Những giấy tờ thí sinh phải nộp khi trúng tuyển đại học

Khi biết tin trúng tuyển vào trường đại học, thí sinh cần lưu ý việc chuẩn bị các loại giấy tờ cần thiết khi nộp hồ sơ.

Sau khi kết thúc thời gian đăng ký xét tuyển đợt 1, ngày 1/8 các trường đại học sẽ công bố điểm chuẩn và danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức trên trang thông tin điện tử của trường và trên phương tiện thông tin đại chúng.

Thí sinh cần chuẩn bị trước những giấy tờ để làm thủ tục nhập học khi biết mình trúng tuyển đại học. Ảnh minh họa: Lê Văn.

TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết, nếu đã có tên trong danh sách trúng tuyển, thí sinh xác nhận khẳng định nhập học vào trường đã trúng tuyển trong thời hạn quy định bằng cách gửi bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi (trực tiếp tại trường hoặc bằng thư chuyển phát nhanh đường Bưu điện).

Cùng đó, theo lịch nhập học của trường thí sinh sẽ đến trường nộp các giấy tờ (học bạ, giấy chứng nhận ưu tiên…) để làm thủ tục nhập học.

Hội đồng tuyển sinh trường gửi giấy triệu tập thí sinh trúng tuyển, trong đó ghi rõ những thủ tục cần thiết đối với thí sinh khi nhập học.

Theo bà Phụng, để làm thủ tục nhập học, thí sinh trúng tuyển vào trường cần nộp những giấy tờ sau đây:

– Giấy triệu tập trúng tuyển.

– Học bạ (bản sao có công chứng)

– Hồ sơ lý lịch có dán sẵn ảnh chân dung đã đóng dấu giáp lai của chính quyền địa phương theo mẫu có sẵn của Bộ GD-ĐT.

– Giấy chứng nhận tốt nghiệp trung học tạm thời đối với những người trúng tuyển ngay trong năm tốt nghiệp hoặc bằng tốt nghiệp trung học đối với những người đã tốt nghiệp các năm trước. Những người mới nộp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, đầu năm học sau phải xuất trình bản chính bằng tốt nghiệp trung học để đối chiếu kiểm tra.

– Chứng minh thư nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân.

– Giấy khai sinh (bản sao có công chứng)

– Đối với các thí sinh trúng tuyển nhờ xét điểm ưu tiên (đối tượng, khu vực) phải nộp giấy chứng nhận ưu tiên.

– Bản sao công chứng các giấy tờ pháp lý để xác nhận thuộc diện được hưởng các chế độ ưu tiên, đối tượng chính sách (nếu có) như giấy chứng nhận là con liệt sỹ, dân tộc ít người, con thương/bệnh binh, chứng nhận hộ nghèo… dùng để xét miễn giảm học phí.

– Ít nhất 4 tấm ảnh thẻ cỡ 3 x 4 hoặc 4 x 6.

Bà Phụng cũng đặc biệt lưu ý, thí sinh đến trường nhập học chậm sau 15 ngày trở lên kể từ ngày nhập học ghi trong giấy triệu tập trúng tuyển nếu không có lý do chính đáng thì coi như bỏ học.

Nếu đến chậm do ốm đau, tai nạn, có giấy xác nhận của bệnh viện quận, huyện trở lên hoặc do thiên tai có xác nhận của UBND quận, huyện trở lên, các trường xem xét quyết định tiếp nhận vào học hoặc bảo lưu kết quả tuyển sinh để thí sinh vào học năm sau.

Các trường đại học sau khi tổng hợp kết quả thí sinh xác nhận nhập học, cập nhật lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, sẽ quyết định dừng xét tuyển hay tiếp tục xét tuyển bổ sung.

Nếu xét tuyển bổ sung, các trường sẽ thông báo điều kiện xét tuyển nhưng điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung sẽ không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt 1.

Thí sinh chưa trúng tuyển hay đã trúng tuyển mà chưa xác nhận nhập học vào bất cứ trường nào có thể thực hiện đăng ký xét tuyển bổ sung trực tuyến hoặc theo phương thức khác do trường quy định.

Các thí sinh cũng sẽ xác nhận nhập học trong thời hạn quy định, bằng phương thức trực tuyến hoặc theo quy định của từng trường.

Theo: (Giáo dục /Tuyển sinhVNN)

Bài liên quan

Cùng chuyên mục