Kỹ sư khai thác thuỷ sản

(Hiếu học) Khoa khai thác thuỷ sản còn đào tạo các ngành: An toàn hàng hải, Hải dương học, Điều khiển tàu biển… Hiện nay, nhu cầu kỹ sư rất nhiều nhưng sinh viên thi vào ngành này ngày càng ít.

Ngành Hàng hải thúc đẩy kinh tế trong nước như vận tải biển, thăm dò khai thác dầu khí, khai thác thủy sản, du lịch phát triển…Riêng nghề biển, ngày càng cần những con người có nghề và có kiến thức để quản lý, khai thác có hiệu quả. Nhưng quan niệm về nghề nghiệp và thu nhập sau khi ra trường là một trong những nguyên nhân khiến ít người quan tâm đến ngành học khai thác thủy sản. (Ảnh: TTXVN)

Tàu thuyền cả nước hiện có trên 120.000 chiếc. Bờ biển Việt Nam dài trên 3.200km. Cả nước có gần 30 tỉnh thành có tàu, có biển, có các cơ quan quản lý về tàu thuyền, ngư trường, nguồn lợi… thì những người học về khai thác là nguồn nhân lực được chờ đón từng ngày.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã có chủ trương thành lập đội tàu kiểm ngư nhằm bảo vệ chủ quyền vùng biển, nguồn lợi cá và quản lý tàu thuyền thì đội ngũ cán bộ làm việc trên các tàu này cần phải có chuyên môn về khai thác thuỷ sản và quản lý khai thác. Sắp tới, để phát triển nghề cá hiện đại cũng rất cần đội ngũ thuỷ thủ có trình độ để khai thác, quản lý các thiết bị đánh cá tiên tiến và chỉ có những người học khai thác hay quản lý khai thác mới làm tốt công việc này. Nhưng với thực trạng hiện nay, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nhân lực kinh tế biển. Khi người quản lý không nắm chuyên môn, công tác quản lý không chặt chẽ, nguồn lợi thuỷ sản cạn kiệt, ô nhiễm môi trường.

Tiến sĩ Trần Đức Phú, trưởng khoa khai thác, trường đại học Nha Trang – nơi đào tạo kỹ sư khai thác thuỷ sản trong cả nước, cho biết: “Khoa khai thác thuỷ sản còn đào tạo các ngành: an toàn hàng hải, hải dương học, điều khiển tàu biển… Hàng năm có khoảng 200 hồ sơ đăng ký dự thi vào các chuyên ngành của khoa, điểm xét tuyển bằng điểm sàn. Khoa có khoảng gần 200 chỉ tiêu, nhưng khi xét tuyển, may mắn lắm cũng chỉ có vài chục thí sinh đủ điểm. Trong hai năm nữa, chỉ có 15 sinh viên ngành khai thác thuỷ sản ra trường, hai năm sau đó, có thêm mười em, tiếp sau đó là không có một sinh viên nào vì không có người học”.

Với thực trạng sinh viên vào học ngành khai thác như hiện nay thì tới đây sẽ không có người làm công tác bảo vệ nguồn lợi, quản lý ngư trường, tàu thuyền… Khi mà đất nước chuẩn bị chuyển dần sang nghề cá hiện đại, thì trang thiết bị trên tàu đòi hỏi phải có người có trình độ để biết sử dụng cũng như kỹ thuật khai thác và dẫn tàu đi đánh xa bờ.

Theo tiến sĩ Trần Đức Phú, để cứu vãn nghề cá, Nhà nước cần miễn giảm học phí, cử tuyển cho con em vùng ven biển nghèo, đặc biệt là con em ngư dân; cần đầu tư một trung tâm huấn luyện đủ tầm cỡ quốc tế để huấn luyện tay nghề cho ngư dân.

Xu hướng đăng ký dự thi đại học, cao đẳng của thí sinh nhiều năm nay cho thấy sự mất cân đối về cơ cấu ngành nghề đào tạo. Theo Quyết định 121 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ, đến năm 2010, chỉ có 20% sinh viên thuộc về ngành kinh tế quản lý, quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng… nhưng hiện nay đã lên đến trên 36%”.

Nhà nước phải coi “khai thác thủy sản” là nghề quan trọng để có kế hoạch đầu tư. Ngay bây giờ, Nhà nước cần hỗ trợ học phí, khuyến khích, cử tuyển con em ngư dân đi học, hạ điểm chuẩn cho sinh viên thi vào ngành khai thác. Bồi dưỡng kiến thức cho những người hiện làm công tác quản lý mà chưa trải qua học ngành này để họ thêm kiến thức về khai thác và quản lý khai thác… bằng cách mở các lớp đào tạo ngắn hạn, nâng cao…

Trong chương trình của khuyến nông hàng năm cần bổ sung thêm kinh phí cho khai thác để tập trung đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu về khai thác và hàng hải cho ngư dân hiện đang đánh bắt xa bờ chưa có điều kiện tiếp xúc và hiểu biết công nghệ, kỹ thuật mới hiện đại. Tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn, kiến thức về luật lệ trên biển cho ngư dân chưa có điều kiện hiểu biết.

“Hiện nay, nhu cầu kỹ sư khai thác thủy sản rất nhiều, nhưng nhiều phụ huynh nghĩ rằng học khai thác thủy sản để đi biển như ngư dân, trong khi đó, nghề ngư dân hiện nay rất bấp bênh, nguy hiểm, nên sinh viên thi vào ngành này ngày càng ít. – Theo thạc sĩ Nguyễn Trọng Thảo, trưởng bộ môn khai thác thuỷ sản, đại học Nha Trang.

Khánh Hòa tổng hợp

Bài liên quan

Chỉ tiêu tuyển sinh trường ĐH Nha Trang 2011

(Hiếu học) Năm 2011, Trường ĐH Nha Trang dự kiến tuyển 3.400 chỉ tiêu. So với năm 2010, năm nay trường tăng thêm 400 chỉ tiêu nhưng không mở thêm ngành học mới. Tổng chỉ tiêu dự kiến vào hệ đại học của trường năm nay là 2.400, hệ cao đẳng là 1.000 cụ thể như sau

Đại học Hàng hải: nhóm ngành vận tải biển

(Hiếu học) Đại học Hàng hải tuyển sinh theo ba nhóm ngành: nhóm ngành hàng hải; nhóm ngành kỹ thuật - công nghệ và nhóm ngành kinh tế - quản trị kinh doanh. Được xem là các nhóm ngành cần một nguồn nhân lực lớn, ưu tiên phát triển trong thời gian tới. 

Ngành điều khiển tàu biển vất vả nhưng thu nhập cao

(Hiếu học) Học ngành điều khiển tàu biển ra trường phải làm việc trên tàu nên xa nhà và khá vất vả. Nhưng ngành này có cơ hội việc làm tốt và thu nhập cao. Các công việc trên tàu gồm: điều khiển tàu biển, quản lý và vận hành hệ thống máy móc...

Cùng chuyên mục