(Hiếu học) Chương trình đào tạo cử nhân & kỹ sư ngành Khoa học máy tính dựa trên chương trình khung của Bộ Giáo dục Đào tạo nhưng mỗi trường đào tạo với mục đích có chút ít khác nhau.
Các trường đào tạo ngành khoa học máy tính gồm: ĐH Hà Nội, ĐH Công nghệ (ĐH QGHN), Học viện Bưu chính Viễn thông, ĐH Điện lực, ĐH CNTT TPHCM, ĐH Quốc tế Sài Gòn… Trong đó, ngành Khoa học máy tính của ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia HN) được triển khai đào tạo theo chương trình tiên tiến thuộc đề án của ĐH QGHN phát triển 16 ngành và 23 chuyên ngành đào tạo đạt trình độ quốc tế (Đề án 16+23). Đào tạo theo chương trình đạt trình độ quốc tế; được đầu tư ưu tiên về cơ sở vật chất, chương trình, giáo trình, và đội ngũ cán bộ giảng dạy.
Còn Trường ĐH Hà Nội, ngành Khoa học máy tính của trường được đào tạo ở một góc độ khác với ngành CNTT ở các trường khác. Khoa học máy tính của trường chú trọng đến khả năng ứng dụng thông tin, sử dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý kinh tế, xã hội… Ngoài kiến thức về tin học ứng dụng, sinh viên còn học nhiều về ngoại ngữ.
Cử nhân ngành Khoa học máy tính của trường Đại học Kinh tế Quốc dân có kiến thức chuyên sâu về ngành Khoa học máy tính, thành thạo những kỹ năng cần thiết trong lĩnh vực Công nghệ thông tin và truyền thông, có khả năng thích ứng tốt với môi trường công việc thay đổi, đáp ứng nhu cầu xã hội về nguồn nhân lực có trình độ cao.
Chương trình cử nhân Khoa học máy tính của Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn là chương trình kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn của ngành khoa học máy tính, trang bị cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng cần thiết để thích nghi với thế giới công nghệ thông tin. Sinh viên tốt nghiệp cử nhân Khoa học máy tính không những có đủ khả năng lập trình mà còn có khả năng phát triển hệ thống máy tính, thiết kế phần mềm và thiết lập các hệ thống xử lý thông tin và ngoại ngữ phải đạt trình độ TOEIC quốc tế 500.
Ngành Khoa học máy tính (Computer Science) thuộc lĩnh vực khoa học tính toán, lập trình, hệ thống thông tin, hệ thống tri thức, xây dựng phần mềm và phát triển ứng dụng xử lý hình ảnh, âm thanh, lý thuyết khai thác cơ sở dữ liệu… Chương trình đào tạo ngành Khoa học máy tính được thiết kế dựa trên chương trình khung của Bộ Giáo dục & Đào tạo và các chương trình khoa học máy tính của các đại học tiên tiến giúp người học có khả năng thiết kế và hiện thực các hệ thống thông tin, hệ thống tri thức và hệ thống phần mềm.
Chương trình bao gồm các khối kiến thức về:
–Kiến thức cơ sở về ngành khoa học máy tính.
–Kiến thức về phương pháp và kỹ thuật lập trình.
–Kiến thức về các hệ thống thông minh.
–Kiến thức quản trị và phát triển các ứng dụng Công nghệ thông tin.
Về kỹ năng: Có kỹ năng làm việc độc lập hoặc làm việc theo nhóm; có khả năng nghiên cứu, lập luận, giao tiếp và xử lý tình huống, có kỹ năng tổng hợp, phân tích, đánh giá, ra quyết định…
– Kỹ năng ngoại ngữ: Có khả năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Anh chuyên ngành Công nghệ thông tin. Theo ĐH Kinh tế Quốc dân, sinh viên ngành khoa học máy tính phải có Tiếng Anh theo chuẩn TOEIC, tiếng Pháp theo chuẩn DELF và tiếng Trung theo chuẩn HSK.
– Kỹ năng máy tính: Kiến thức đại cương về tin học và kỹ năng đánh giá máy tính; kỹ năng sử dụng các phần mềm văn phòng và các dịch vụ chính của Interrnet hỗ trợ cho việc giải quyết các vấn đề chuyên môn nghiệp vụ.
– Kỹ năng nghề nghiệp:Sinh viên có khả năng phân tích, thiết kế, xây dựng, vận hành, triển khai và bảo trì hệ thống thông tin, hệ thống mạng máy tính cho các tổ chức, cơ quan, đơn vị chuyên và không chuyên trong lĩnh vực tin học với các công nghệ hiện đại có khả năng thích ứng được với sự thay đổi nhanh chóng trong thực tiễn.
Quản trị được các hệ cơ sở dữ liệu thông dụng. Thiết kế, xây dựng, triển khai, đánh giá và tối ưu hóa hệ cơ sở dữ liệu; Tư vấn các giải pháp, các vấn đề thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin; tham khảo, nghiên cứu và phát triển các phần mềm mã nguồn mở cho từng ứng dụng cụ thể, đưa ra giải pháp tiếp cận công nghệ mới phù hợp với môi trường, lĩnh vực hoạt động.
– Kiến thức chuyên môn:Được đào tạo các kiến thức về các công nghệ lập trình cơ bản và hiện đại như: NET, Java, mã nguồn mở… Kiến thức để phân tích, thiết kế, xây dựng, triển khai các hệ thống thông tin, các hệ cơ sở dữ liệu, hệ thống đồ họa, hệ thống thông tin địa lý và các hệ thống thông minh. Phân tích và phát triển các hệ thống tin học bằng các phương pháp, công cụ, môi trường tiên tiến. Kiến thức về quy trình phát triển phần mềm, quản lý các dự án công nghệ thông tin; có kiến thức chuyên ngành đáp ứng được nhu cầu của xã hội về lĩnh vực công nghệ thông tin và có thể giải quyết được những vấn đề liên quan ngoài lĩnh vực Công nghệ thông tin và truyền thông.
Học ngành khoa học máy tính, ra trường làm gì?Cử nhân & kỹ sư ngành Khoa học máy tính có thể làm việc ở cơ quan, doanh nghiệp, các trường thuộc các ngành, các lĩnh vực khác nhau với tư cách là chuyên gia phân tích, thiết kế, tư vấn công nghệ thông tin, cán bộ kỹ thuật, quản trị dự án, giảng viên hoặc nghiên cứu viên.
Sinh viên tốt nghiệp có thể tham gia giảng dạy CNTT trong các trường ở các bậc đào tạo phù hợp, tham gia nghiên cứu trong các phòng lab R&D, tư vấn về CNTT cho các đơn vị, doanh nghiệp, cũng như phân tích, thiết kế hệ thống, phát triển phần mềm, gia công phần mềm, triển khai hệ thống… trong các công ty phần mềm.
Cử nhân khoa học máy tính cũng làm việc ở các chức danh: Cán bộ nghiên cứu và ứng dụng CNTT ở các viện, trung tâm nghiên cứu và các trường ĐH, CĐ; giảng viên CNTT ở các trường ĐH, CĐ, TCCN và dạy nghề; Cán bộ quản lý dự án CNTT ở các cơ quan, ngành, tổng cục, công ty; tiếp tục được đào tạo sau ĐH để nhận các trình độ thạc sĩ và tiến sĩ, trở thành các chuyên gia trong lĩnh vực CNTT. Cán bộ tư vấn giải pháp, thiết kế, quản trị các hệ thống mạng, các hệ thống phần mềm cho các tổ chức, doanh nghiệp. Cán bộ kỹ thuật tại các đơn vị vận hành, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trường học… Ngoài ra, sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm việc cho các tổ chức chính phủ, phi chính phủ hoặc các công ty và tập đoàn kinh tế – công nghiệp Việt Nam và nước ngoài.
Điểm chuẩn ngành khoa học máy tính:năm 2010 từ 13 điểm 21,5 điểm tùy vào từng trường.
ĐH Kinh tế quốc dân: Khối A và D1 cùng 18 điểm
ĐH Hà Nội: Khối A; 15,5 điểm; khối D; 21,5 điểm.
ĐH Công nghệ (ĐH QGHN): 21,5 điểm.
ĐH CNTT TPHCM: 16,5 điểm.
ĐH Quốc tế Sài Gòn: 13 điểm.
Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐHQG TP.HCM): Năm 2011, trường dự kiến tuyển 660 chỉ tiêu khối A, trong đó có 120 chỉ tiêu cho ngành Khoa học máy tính; đối với chương trình tiên tiến: trường tuyển 40 SV cho ngành Hệ thống Thông tin theo quy trình và chương trình của Đại học Oklahoma State University, Hoa Kỳ.
Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông (cơ sở phía Nam): Năm 2011, tuyển 200 chỉ tiêu ngành Công nghệ thông tin (Kỹ thuật máy tính, Mạng máy tính và truyền thông, Khoa học máy tính, Hệ thống thông tin, Công nghệ phần mềm). (Xem thêm: Muốn dự thi vào Ngành Công nghệ thông tin)
Tóm lại, sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ thông tin đã làm thay đổi cả thế giới. Công nghệ thông tin đã đi vào mọi lĩnh vực: thương mại, công nghiệp, văn hóa, giải trí… và đời sống xã hội, thúc đẩy thế giới phát triển hơn nữa. Riêng với nữ, cơ hội làm việc cũng rất nhiều, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ phần mềm, nhiều bạn nữ đang rất thành công trên lĩnh vực này. Đây là ngành rất có tương lai, tuy nhiên, cũng như các ngành khác, để ra trường dễ tìm việc làm, ngoài yêu cầu sinh viên học giỏi chuyên môn thì các bạn lưu ý vấn đề ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và truyền thông, sự thông thạo tiếng Anh của ngành học này cũng rất cần thiết.
Chí thông tổng hợp (hieuhoc_hieuhoc.com)