Đại học Hàng hải: nhóm ngành vận tải biển

(Hiếu học) Đại học Hàng hải tuyển sinh theo ba nhóm ngành: nhóm ngành hàng hải; nhóm ngành kỹ thuật – công nghệ và nhóm ngành kinh tế – quản trị kinh doanh. Được xem là các nhóm ngành cần một nguồn nhân lực lớn, ưu tiên phát triển trong thời gian tới.

Ngành Hàng hải thúc đẩy kinh tế trong nước như vận tải biển, thăm dò khai thác dầu khí, khai thác thủy sản, du lịch phát triển…

1. Ngành điều khiển tàu biển

Đào tạo sĩ quan hàng hải phục vụ trên tàu biển, bao gồm các tàu vận tải hàng hóa, vận tải dầu, khí, vận tải hành khách, hoa tiêu, công trình, dịch vụ, quốc phòng…

Sinh viên tốt nghiệp ngành điều khiển tàu biển có thể công tác trên tất cả các loại tàu vận tải sông biển ở trong nước và quốc tế, tàu khai thác và dịch vụ về dầu khí, các công ty vận tải biển, công ty vận tải đường sông, công ty hoa tiêu, công ty bảo hiểm hàng hải và các tổ chức liên quan đến vận tải biển. Ngành này chỉ tuyển nam.

2. Ngành khai thác máy tàu biển

Trang bị kiến thức về lý thuyết và thực tế phân tích, chế tạo, vận hành, khai thác, bảo dưỡng và sửa chữa các chi tiết, cơ cấu máy, các động cơ và máy thích hợp hiện có trên tàu thủy cho sinh viên chuyên ngành: Thiết kế thân tàu thuỷ; Đóng mới và sửa chữa tàu; Thiết kế trang trí động lực và sửa chữa hệ thống động lực tàu thuỷ (Máy tàu). Sinh viên được khuyến khích tập trung nghiên cứu các ứng dụng khoa học vào thực tiễn, chứ không chỉ lý thuyết đơn thuần. Từ đó đảm bảo chất lượng đào tạo cho nhu cầu khắt khe trên tàu thủy.

Sinh viên tốt nghiệp có thể làm công tác vận hành máy tàu trên tất cả các loại tàu sông, tàu biển, vận hành các thiết bị khai thác dầu khí và làm trong các nhà máy đóng tàu, sửa chữa tàu thuyền…

3. Ngành bảo đảm an toàn hàng hải

Trang bị những kiến thức về quy hoạch, khảo sát, thiết kế, tổ chức thi công các công trình đồng thời quản lý khai thác và duy tu các tuyến giao thông đường thủy, công trình bảo vệ bờ, phao tiêu báo hiệu luồng, công trình chống sa bồi, chắn sóng, thanh thải chướng ngại vật, lập dự án đầu tư mạng lưới giao thông đường thủy và các công trình bảo đảm an toàn hàng hải.

Sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể làm việc trong các bộ phận nghiên cứu sản xuất phao cứu sinh, huấn luyện đào tạo kỹ thuật cứu sinh, công tác ở các công ty sản xuất thiết bị báo hiệu, công ty cứu hộ trên biển…

4. Ngành cơ giới hóa xếp dỡ

Trang bị những kiến thức về sửa chữa, điều khiển và chế tạo các máy xếp dỡ hàng, có khả năng tổ chức cơ giới hóa cảng biển, cảng nội địa, các kỹ thuật an toàn xếp dỡ, kỹ thuật vận tải.

Sau khi ra trường, sinh viên có thể làm việc tại các cảng biển, nhà máy đóng tàu, nhà máy sửa chữa tàu thủy, các dàn khoan dầu khí.

Ngoài ra, nhóm ngành vận tải biển còn có các chuyên ngành như: Kinh tế vận tải biển và Kinh doanh vận tải biển quốc tế (đào tạo theo chương trình tiên tiến dạy bằng tiếng Anh).

Trường Đại học Hàng hải (Số 484 Lạch Tray, Ngô Quyền, TP. Hải Phòng)

– Trường tuyển sinh trong cả nước (khối A). Đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Ngày thi theo quy định của Bộ GD- ĐT. Trường không tổ chức sơ tuyển. Trường không tuyển nữ vào các ngành: Điều khiển tàu biển (101) và Khai thác máy tàu biển (102).

– Tiêu chuẩn chính trị và sức khỏe: theo tiêu chuẩn chung của Bộ GD-ĐT. Riêng các ngành 101, 102, yêu cầu: tổng thị lực hai mắt của thí sinh phải đạt từ 18/10 trở lên, không mắc các bệnh khúc xạ, phải nghe rõ khi nói thường cách 5m và nói thầm cách 0,5m và có cân nặng từ 45kg trở lên. Thí sinh vào ngành 101 phải có chiều cao 1,62m trở lên, vào ngành 102 phải có chiều cao từ 1,58m trở lên (trường sẽ tổ chức khám sức khỏe để kiểm tra các tiêu chuẩn nói trên sau khi thí sinh đã nhập học).

– Điểm sàn trúng tuyển theo ba nhóm ngành: nhóm ngành hàng hải; nhóm ngành kỹ thuật – công nghệ và nhóm ngành kinh tế – quản trị kinh doanh. Căn cứ vào chỉ tiêu của từng ngành, kết quả thi tuyển sinh và nguyện vọng đã đăng ký dự thi của thí sinh để xếp ngành học cụ thể.

– Nếu thí sinh không đủ điểm vào ngành đăng ký dự thi thì được chuyển sang ngành khác cùng nhóm còn chỉ tiêu và có điểm xét tuyển thấp hơn.

ĐH Giao thông vận tải TPHCM: –Dự kiến tuyển 2.650 chỉ tiêu (2011)

Dự kiến năm 2011, trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM sẽ tuyển 2.250 chỉ tiêu hệ ĐH và 400 chỉ tiêu hệ CĐ. Năm nay trường vẫn tiếp tục mở 23 ngành đào tạo bậc ĐH và 5 ngành đào tạo bậc CĐ.Ngoài ra, trường sẽ tuyển mới ngành Kỹ thuật công trình ngoài khơi, mã ngành 121 với 55 chỉ tiêu.

Sinh viên học ngành này có thể áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc thiết kế kỹ thuật, thi công đóng mới và sửa chữa các loại tàu thủy, công trình ngoài khơi; tổ chức quản lý, khai thác tàu thủy và các công trình ngoài khơi như giàn khoan, trạm chứa dầu…

Sinh viên, sau khi tốt nghiệp, có thể đảm nhận các vị trí là cán bộ kỹ thuật, quản lý, điều hành trong các lĩnh vực cơ khí tàu thuyền, công trình ngoài khơi.

Đối tượng tuyển sinh của trường là thí sinh cả nước, trường sẽ tuyển sinh theo quy định của Bộ GD-ĐT. Riêng hệ cao đẳng không tổ chức thi tuyển, mà lấy kết quả thi năm 2011 của những thí sinh đã dự thi khối A vào các trường đại học trong cả nước theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT để xét tuyển, trên cơ sở hồ sơ đăng kí xét tuyển của thí sinh. Điểm trúng tuyển theo ngành học.

Đối với các ngành thuộc nhóm hàng hải, chuyên ngành điều khiển tàu biển, khai thác máy tàu thủy thì có thêm yêu cầu về sức khỏe… (Nhà trường sẽ tổ chức khám sức khoẻ để kiểm tra các tiêu chuẩn nói trên sau khi thí sinh đã nhập học).

Hiệp Lợi tổng hợp (hieuhoc_hieuhoc.com)

Bài liên quan

Sinh viên ngành Hàng Hải đi thực tập.

(Hiếu học). Thay vì than phiền một mùa thực tập tẻ nhạt, không ít sinh viên đang tự tạo cho mình một kỳ thực tập trong mơ: Vừa có lương thực tập lại vừa có một chỗ làm đang đợi sẵn. Sinh viên ngành Hàng hải là một ví dụ như thế.

Tiềm năng phát triển kinh tế biển Việt Nam.

(Hiếu học). “Việc khai thác tài nguyên biển hiện nay đang có một nghịch lý. Đó là chúng ta quá tập trung khai thác các nguồn lợi truyền thống bằng các biện pháp thiếu bền vững trong khi chưa chú ý đến các tiềm năng khác của biển như tiềm năng băng chảy, khả năng ứng dụng năng lượng thủy triều, sóng biển, năng lượng gió ven biển..."

Nhận dạng kinh tế biển Việt Nam

(Hiếu học). Theo Luật Biển quốc tế, vùng đặc quyền kinh tế của một nước có biển là 200 hải lý nên diện tích vùng đặc quyền kinh tế trên biển của Việt Nam gấp ba lần lãnh thổ trên bộ. Do đó kinh tế biển là một lĩnh vực vô cùng quan trọng của nước ta.

Cùng chuyên mục