(Hiếu học). Dự báo do Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM vừa công bố. Trong tổng số 280.000 vị trí tuyển dụng ở 22.000 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP.HCM năm 2010, có 10 nhóm ngành nghề chiếm hơn 80% việc làm.
Nhịp sống trẻ đã trao đổi với ông Trần Anh Tuấn (hình) – phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM – xoay quanh vấn đề này.
* Đó là các nhóm ngành nghề nào, thưa ông?
– Các nhóm ngành gồm: may – dệt – giày da – thủ công mỹ nghệ; công nghệ thông tin – viễn thông– điện, điện tử – điện công nghiệp – điện lạnh; quản lý - quản trị– hành chính văn phòng; cơ khí– xây dựng – giao thông vận tải – hàng hải; tài chính - ngân hàng– kiểm toán – bảo hiểm; du lịch– môi trường – nhà hàng - khách sạn; kiến trúc– thiết kế – giấy, bao bì – xuất bản; marketing– dịch vụ tư vấn; y khoa, y tế – mỹ phẩm – dược; phục vụ, bán hàng.
Trong đó lĩnh vực may, dệt, giày da và thủ công mỹ nghệ – nhóm ngành nghề có số lượng tuyển dụng cao vào cuối tháng 12-2009 – được DN tiếp tục tuyển dụng nhiều lao động (LĐ) thời vụ, chiếm tỉ lệ cao nhất 18,79% (khoảng 50.000 LĐ) và lĩnh vực bán hàng, phục vụ chiếm tỉ lệ 10% (khoảng 28.000 LĐ) để phục vụ nhu cầu xuất khẩu và phục vụ Tết Nguyên đán 2010.
Trong khi đó, các nhóm ngành sau nhiều tháng sụt giảm nhu cầu LĐ đáng kể trong năm 2009 và cần LĐ có trình độ cao: CNTT – viễn thông; quản lý, quản trị, hành chính văn phòng, tài chính, bảo hiểm… thì đầu năm 2010 vọt lên vị trí cao trong bảng tuyển dụng, chiếm 7,60-7,75% (khoảng 20.000 LĐ). Việc tăng nhu cầu tuyển dụng đột ngột này chủ yếu do các DN muốn chủ động sớm cho việc hoạch định, phát triển sản xuất – kinh doanh tốt hơn sau tết.
* Cơ cấu trình độ nghề phân bố như thế nào?
– Trong năm 2010, chỉ số cung ứng LĐ có trình độ trên ĐH và ĐH chiếm khoảng 8,50%; CĐ chuyên nghiệp, CĐ nghề (5,35%); TCCN – trung cấp nghề (10,27%); CN kỹ thuật lành nghề (30,67%); còn lại là sơ cấp nghề và đội ngũ LĐ chưa qua đào tạo chiếm tỉ lệ trên 45%.
Riêng hai tháng đầu năm 2010, nhà tuyển dụng chỉ tập trung tuyển dụng nguồn lao động phổ thông và sơ cấp nghề phục vụ nhu cầu việc làm ổn định và thời vụ, tập trung các ngành nghề: bán hàng, dịch vụ, phục vụ ăn uống, chế biến thực phẩm, trang trí nội thất, sửa chữa - xây dựng nhỏ... Tuy nhiên, số lượng tuyển dụng sẽ giảm nhiều do các DN đã tranh thủ bổ sung lực lượng LĐ từ hồi đầu tháng 11 và 12-2009, kể cả nguồn LĐ chất lượng cao.
Bắt đầu từ tháng 3, DN sẽ tập trung rao tuyển nhiều LĐ, làm tiền đề khởi động cho quý 2. Đối tượng chủ yếu là HSSV sắp tốt nghiệp hoặc một bộ phận LĐ muốn chuyển đổi việc làm tốt hơn; đặc biệt là LĐ có tay nghề và trình độ cao, kịp thời đáp ứng các lĩnh vực: xây dựng – kiến trúc; CNTT – viễn thông – truyền thông; tài chính ngân hàng – Kế toán và kiểm toán ; bán hàng – marketing – nhân viên kinh doanh; quản lý – điều hành, kỹ thuật ứng dụng… Trung tâm dự ước nhu cầu nhân lực trong quý 1-2010 chiếm khoảng 80.000 LĐ.
* Vậy muốn thích ứng với thị trường LĐ ngày càng đòi hỏi cao, người LĐ nên chuẩn bị hành trang ra sao?
– Xác định rõ mục đích nghề nghiệp và việc làm là điều hết sức quan trọng. Mục đích nghề nghiệp là đích đến của con đường tìm kiếm việc làm. Điều cốt lõi là người LĐ, HSSV cần chú ý phát triển các kỹ năng việc làm, am hiểu ngành nghề muốn gắn bó.
Bên cạnh kiến thức cơ bản được đào tạo, nắm vững chuyên môn công việc thực tế, đơn vị tuyển dụng cũng nhìn vào khả năng thích nghi, làm việc nhóm, khả năng ngoại ngữ – tin học, thái độ cầu tiến, tác phong năng động, ý thức trách nhiệm và sự sáng tạo của ứng viên… làm tiêu chí đánh giá hàng đầu trong việc sàng lọc đội ngũ LĐ sáng giá, gắn kết lâu dài với DN.
Chọn kỹ, đừng để mắt lung tung.
Theo ông Trần Anh Tuấn, khi tìm việc ứng viên nên tránh tình trạng nộp đơn xin việc ở nhiều nơi mà chưa tìm hiểu kỹ thông tin DN. Người tìm việc cần chủ động phân tích, chọn lọc việc làm phù hợp với điều kiện cá nhân: trình độ văn hóa, sức khỏe, năng lực, địa điểm, sở trường và ngành nghề đã được đào tạo; đồng thời chấp nhận quá trình thử việc để hoàn thiện kiến thức chuyên môn và trang bị kỹ năng làm việc được tốt hơn!
Theo (Thủy Ngọc/TTO).