Du học để thực hiện giấc mơ công dân toàn cầu

Mỗi năm người Việt chi khoảng 3 tỷ đô la Mỹ để đưa con em ra nước ngoài học tập. Hàng chục nghìn thanh niên lên đường đến nơi xa lạ trong bối cảnh văn hóa trong nước có nhiều vấn đề nổi cộm. Ngay chính người Việt với nhau cũng thấy khó chấp nhận thói quen, lối sống của nhau nơi công cộng, vậy đem theo cách sống đó sẽ như thế nào giữa cộng đồng đa văn hóa ở xứ người?

Du học là quá trình đầu tiên để thực hiện giấc mơ công dân toàn cầu.

Tôi vào một trường đại học ở Hàng Châu, Trung Quốc, giáo sư phụ trách – một tiến sĩ trẻ từng du học ở Mỹ và đang giảng dạy thêm ở một số đại học thuộc EU nói với ý dặn dò: “Bạn phải hòa nhập vào cộng đồng này, phải sống đúng với hiện tại, đừng quyến luyến tìm lại cộng đồng cũ, rồi rút cuộc đã qua đây học tập, cũng chỉ lui tới có nhóm mấy người đồng hương, cũng chỉ đi phớt qua xã hội bên này, không hiểu gì về nó. Nếu như vậy thì tốt hơn là bạn đừng đến đây”.

Vị giáo sư đã có kinh nghiệm về sự hòa nhập cộng đồng đa quốc gia và cộng đồng bản xứ của sinh viên các nước châu Á, đặc biệt là sinh viên Trung Quốc, Việt Nam tại Mỹ, nên mới nói như vậy. Chúng ta là người châu Á đi ra khỏi châu Á là đã phải chịu áp lực từ tâm lý hình thể đến năng lực làm việc, học tập, nên đều phải cố gắng hơn nhiều người Âu, Mỹ, Trung Đông thì mới được thừa nhận. Đặc biệt nếu là nam sinh viên, áp lực đó còn nặng nề hơn rất nhiều.

Chính vì thế, sinh viên đi học bằng tiền cha mẹ phần nhiều tìm các trường có người Việt, rồi co cụm giao lưu sinh hoạt trong số ít ỏi người Việt với nhau, từ đó gặp rất nhiều khó khăn.

Ngay tại Trung Quốc – nơi một số sinh viên Việt Nam đến học tập ở quốc gia có nền văn hóa khá tương đồng, nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Một nữ sinh viên sắp tốt nghiệp chia sẻ, mỗi ngày đến trường là một ngày khẳng định bản thân. Bạn đừng nghĩ là gia đình có tiền chi phí cho bạn, học giỏi, bạn sẽ có cuộc sống ổn ở môi trường đại học nước ngoài. Bạn không thể né tránh những xung đột văn hóa xảy ra rất bất ngờ. Một hôm tôi đã chứng kiến một sinh viên người Indonesia vì vội vã đã sang tắm nhờ ở phòng bên cạnh, sau khi tắm xong, bạn ấy để phòng tắm ướt nhẹp. Nguyên tắc của sinh viên Âu, Mỹ, và một số nước như Hàn Quốc, Nhật, nếu bước ra khỏi căn bếp hoặc nhà tắm thì hai nơi đó phải sạch sẽ giống như bạn chưa từng sử dụng nó. 90% sinh viên Việt Nam không biết điều đó, không làm được điều đó vì vệ sinh của người Việt còn khá kém cỏi cho dù sống trong gia đình khá giả. Cô gái đó đã bị 2 sinh viên Hàn Quốc la mắng ngoài hành lang, thậm chí còn lên facebook nói lời phỉ báng về một đất nước kém văn minh.

Những vấp ngã đó có hàng trăm tình huống và gây stress cho đời sống mỗi ngày của du học sinh vì phần lớn các bạn trẻ chọn cách sống chung cùng đồng hương, và do đó đời sinh viên diễn ra trong tẻ nhạt, bị kỳ thị hoặc khó hòa đồng.

Nếu là sinh viên Việt Nam đi làm thêm, bạn sẽ phải làm việc nhiều hơn, số giờ dài hơn sinh viên người châu Âu. Có thể có những nhóm sinh viên chính quốc hùa nhau ăn hiếp một sinh viên châu Á, đặc biệt là người Việt. Một sinh viên Việt Nam du học tại Hà Lan, ngành khách sạn đã rất vui mừng khi được một khách sạn lớn ở Anh chấp nhận cho thực tập. Nhưng sinh viên này đã rời khỏi nước Anh khi hết hạn thực tập với tâm trạng phiền muộn, thù ghét mảnh đất mình vừa rời đi chỉ vì sống một thời gian nặng nề trong sự ghét bỏ của những nhân viên khách sạn. Bạn không tìm được lý do thật sự của tình trạng tồi tệ đó, hoặc không chịu nhìn nhận là mình đã không hội nhập được vào xã hội phương Tây.

Các sinh viên nam sẽ còn khó khăn hơn rất nhiều trong hội nhập vì hình thể bé nhỏ, giao tiếp kém, phải chịu sự kỳ thị nặng hơn sinh viên nữ. Nhiều gia đình giải thích sự thất bại hòa nhập của con em bằng những lý do vô căn cứ như sinh viên nước ngoài hay la cà quán ba, hút cần sa, chơi với họ làm gì cho hư hỏng.

Du học là quá trình đầu tiên để thực hiện giấc mơ công dân toàn cầu. Người Việt chúng ta phải nỗ lực gấp đôi công dân nước khác. Phải chấp nhận thực tế đó thay vì cứ chối bỏ sự thật và thất bại.

Theo: Người trẻ Việt và bài toán công dân toàn cầu
– ĐỖ KHẢI LY (DNSGO)

Bài liên quan

Đừng du học vì cái danh hay sự phù phiếm.

“Đừng du học vì cái danh hay sự phù phiếm” - Đó là chia sẻ của các du học sinh với những học sinh phổ thông đang tìm hiểu du học trong một hội thảo vừa diễn ra sáng nay, 30/7  

Đi làm khi du học.

Những gì nước Úc cần còn là tính chuyên nghiệp, kỷ luật cao và tận tụy trong công việc. Tôi chợt thấy tiếc thời gian mình đã phí phạm trong suốt hơn chục năm kể từ khi tốt nghiệp ở Việt Nam.

Kinh nghiệm hòa nhập cuộc sống mới cho du học sinh

'Tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật là con đường nhanh nhất để kết bạn với người bản địa và hòa nhập môi trường sống của họ',Hà Duy - sinh viên Đại học Tổng hợp quốc gia Astrakhan (Nga) chia sẻ.  

Để có thể hội nhập khi du học

Hội nhập là một chủ đề lớn được đề cập đến rất nhiều trong các hội thảo, diễn đàn, tổ chức xã hội ở các nước có số lượng người nhập cư ngày một tăng.   Hiện nay, ngày càng có nhiều bạn trẻ Việt Nam chọn con đường du học và phần lớn các bạn rất năng động nên cũng dễ dàng thích nghi khi sinh sống và học tập trong với môi trường mới.

Cùng chuyên mục