát trái đất nên rất thiếu nguồn nhân lực có trình độ cao lĩnh vực này.

Khoa học và công nghệ vũ trụ là tổng hợp thành quả từ nhiều ngành khoa học và công nghệ khác nhau. Việc ứng dụng công nghệ vũ trụ giúp Việt Nam phát triển kinh tế-xã hội và mở rộng hợp tác quốc tế… Trong tương lai gần, nhu cầu sử dụng nhân lực được đào tạo từ ngành Công nghệ vũ trụ sẽ gia tăng. Những vấn đề nóng bỏng trong thực tế như tranh chấp biển đảo và giám sát đánh bắt cá trên biển Đông, giám sát biến động môi trường nông thôn và đô thị, giám sát và dự đoán ảnh hưởng biến đổi khí hậu… Tất cả không chỉ đòi hỏi sự đầu tư về công nghệ, thiết bị, mà còn cần một nguồn nhân lực đáng kể được đào tạo bài bản về khoa học công nghệ vũ trụ, không chỉ cần những người biết sử dụng các trang thiết bị mà còn cần cả những người có năng lực về phân tích, đánh giá dữ liệu do vệ tinh cung cấp.

Để trở thành chuyên gia kỹ thuật ngành Công nghệ vũ trụ (Thạc sĩ ngành kỹ sư vũ trụ, hoặc Thạc sĩ ngành Khoa học vũ trụ và Ứng dụng) đủ năng lực để làm việc tại các cơ sở ứng dụng công nghệ vũ trụ, ngoài chương trình đào tạo chuyên môn khoa học kỹ thuật, các sinh viên còn bắt buộc phải học một số môn xã hội có mối liên quan mật thiết với sự nghiệp của họ sau này bao gồm: quản trị dự án khoa học, quản trị doanh nghiệp và tổ chức, quản trị nhân lực và tài chính, ngoại ngữ và luật pháp…

Ở Việt Nam, việc học và nghiên cứu công nghệ vũ trụ (là một lĩnh vực khá mới mẻ), thường thông qua các ngành có liên quan đến vũ trụ như: vật lý, công nghệ thông tin, viễn thông… và học thêm về lĩnh vực này tại những nước phát triển như Mỹ, Nga, Nhật…, hoặc được đào tạo ở một số cơ sở như: Viện công nghệ vũ trụ Việt Nam, Trung tâm vệ tinh quốc gia, Hội hàng không vũ trụ Việt Nam (VASA), Khoa hàng không vũ trụ (Học viện kỹ thuật Quân sư), Bộ môn Kỹ thuật hàng không và Vũ trụ (Viện cơ khí động lực, Đại học Bách khoa Hà Nội), Bộ môn Kỹ thuật hàng không (Khoa kỹ thuật giao thông, Đại học Bách khoa TPHCM), Học viện phòng không không quân; hoặc học trực tiếp vào chuyên ngành như Kỹ sư Công nghệ vũ trụ; Cử nhân – Thạc sĩ Vũ trụ Ứng dụng (Space and Applications) tại Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH); ĐH FPT.

Tương lai nghề nghiệp của ngành công nghệ vũ trụđang rộng mở với nhiều cơ hội: kỹ sư và nghiên cứu viên tại các viện khoa học như Trung tâm Vũ trụ và Trung tâm Vệ tinh quốc gia; chuyên viên và kỹ thuật viên tại các tập đoàn viễn thông; chuyên viên trắc địa, thăm dò tại các cơ quan khí tượng, các tập đoàn khoáng sản và dầu khí; trở thành giảng viên đại học chuyên ngành thiên văn học, v.v… Sinh viên ngành vũ trụ và ứng dụng cũng có thể trở thành kỹ sư tại các công ty hàng không chuyên sản xuất thiết bị cho máy bay Boeing, Airbus hay các công ty thiết kế và chế tạo ô tô như Mercedes, BMW…

Với Việt Nam, những lợi ích của việc phát triển công nghệ vũ trụ là rõ ràng. Việc Chính phủ xây dựng một trung tâm vũ trụ hiện đại tại Hòa Lạc – Viện Công nghệ vũ trụ (trực thuộc Viện KHCN Việt Nam) – như là một sự chuẩn bị cho việc phát triển những nhóm nghiên cứu và sản xuất các vệ tinh nhỏ, phục vụ cho các nhu cầu trong nước như: dự báo thời tiết, quan trắc, thăm dò, thu phát sóng truyền thanh – truyền hình, tìm kiếm cứu nạn… là “đầu ra” cho những sinh viên tốt nghiệp hoặc những nhà khoa học về nước làm việc. Tuy nhiên, chinh phục vũ trụ là một chặng đường dài, phải có sự chuẩn bị và khởi động chắc chắn cũng như chiến lược đầu tư lâu dài. Trong đó, con người, những chuyên gia ngành Công nghệ vũ trụ là yếu tố quan trọng bậc nhất.

Công Nghệ tổng hợp (hieuhoc_hieuhoc.com)

* Ngày 19.9.2012, dự án xây dựng trung tâm Vũ trụ Việt Namđã được khởi công tại khu Công nghệ cao Hoà Lạc, Hà Nội.

Được xây dựng trên diện tích rộng gần 9ha, trung tâm Vũ trụ Việt Nam có vốn đầu tư 54 tỉ yen từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Đơn vị triển khai thực hiện dự án là trung tâm Vệ tinh quốc gia trực thuộc viện Khoa học và công nghệ Việt Nam.

Trung tâm Vũ trụ Việt Nam có nhiệm vụ làm chủ công nghệ và tự chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát trái đất, có khả năng quan sát toàn lãnh thổ Việt Nam trong mọi điều kiện thời tiết bằng công nghệ rađa hiện đại; xây dựng và xử lý các dữ liệu vệ tinh phục vụ giám sát và cảnh báo sớm thiên tai, các thảm hoạ môi trường; dự báo sớm sản lượng nông nghiệp, nguồn lợi hải sản, cập nhật hệ thống bản đồ điện tử cho quản lý và quy hoạch đất đai; nghiên cứu và phòng chống biến đổi khí hậu toàn cầu…

Bài liên quan

Ngành Công nghệ vũ trụ

Việt Nam đã và sẽ gửi các nghiên cứu sinh sang học tập tại những nước có ngành Công nghệ vũ trụ phát triển như Mỹ, Nga, Nhật... Các trường ĐH Công nghệ, ĐH FPT cũng đã mở bộ môn chuyên giảng dạy Công nghệ vũ trụ, khóa đầu tiên sẽ tốt nghiệp trong một, hai năm tới...   

Dự án xây dựng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam

(Hiếu học) Hiện tại, nhóm tư vấn của Nhật Bản đang hoàn tất báo cáo dự án xây dựng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam để trình Chính phủ Nhật Bản, dự kiến phê duyệt trong năm 2011. Nếu mọi việc thuận lợi thì cuối năm, dự án mới chính thức được triển khai. 

Cùng chuyên mục