Nghề nhà văn, viết báo, kịch bản.

(hieuhoc_hieuhoc.com). Thực ra làm văn, viết báo, kịch bản là quá gần nhau. Nhà thơ Nguyễn Bính gọi chung là “kiếp long đong”. Nghề báo hôm nay không giống như xưa, và viết kịch bản phim dù đang “thời thượng” nhưng vẫn cho thấy thực tế nhà văn Việt không sống được bằng nghề viết văn. (Bút mực là kiếp long đong, Nguyễn Bính đã viết vậy. Bút tích tìm thấy ở nhà lưu niệmthi sĩ tại Gò Vấp, TP.HCM- Ảnh:Đỗ Vương)

Tại sao không sống được bằng nghề?

Cũng có một vài nhà văn sống được bằng nghề, đó là những tác giả có lối viết hấp dẫn, biết nắm bắt thị hiếu độc giả. Và hằng năm có vài đầu sách được xuất – tái bản. Như các “danh văn” cao thủ Tô Hoài, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Mạnh Tuấn…Tuy nhiên con số này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Và theo quan sát của người viết, cũng chưa chắc là họ có thể thực sự sống thoải mái. Bởi nếu vậy thì Nguyễn Nhật Ánh đâu cần phải mở quán Đo Đo nếu nhuận bút và giá trị sách đủ anh “thượng thừa” bay nhảy (?!).

Đơn giản bởi một cuốn tiểu thuyết từ giai đoạn thai nghén đến lúc hoàn thành mất ít nhất sáu tháng, có khi một năm. Đôi lúc “vỡ kế hoạch” thời gian kéo dài đến … một vài năm cũng là chuyện bình thường! Cảm hứng sáng tạo mà! Tác phẩm ra đời theo quy chuẩn hiện nay, thì nhà văn được trả nhuận bút in sách là 10 – 20% giá bìa. Trung bình sách mỗi lần in khoảng hai ngàn bản. Vậy nhuận bút cho một tác phẩm chỉ tầm từ mười đến vài chục triệu tùy thuộc vào độ “hot” và “name” của nhà văn. Chỉ làm một bài tính nho nhỏ cũng đủ thấy nhà văn chân chính khó mà sống được bằng nhuận bút từ việc viết.

Quy trình trên chỉ dành cho những tác giả biết nắm bắt thị hiếu người đọc, có thị phần trên thị trường. Còn với những nhà văn tự xếp loại “thể nghiệm”, “tạo dấu ấn riêng” gì đó mà với độc giả không có tiếng nói chung thì chắc chắn sách của họ bị các nhà đầu tư “lơ hàng”, càng không được quan tâm.Vậy những nhà văn đó sống bằng gì? Chỉ có thể nuôi ngày mai bằng sự an ủi “sau cơn mưa trời lại sáng”!

Viết báo – nghề tay phải của nhà văn

Nhà thơ Nguyễn Bính đã cảm thán:

“Ai bảo dấn thân vào bút mực

Suốt đời mang cái kiếp long đong

Người ta đi kiếm giàu sang cả

Mình chỉ mơ toàn chuyện viển vông”.

Nhà văn hiện nay tự chia “nghề tay trái” và nghề “tay phải”. Lấy ngắn nuôi dài. Thông thường, công việc gần gũi nhất với các nhà văn là nghề báo. Ưu điểm của nghề là không quản lý về thời gian mà chỉ căn cứ trên hiệu quả công việc. Nên đây là lựa chọn số một. Hiện nay hầu hết các trang văn hóa nghệ thuật của các báo trên cả nước đều có một hoặc vài nhà văn nhà thơ đang cộng tác. Có thể kể như Nguyễn Quang Thiều (báo Vietnamnet), nhà văn Đoàn Thạch Biền (Người Lao Động), nhà văn Ngô Thị Kim Cúc (Thanh Niên), nhà văn Hồ Trung Tú (Sài Gòn Tiếp Thị)… Lớp nhà văn trẻ hơn như Trần Nhã Thụy, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Trần Tuấn, Di Li, Phong Điệp, Lê Thiếu Nhơn, Dương Bình Nguyên, Phan Hồn Nhiên… cũng đều công tác chính thức hay gắn bó với một tòa soạn.

Có những ý kiến cho rằng đặc tính của báo chí là chạy theo tin tức sự kiện nên nhà báo luôn luôn phải vận động liên tục theo sự kiện. Rồi áp lực bài vở hằng ngày bào mòn con người văn chương. Không có những khoảng lặng cần thiết để thai nghén tác phẩm. Nhưng cũng có những ý kiến khác. Như nhà thơ Lê Nguyệt Minh hiện đang làm việc tại tạp chí Nữ doanh nhân: “Tôi vẫn sống tốt với đồng lương và nhuận bút từ việc viết báo. Làm thơ mà có thêm sự tỉnh táo của nghề báo thì tốt hơn nhiều…”. Nhà thơ Thanh Xuân cho biết: “Thu nhập từ nghề viết báo cũng khá.Những áp lực liên quan trực tiếp đôi khi lại giúp viết tốt hơn”.

Kịch bản phim và 101 nghề khác

Một số nghề “tay phải” khác của nhà văn là làm biên tập viên của các nhà xuất bản, công ty truyền thông; phụ trách công tác quan hệ công chúng (PR) cho các công ty hoặc các nhãn hàng, làm copy writer cho các công ty quảng cáo… Đặc biệt khoảng hai năm trở lại đây, các nhà văn nhà thơ còn chuyển sang làm biên kịch phim truyền hình. Đây được coi là một công việc đòi hỏi sự sáng tạo, lòng kiên nhẫn và đặc biệt thu nhập từ công việc này cũng đáng được quan tâm. Nhiều nhà văn thành công trong lĩnh vực này như Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Quang Thiều, Phạm Ngọc Tiến, Nguyễn Thị Thu Huệ. Cũng có những nhà văn thành lập những ê-kíp, tổ hợp viết kịch bản như Nguyễn Thu Phương, Nguyễn Thiên Ngân, Phan Hồn Nhiên, Ngô Thị Hạnh, Trương Huỳnh Như Trân, Trần Thị Hồng Hạnh… Rõ ràng “tay trái” đang nuôi “tay phải”. Các thế hệ nhà văn nối tiếp liệu có thay đổi được “cái kiếp long đong” như câu thơ của Nguyễn Bính?

oOo

Nhà thơ Trương Nam Hương: Tôi cũng đã từng làm nhiều nghề từ báo chí đến xuất bản để… nuôi mình và nuôi thơ. Bút lực sung sức nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến nhuận bút thơ vì nó rất phù du và lãng đãng như bản chất mộng mơ của một thi sĩ vậy! Nhà thơ phải có một nghề tay trái để tồn tại. Đó là điều chắc chắn. Nó cũng giống như mỏ neo để giữ con tàu thi ca đi quá xa trong sáng tạo và trở về trong một ngày giông bão.

Nhà văn Nguyễn Danh Lam: Tôi nghĩ nhà văn VN “tay trái” nuôi “tay phải” là tất yếu vì bài toán kinh tế thị trường chưa có “biểu đồ” rõ ràng cho văn chương. Nhưng nói làm trái nghề viết sẽ không hay thì chưa đúng. Vì văn chương quan trọng có tài hay không? Đôi khi từ “phía trái” anh lại phát hiện góc lạ “phía phải” không nhìn thấy.

Nhà thơ Thanh Xuân: Một nhà thơ làm kinh tế, theo tôi, may mắn lắm mới có thể thuận lợi trong công việc kinh doanh, nếu lĩnh vực đó liên quan đến sách-báo-truyền thông. Còn phần lớn đối tác sẽ dè dặt khi đặt niềm tin vào nhà thơ cùng các con số, giải pháp tài chính… Tôi vẫn có những bài thơ “thực tế” trong công việc kinh doanh của tôi và tôi thấy thế giới đó cũng giúp cho thơ nhiều bất ngờ, mới mẻ.

Nhà văn Nguyễn Một: Tôi vừa hoàn thành tiểu thuyết “Đất trời vần vũ” sau khi đảm nhận giám đốc truyền thông của công ty ô tô Trường Hải. Nói như ý nhà văn Nam Cao, thật bi kịch nếu như phải làm công việc mình không yêu thích để có cơ hội viết văn. Tôi may mắn gặp được một người sếp “hiểu”, tạo nhiều điều kiện cho tôi vẫn làm việc tốt mà vẫn sống được nghề văn.

Theo: Nhà văn: Tay phải & tay trái (Đ.Dương – Nguyệt Phạm/TNTT&GT)

Bài liên quan

nhóm ngành Báo chí - Truyền thông - Luật.

(Hiếu học). Nhóm ngành báo chí – truyền thông trở nên hấp dẫn với nhiều bạn trẻ nhưng để theo ngành học này thì không hề đơn giản. Ngoài sức học, nghề báo rất khắc nghiệt, đòi hỏi sức chịu đựng cao vì phải chịu nhiều áp lực. Bên cạnh đó, nghề báo cũng đòi hỏi các bạn phải có kỹ năng mềm, khả năng giao tiếp tốt và ngoại ngữ cũng là một yêu cầu khá quan trọng. Riêng ngành Luật, nhiều bạn nghĩ học luật ra chỉ làm luật sư là không đúng. Nhu cầu ngành Luật hiện nay là rất lớn…

Nghề phù hợp cho người thích "lướt net"

(hieuhoc_hieuhoc.com). Khi hệ thống internet ngày càng được mở rộng và nhiều công việc được làm từ xa hơn thì sự tiến bộ về công nghệ sẽ thúc đẩy việc tuyển dụng các nhân viên có liên quan đến công nghệ thông tin, từ đó dẫn đến nhu cầu tuyển dụng các nhà quản lý hệ thống thông tin máy tính, các chuyên viên nghiên cứu và khảo sát thị trường qua internet… Nên công việc của những nghề này cũng sẽ tăng lên đáng kể. 

Nghề làm phim quảng cáo: Khó khăn và cơ hội.

(hieuhoc_hieuhoc.com). Nghề làm phim quảng cáo đang thu hút giới trẻ vì thu nhập khá cao và nhu cầu nhân lực lớn. Tuy nhiên, cơ hội thành công thật sự và vượt qua khó khăn để trụ lại với nghề không phải là chuyện dễ dàng.

Những tố chất giúp bạn thành công trong nghề báo

(hieuhoc_hieuhoc.com): Đây là những thông tin chi tiết về những đức tính cần phải có khi các bạn muốn tham gia vào nghề báo mà Hiếu Học đã tổng hợp được. Hy vọng những thông tin bổ ích này sẽ giúp các bạn có thêm quyết tâm theo đuổi ước mơ của mình.

Nghề báo và những thách thức chỉ dành cho người bản lĩnh

(hieuhoc_hieuhoc.com): Đối với các bạn trẻ tự tin, năng động thì hai chữ "nghề báo" hầu như chưa bao giờ giảm sức hút. Nhưng đó chỉ là những hình ảnh đẹp đẽ mà các bạn nhìn thấy bên ngoài thôi. Sự thật đằng sau những hình ảnh hoa mỹ ấy là những nỗi vất vả, gian nan thậm chí là nguy hiểm mà chỉ có ai đã từng trải qua mới thấu hiểu hết.

Nghề báo và bản lĩnh của những người đưa tin

(hieuhoc_hieuhoc.com): Mỗi ngày, mọi người trên khắp Trái Đất thức dậy, phải chăng đều giống nhau ở chỗ cùng chung câu hỏi: “Hôm nay có gì mới?”. Ai sẽ thỏa mãn nhu cầu của họ? Đó chính là các nhà báo với sản phẩm của họ là báo chí.

Cùng chuyên mục