Để thi khối A1 đạt kết quả cao.

(hieuhoc_hieuhoc.com) Ngoài các khối thi truyền thống, kỳ thi tuyển sinh năm 2012 có thêm khối thi A1 (gồm toán, lý, ngoại ngữ). Việc bổ sung khối thi A1 là điều kiện thuận lợi cho các thí sinh, nhưng có nhiều điểm thí sinh cần phải đặc biệt lưu ý để đạt điểm cao ở từng môn thi.

Đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2012 chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12. Thời gian làm bài đối với mỗi môn thi tự luận là 180 phút và đối với mỗi môn thi theo phương pháp trắc nghiệm là 90 phút.

1. Môn toán: Nắm vững kiến thức cơ bản và tránh các lỗi hay phạm trong khi làm bài thi.

Nắm vững kiến thức cơ bản: Ôn lý thuyết từng chương trong sách giáo khoa, nhớ kỹ các công thức cơ bản và quan trọng. Sau đó, mua sách chuyên đề về giải các bài tập. Làm bài tập càng nhiều càng tốt, làm từ bài dễ đến bài khó và nắm các cách giải hay nhất. Đối với môn toán thì tìm hiểu các dạng đề những năm trước, đầu tư vào sở trường nhiều hơn sở đoản. Tức là tập trung nhiều vào những phần học mà bản thân nắm vững kiến thức.

Tránh các lỗi hay phạm trong khi làm bài thi:

– Không đọc kỹ đề và thế sai dữ liệu.

– Quên đặt điều kiện để hàm số xác định.

– Hiểu lạc đề nên đặt vấn đề sai.

– Tính toán vội vàng nên sai ở những khâu trung gian.

– Trong những phương trình (hoặc bất phương trình) lượng giác, vì sử dụng công thức không đúng chỗ nên dẫn đến phương trình mới phức tạp hơn.

– Trong những bài tích phân, vì đổi biến không phù hợp nên làm không ra và mất thời gian tính toán dài dòng.

– Khi khảo sát và vẽ đồ thị hàm số, một số thí sinh vì thiếu cẩn thận đã lập bảng biến thiên sai hoặc vẽ đồ thị sai.

Các bạn cần bình tỉnh khi gặp các bài toán đòi hỏi phải vận dụng nhiều kiến thức. Nên đọc kỹ đề, phân tích các giả thiết, các kiến thức liên quan đến giả thiết và kết luận để tìm ra mối liên hệ giữa giả thiết và kết luận, từ đó đề ra các hướng giải cho bài toán. Thực hiện các hướng giải đã đưa ra và chọn lời giải tốt nhất. Khi làm bài, nên làm bài dễ trước để có một số vốn rồi mới làm bài khó. Riêng đối với môn Toán thi tự luận, nếu làm 5-10 phút mà không nghĩ ra hướng giải thì nên chuyển ngay sang giải bài khác, khi còn thời gian thì quay lại làm tiếp.

2. Môn vật lý: Để ôn thi môn Lý hiệu quả, các bạn cần lưu ý những điểm sau

Các bước giải đề thi: Giải các câu thuộc về giáo khoa trước, lần lượt đến phần hạt nhân, vi mô, vĩ mô; phần quang lý; mạch dao động, sóng cơ học; dao động điều hòa, con lắc lò xo, con lắc đơn; dòng điện xoay chiều. – (Nhất thiết phải nắm vững nội dung của các phần nêu trong cấu trúc đề thi)

Cần làm bài theo phương pháp: Những bài dễ, bài có thời gian giải ngắn và những bài có công thức thuộc về dạng đó thì giải trước. Những bài lạ và có tính chất tự luận, nếu dư thời gian thì mới giải. Những bài lập phương trình dao động điều hòa, lập phương trình sóng hay tổng hợp dao động thì nên xem các phương án trả lời để có thời gian giải nhanh nhất. Bạn nên mạnh dạn từ bỏ các loại bài tập thuộc dạng như: – Đề bài quá dài, quá rườm rà hoặc hình vẽ phải mô tả phức tạp; – Bài giải cần quá nhiều giai đoạn biến đổi. – Kiến thức lý thuyết vật lý để giải bài tập không có trong nội dung sách giáo khoa và cấu trúc đề thi.

Ngoài ra, khi làm bài, các bạn lưu ý cách làm bài thi trắc nghiệm môn Lý cũng như các môn thi trắc nghiệm nói chung là: Cần đọc kỹ câu hỏi, không bỏ sót từ nào của phần dẫn để nắm thật chắc nội dung mà đề bài yêu cầu trả lời. Cân nhắc để chọn đúng phương án trả lời. Chú ý tới các từ phủ định như “không”, “không đúng”, “sai”… Phải đọc và xem xét hết cả bốn phương án trình bày a, b, c, d trong phần lựa chọn, tránh những trường hợp vừa đọc được một phương án đã cảm thấy đúng ngay và không đọc các phương án tiếp theo. Tạm bỏ qua những câu khó để chuyển sang làm những câu khác “dễ hơn”, rồi quay lại làm những câu đó sau. Không bỏ sót hoặc để trống bất kỳ câu nào. Khi thời gian làm bài thi gần hết mà còn một số câu chưa giải quyết xong, các bạn cần chọn nhanh đáp án hợp lý nhất cho những câu chưa trả lời. Không nên để trống một câu nào, “thà tô nhầm còn hơn bỏ sót”, đừng bỏ qua “dự đoán” trong việc chọn phương án trả lời. (Xem thêm: Cách làm bài thi trắc nghiệm)

3. Môn tiếng Anh: Không cần làm nháp

Môn tiếng Anh là môn thi bằng hình thức trắc nghiệm nên các bạn không nên học tủ và khi làm bài phải biết phân phối thời gian hợp lý, và không cần làm nháp

Bài thi trắc nghiệm luôn có 4 đáp án, chúng ta dễ dàng loại ngay 2 đáp án sai dễ nhìn thấy vì ít khi người ra đề cho cả 4 câu gần đúng. Sau đó mới tập trung vào 2 đáp án gần đúng và đúng. Vì thế đừng vội vàng chọn câu gần đúng trước mà dễ bị “mắc bẫy”, phải cân nhắc chính xác để chọn đáp án đúng nhất. Tốt nhất là sử dụng phương pháp loại trừ, khoanh vùng đối với những câu chưa có đáp án đúng.

Phần từ vựng phải nắm kỹ các động từ, giới từ. Trong phần ngữ âm phải chọn âm chính xác, chọn dấu nhấn đúng phần trọng âm. Riêng phần phát âm dễ bị nhầm lẫn vì có khi cùng một chữ nhưng có cách phát âm khác. Phần từ vựng thì phải “đi theo” từng chủ đề nhất định như gia đình, chương trình học, TDTT…

Ngữ pháp thì nắm cấu trúc câu, các thì. Các bạn thường bị “vấp” phần đọc đoạn văn do lo dịch nghĩa. Dịch được các nghĩa từ thì tốt, có như vậy mới hiểu được nội dung cả câu và toàn đoạn văn. Nhưng không cần thiết biết hết các từ trong đoạn văn mà phải đọc cả đoạn để phỏng đoán toàn bộ nội dung đoạn văn, (có khi đọc sang câu 2 mới hiểu được ý câu 1 vì câu 2 là ý phụ của câu 1). Vì vậy, khi cầm bài đọc các bạn phải xác định có bao nhiêu đoạn, bao nhiêu dòng. Sau đó, khi nhìn câu hỏi bạn có thể dễ dàng tìm được câu trả lời (từ khóa) nằm ở đoạn nào, dòng thứ bao nhiêu.

Thi môn tiếng Anh (trắc nghiệm khác với tự luận) nên các bạn không cần làm nháp vì khi viết lại vào bài làm dễ bị lệch hàng. Sai một câu kéo theo sai hết nhiều câu sau đó. Sau khi chọn xong thì tô đen luôn nếu phát hiện sai thì tô lại vì làm bài bằng bút chì nên tẩy xóa và sửa lại được. Ngoài ra, không nên lưu luyến, phân tâm khi đã đưa ra câu trả lời của mình, làm xong câu nào thì yên tâm câu đó, càng cân nhắc, càng suy nghĩ, thì càng dễ sai.

Muốn đạt kết quả tốt trong các kỳ thi và khối A1 nói riêng, các bạn nên tập cho mình thói quen cẩn thận và biết cách làm bài trắc nghiệm. Cần đọc kỹ đề, xác định đâu là các câu hỏi quen thuộc và dễ thực hiện (ưu tiên giải trước), còn các câu hỏi khó sẽ giải quyết sau. Thứ tự các câu hỏi được giải là tùy theo khả năng giải quyết của thí sinh, không nên bị lệ thuộc vào thứ tự trong đề bài. Trong đề thi, mỗi câu hỏi đều có một chướng ngại đòi hỏi phải suy luận một chút thì mới vượt qua, do đó các bạn cần tỉnh táo để tìm ra hướng giải tốt nhất. Làm xong câu nào cần xem lại cho kỹ để biết mình có sai sót gì không và đánh dấu các câu đã làm rồi, tránh trường hợp làm sót câu hỏi…

Chúc các bạn đạt kết quả thi thật tốt nha!

Thông Đạt tổng hợp (hieuhoc_hieuhoc.com)

Bài liên quan

Những lưu ý để đạt điểm cao môn toán.

(hieuhoc_hieuhoc.com) Các bạn cần bình tỉnh khi gặp các bài toán đòi hỏi phải vận dụng nhiều kiến thức. Nên đọc kỹ đề, phân tích các giả thiết, các kiến thức liên quan đến giả thiết và kết luận để tìm ra mối liên hệ giữa giả thiết và kết luận, từ đó đề ra các hướng giải cho bài toán. Thực hiện các hướng giải đã đưa ra và chọn lời giải tốt nhất.

Cấu trúc đề thi trắc nghiệm môn Vật lý.

(Hiếu học) Cấu trúc đề thi là tài liệu chính thức của Bộ giúp giáo viên và HS chuẩn bị ôn luyện cho các kỳ thi sắp tới. Theo Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT, cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT, ĐH, CĐ 2011 không thay đổi so với năm trước. Dưới đây là cấu trúc đề thi môn Vật lý

Cấu trúc đề thi THPT, ĐH, CĐ 2011: Môn Anh văn

(Hiếu học) Cấu trúc đề thi là tài liệu chính thức của Bộ giúp giáo viên và HS chuẩn bị ôn luyện cho các kỳ thi sắp tới. Theo Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT, cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT, ĐH, CĐ 2011 không thay đổi so với năm trước. Dưới đây là cấu trúc đề thi môn Anh văn.

Kỹ năng, phương pháp làm bài thi

(hieuhoc_hieuhoc.com) Phương pháp làm bài và đạt điểm cao là một kỹ năng có được nhờ rèn luyện. Thiếu kiến thức về kỹ năng này, một thí sinh học lực khá giỏi cũng có thể phải nhận điểm số kém cỏi. Sau đây là tóm lược phương pháp căn bản để làm một bài thi tự luận hoặc trắc nghiệm.  

Cùng chuyên mục