Kinh nghiệm du học ở Nga

“Mọi thứ ở Nga thực sự không sẵn để chúng ta tận hưởng, mà đôi khi cần rất nhiều nỗ lực để đạt được những mục tiêu của bản thân”, Đỗ Hoàng Long (Đại học bang Ivanovo, Liên bang Nga)chia sẻ.

Tôi còn nhớ ngày đầu tiên khi đặt chân xuống sân bay sau chuyến đi dài nhất từ trước đến giờ trong cuộc đời của một cậu sinh viên 20 tuổi. Có lẽ giấc ngủ sâu trên máy bay đã giúp tôi không cảm thấy mỏi mệt, thay vào đó là sự phấn khích tìm hiểu “thế giới mới”. Tôi được hai anh khóa trên thuê xe từ tận trường (cách sân bay 300 km) lên đón.

Sau khoảng thời gian làm quen và hỏi thăm về cuộc sống của các anh tại trường, tôi đưa mắt nhìn ra ngoài cửa kính của chiếc xe đang bon bon trên quốc lộ. Một khung cảnh rất đỗi quen thuộc: dải phân cách, biển báo giao thông, hai hàng cây bên đường… khá giống ở Việt Nam (chỉ có điểm khác nho nhỏ là cây ở hai bên đường là bạch dương) làm tôi có cảm giác mình như đang được về nhà. Vì thế, tôi yên tâm ngả lưng và chợp mắt, chờ đón những điều đang ở phía trước.

Đỗ Hoàng Long (hàng trên,thứ 2 từ phải sang trái), du học sinh tại Liên bang Nga. Ảnh:NVCC.

Cộng đồng người Việt

Đúng là phải đi thật xa thì ta mới có thể cảm nhận rõ rệt “tình đồng bào”. Tôi cảm thấy thực sự may mắn khi cộng đồng sinh viên Việt Nam ở thành phố tôi học tập rất đùm bọc, yêu thương nhau. Có lẽ bởi ai cũng ngầm hiểu được những tủi hờn của đứa con phải rời xa gia đình, quê hương, sinh sống ở xứ người.

Sau khoảng 5 tiếng trên xe, chúng tôi về đến ký túc xá. Thu dọn xong đồ đạc, tôi phải thực hiện “lễ ra mắt” trong một căn phòng nhỏ, trên giường, dưới đất, đâu đâu cũng có người ngồi. Góc phòng là nồi cháo thơm phức đã được các nữ “đầu bếp” chuẩn bị sẵn cho tôi. Sau khi ăn bát cháo đầu tiên và mọi người yên tâm là tôi đã lấy lại sức, chúng tôi bắt đầu màn giới thiệu, chào hỏi. Mọi thứ diễn ra rất tự nhiên như chúng tôi đã quen nhau cả chục năm về trước vậy.

Chính từ những ngày đầu tiên như vậy, tôi đã có thể cảm nhận được không khí gia đình trong ký túc. Biết tôi mới sang còn bỡ ngỡ, các anh chị để lại cho tôi rất nhiều đồ dùng thiết yếu (ấm đun nước, chăn ga gối nệm, đồ dùng học tập…). Chúng tôi sau đó có những hoạt động tập thể chung như ngày lễ Halloween, mùng 8/3 và đặc biệt là Tết Nguyên đán. Những người con xa nhà cùng tụ họp lại với nhau, phân chia công việc trang trí phòng ốc, nấu nướng, cốt làm sao để tất cả có một cái Tết ấm cúng nhất dù phải xa gia đình.

Học tập

Về hình thức, cách giảng dạy ở Đại học tại Liên bang Nga tương tự một số trường ở Việt Nam. Chúng tôi có thời khóa biểu cho hai tuần chẵn – lẻ. Một tuần sinh viên sẽ tập trung nghe các bài giảng của giảng viên, tuần tiếp theo là các tiết thực hành (seminar) để sinh viên cùng trao đổi một số vấn đề lớn lên quan đến chủ đề trong bài giảng và phân tích ví dụ liên quan dưới sự dẫn dắt của giảng viên.

Tuy nhiên, theo cảm nhận chủ quan của tôi, dù cách dạy học ở Nga khá “hàn lâm” và nhiều khi “khó nuốt”, cách sắp xếp kiến thức của giảng viên rất có hệ thống, bài bản. Điều này giúp sinh viên tập trung học, có một nền tảng kiến thức khá chắc chắn.

Khi học văn, chúng tôi không chỉ tìm hiểu về tác giả, tác phẩm mà còn được giảng viên cung cấp thêm kiến thức nền về thời kỳ phát triển văn học của tác phẩm đó. Tác phẩm được ra đời vào thời kỳ nào, thời kỳ này văn học có những những đặc điểm gì, xu hướng phát triển ra sao. Kiến thức tưởng chừng như khá nặng nhưng thậm chí lại giúp tôi ghi nhớ thông tin về tác giả và tác phẩm một cách dễ dàng hơn rất nhiều. Thực chất, đây chính là phương pháp liên kết trong ghi nhớ. Có thể hiểu đơn giản là khi thông tin về tác phẩm được liên kết với thông tin về tác giả rồi với thông tin về sự phát triển của văn học, các kiến thức sẽ được tổng hợp và chắc chắn hơn. Thậm chí, môn Văn và môn Lịch sử dù tách biệt nhưng lại được dạy song song qua cùng các thời kỳ, hỗ trợ lẫn nhau rất nhiều.

Điều tôi ấn tượng nhất khi được học tập tại đây là tinh thần “tôn trọng ý kiến cá nhân”. Tôi còn nhớ như in tiết học thực hành về một tác phẩm văn học, sau khi phân tích và đưa ra kết luận, giảng viên đã hỏi sinh viên trong lớp có đồng ý với kết luận này. Dường như thấy vẻ mặt của tôi không đồng tình lắm, cô quay sang nhìn và tôi đành lí nhí trả lời: “Em chưa thể đồng ý ạ”.

Lúc đó, tôi khá ngại, bởi theo tâm lý khi học ở Việt Nam, thứ nhất giáo viên rất ít khi hỏi học sinh có đồng ý với ý kiến của họ hay không. Thứ hai, việc có kết luận ngược với giáo viên trong môn Văn rất hiếm (đơn giản là vì giáo viên thường đọc, còn học sinh hay chép) và cũng không ai biết nếu “tranh luận. Tuy nhiên, lần đó giảng viên đã cho phép tôi trình bày ý kiến cá nhân. Kết luận của giảng viên sau khi nghe ý kiến đó là: “Nào chúng ta hãy cùng tranh luận lại từ đầu”.

Đến cuối cùng, tôi cũng đã đồng ý với ý kiến của giảng viên. Điều quan trọng là tôi đã được giảng viên thuyết phục, chứ không phải áp đặt. Tôi hiểu tác phẩm sâu sắc hơn sau khi được nghe các câu trả lời cho câu hỏi phản biện của mình. Và đó mới thực sự là kiến thức của tôi.

Cộng đồng người Việt tại thành phố Ivanovo, Liên bang Nga cùng nhau tổ chức Tết Nguyên đán năm 2015. Ảnh:NVCC.

Cuộc sống và công việc làm thêm

Cuộc sống du học ở Nga, đặc biệt là tại các thành phố nhỏ như chỗ tôi, không thực sự tiện nghi cho lắm. Chúng tôi thường phải tự nấu ăn vào buổi tối (do ra ngoài ăn thì đồ ăn hoặc khá đắt hoặc không ngon, đặc biệt vào mùa đông khi nhiệt độ xuống dưới -20 độ C thì không ai muốn ra ngoài). Hàng ngày, chúng tôi được “làm bạn” với những chú gián. Gián ở đây trong những lúc cao điểm có thể đông như kiến ở Việt Nam, nhưng may mắn kích cỡ của chúng chỉ bằng khoảng 1/8-1/10 gián ở nhà.

Tuy nhiên, chính những sự không tiện nghi đó lại giúp chúng tôi tự lập hơn trong cuộc sống. Tại đây, chúng tôi lần đầu tiên được học cách đóng một giá sách, dán tường, lắp đặt một chiếc máy giặt mới… hay đơn giản là sắp xếp và dọn dẹp phòng. Cảm giác thực sự rất tuyệt vời khi chúng ta bắt đầu biết cách chăm sóc bản thân, vượt qua những điều kiện không thuận lợi của cuộc sống. Tuyệt vời hơn khi ta được sáng tạo, trang trí chiếc bàn, chiếc tủ cũ, hay thử nghiệm làm món ăn thật ngon theo cách của riêng mình.

Công việc làm thêm cho sinh viên ở các thành phố lớn như Matxcơva hay Xanh Petecbua thường nhiều trong khi tại các thành phố nhỏ, sinh viên Việt Nam trong năm học rất ít khi đi làm thêm. Tuy vậy, vào mùa hè lại có những công việc rất thú vị. Sinh viên có thể vào các xưởng sản xuất bánh kẹo để giúp đóng gói sản phẩm, hoặc đi thu hoạch rau quả. Những công việc chân tay như vậy thường khá vất vả vì phải dạy từ sớm và về nhà khá muộn.

Ngoài ra, nếu bạn thông thạo một ngoại ngữ phổ biến như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Ả-rập… thì cũng có những cơ hội đi làm gia sư. Hiện tại, tôi đi dạy một số lớp tiếng Anh mà hầu hết làmiễn phí, được duy trì như các câu lạc bộ. Dù tiền lương khá hạn chế nhưng quá trình xây dựng các lớp học đã giúp tôi làm quen với rất nhiều người Nga, cải thiện được khả năng ngoại ngữ. Hơn hết, những người bạn chính là phần thưởng xứng đáng nhất cho những cố gắng của tôi.

Lời kết

Một người anh từng chia sẻ với tôi, du học chính là để trải nghiệm, cởi mở tư duy và mở mang thêm kiến thức. Nếu xét đến các mục tiêu đó thì đôi khi một môi trường tưởng chừng hoàn hảo về mọi thứ lại có thể là một “nhà tù” khiến bạn phụ thuộc vào nó và đánh mất bản thân, đặc biệt là khi bạn lúc nào cũng chờ đợi môi trường đó mang đến cho bạn những “món quà bất ngờ”. Mọi thứ ở Liên bang Nga thực sự không “sẵn” để chúng ta tận hưởng, mà đôi khi cần rất nhiều nỗ lực để đạt được những mục tiêu của bản thân. Nhưng chính điều đó lại có thể khiến cho con người trưởng thành lên rất nhiều. Vì vậy, một quyết định là đúng đắn hay sai lầm không nằm ở sự lựa chọn, mà ở việc bạn sẽ làm gì sau khi đã đưa ra sự lựa chọn đó.

Đỗ Hoàng Long Đại học bang Ivanovo, Liên bang Nga (VNE).

Bài liên quan

Kinh nghiệm hòa nhập cuộc sống mới cho du học sinh

'Tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật là con đường nhanh nhất để kết bạn với người bản địa và hòa nhập môi trường sống của họ',Hà Duy - sinh viên Đại học Tổng hợp quốc gia Astrakhan (Nga) chia sẻ.  

Du học sinh chia sẻ kinh nghiệm học tập tại Anh.

(Hiếu học). Du học ở Anh ngày càng trở thành một lựa chọn đáng tin cậy với các bạn trẻ Việt Nam. Sau đây là ý kiến của một số bạn đã và đang theo học tại Anh nói về kinh nghiệm học tập ở quốc gia có truyền thống lâu đời về giáo dục này.

Kinh nghiệm du học dành cho sinh viên tốt nghiệp đại học

Tất cả những ai đi du học nước ngoài đều phải vượt qua một số khó khăn, đặc biệt là những khó khăn không thể tránh khỏi của buổi ban đầu còn lạ nước, lạ cái, trước khi họ có thể tự khẳng định năng lực học tập của bản thân. Khó khăn về ngôn ngữ giao tiếp hầu như xảy ra với mọi sinh viên, ngay cả đối với những sinh viên có kỹ năng tiếng Anh tốt.

Cùng chuyên mục