Đào tạo nhân lực ngành Tài nguyên và Môi trường

(Hiếu học) Hội nghị toàn quốc về đào tạo nhân lực theo nhu cầu ngành tài nguyên và môi trường diễn ra tại ba điểm cầu truyền hình tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM do liên bộ Tài nguyên – Môi trường, Giáo dục – Đào tạo và Nội vụ tổ chức hôm 6/12.

Chuyên đề hội nghị gồm về phát triển, đào tạo nhân lực ngành tài nguyên và môi trường theo vùng tại 3 miền Bắc, Trung, Nam và 03 chuyên đề theo lĩnh vực đo đạc và bản đồ; khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu; biển và hải đảo.

Hội nghị đánh giá thực trạng nhân lực và công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành tài nguyên và môi trường; dự báo nhu cầu, từ đó hoàn thiện và xây dựng kế hoạch triển khai đề án phát triển đào tạo nhân lực ngành tài nguyên và môi trường giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng đến năm 2020.

Theo Ban Tổ chức, tham dự Hội nghị có gần 800 đại biểu đại diện cho các tổ chức quốc tế, đại sứ quán các nước, các bộ ngành trung ương, UBND các tỉnh, Ban Quản lý các khu kinh tế, Khu công nghiệp, các doanh nghịêp và cơ sở đào tạo…

Phát biểu khai mạc Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực được coi là giải pháp có tính chất quyết định thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Chiến lược phát triển ngành Tài nguyên – Môi trường.

Trong thư gửi Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cũng khẳng định, nguồn nhân lực tốt là một trong 3 chân kiềng phát triển. Trong thư, Phó Thủ tướng viết: “Công tác xây dựng và điều hành thực hiện kế hoạch phát triển ngành, phát triển kinh tế xã hội các tỉnh chủ yếu lo giải đáp câu hỏi: vốn đâu cho phát triển, đất đâu cho phát triển mà không đặt ra và trả lời câu hỏi: người đâu cho phát triển?”.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, để khắc phục hạn chế về phương pháp xây dựng kế hoạch và điều hành kế hoạch phát triển của các ngành và địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo từng bộ ngành, từng tỉnh xây dựng quy hoạch phát triển nhân lực, trên cơ sở đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ Quy hoạch nhân lực quốc gia giai đoạn 2010 – 2010 vào đầu năm 2011.

Hiện nay, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của toàn ngành này từ trung ương đến cơ sở vào khoảng 45.600 người, chưa kể lực lượng lao động ngoài ngành có liên quan đang làm việc trong các khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Như vậy, tỷ lệ cán bộ Tài nguyên – Môi trường chỉ mới đạt 13 người/ 1 triệu dân; trong khi nhiều nước trên thế giới đã xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực và coi đó là chính sách quốc gia quan trọng hàng đầu để đạt được những mục tiêu về phát triển kinh tế – xã hội và đạt được thắng lợi trong cuộc cạnh tranh gay gắt trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Ngay như ở các nước láng giềng, tỷ lệ này cũng cao hơn đáng kể (Trung Quốc: 20 người, Thái Lan 30 người, Camphchia 55 người và cao nhất là Singapore – tới 330 người/ 1 triệu dân).

Vì thế, trong giai đoạn từ 2011 – 2015, nhu cầu nguồn nhân lực bổ sung cho ngành vẫn lên tới 45.000 người; chưa kể số nhân lực tại khối doanh nghiệp (khoảng 30.000 người nữa). Giai đoạn tiếp theo, từ 2015 – 2020, với sự phát triển khoa học và công nghệ của ngành, sẽ tập trung tăng cường cho một số lĩnh vực như đất đai, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, đo đạc bản đồ, địa chất khoáng sản và một số chuyên ngành mới. Nhu cầu nhân lực Tài nguyên – Môi trường cho khối doanh nghiệp vẫn ở mức tương đương như giai đoạn 2010 – 2015.

Đào tạo cán bộ, công chức, viên chức ngành tài nguyên và môi trường giai đoạn từ 2011 – 2015:

– Đào tạo từ 150 – 200 tiến sĩ, ưu tiên đối với các lĩnh vực đất đai, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, địa chất và khoáng sản, tài nguyên nước, đo đạc và bản đồ, biển và hải đảo, kinh tế ngành tài nguyên và môi trường.

– Đào tạo từ 800 – 1.000 thạc sĩ trong các chuyên ngành về quản lý, kinh tế ngành và về tài nguyên và môi trường.

– Đào tạo, đào tạo chuyển đổi và đào tạo nâng cao từ 6.000 – 8.000 cán bộ trình độ đại học chuyên ngành về tài nguyên và môi trường…

Ngành tài nguyên và môi trường là một ngành đa lĩnh vực, mới được hình thành trên cơ sở hợp nhất nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước, hiện nay đang thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước trên 07 lĩnh vực, bao gồm: đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường; khí tượng thuỷ văn và biến đổi khí hậu; đo đạc và bản đồ; quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo. Đây là những lĩnh vực có tính phức tạp, nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp, có tác động lớn đến bảo đảm an ninh, quốc phòng, sự phát triển kinh tế – xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước; gắn liền với công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ.

Thông tin chi tiết có thể tham khảo tại trang tin điện tử www.monre.gov.vn./.

Thành lập Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM

Ngày 9/12/2010, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương thành lập Trường đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM trên cơ sở nâng cấp Trường cao đẳng Tài nguyên và Môi trường TPHCM, thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường: Trường cao đẳng Tài nguyên và Môi trường TPHCM có trách nhiệm chuẩn bị các điều kiện về giảng viên, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo bậc đại học theo đúng các quy định của Chính phủ trước khi trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập trường.

Trương Nguyên tổng hợp (hieuhoc_hieuhoc.com)

Bài liên quan

Ngành khoa học môi trường

(Hiếu học) Ngành khoa học môi trường ngày càng đa dạng và ngày càng cần thiết hơn bao giờ hết. Sau những chuyên ngành truyền thống như Y, Luật, Kinh tế..., ngành môi trường đang dần trở thành ngành "hot" của nhiều sinh viên.  

Nhân lực ngành Tài nguyên và Môi trường.

(Hiếu học) Xây dựng đề án tổng thể về đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực là một trong những yêu cầu cấp thiết hiện nay đối với ngành Tài nguyên và Môi trường trước thực trạng thiếu hụt cả về chất và lượng.    

Ngành môi trường: Yêu thiên nhiên và phải dấn thân.

(hieuhoc_hieuhoc.com). Vấn đề môi trường ngày càng trở nên cấp bách. Trong khi tỉ lệ người hoạt động trong lĩnh vực môi trường ở Việt Nam còn rất thấp, chỉ khoảng vài chục người trên một triệu dân thì tại các các nước phát triển như Hàn Quốc, tỉ lệ này lên tới 2000 người/triệu dân. Ngoài ra, kinh tế phát triển sẽ kéo theo nhu cầu về xử lý môi trường tăng, vì vậy dự báo ngành môi trường sẽ là một trong những lĩnh vực “hot” trong những năm tới.

Cùng chuyên mục