Tiềm năng phát triển kinh tế biển Việt Nam.

(Hiếu học). “Việc khai thác tài nguyên biển hiện nay đang có một nghịch lý. Đó là chúng ta quá tập trung khai thác các nguồn lợi truyền thống bằng các biện pháp thiếu bền vững trong khi chưa chú ý đến các tiềm năng khác của biển như tiềm năng băng chảy, khả năng ứng dụng năng lượng thủy triều, sóng biển, năng lượng gió ven biển…”

“Hướng ra biển, phát triển kinh tế biển để lớn mạnh từ biển thì việc đầu tiên là phải hiểu về biển, tiềm năng, lợi thế, những tác động bất lợi từ biển và ý thức được sở trường, điểm mạnh, điểm yếu, khả năng của chúng ta. Từ đó xác định rõ mục tiêu trước mắt, lâu dài, lộ trình, bước đi…”. (TS Nguyễn Văn Tài – Viện trưởng Viện Chiến lược – chính sách tài nguyên và môi trường bày tỏ quan điểm của mình trong cuộc trao đổi với báo Tuổi Trẻ).

“Phát triển kinh tế biển là một bài toán lớn, phong phú và đa dạng. Từ việc khai thác dầu khí, khoáng sản, hải sản, hàng hải, du lịch biển cho tới đóng và sửa chữa tàu biển, chế biến dầu khí, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản… Nhưng nguồn lực của chúng ta còn hạn chế mà trước hết là về con người, các cơ sở đào tạo và số lượng người theo học về biển lại rất ít.Các chuyên gia có sự am hiểu sâu về biển không nhiều, còn thiếu đội ngũ cán bộ kỹ thuật tác nghiệp trên biển”.

Đê bêtông không bằng “đê xanh”.

* Ông đánh giá hiểu biết về biển của chúng ta hiện nay như thế nào?

– TS Nguyễn Văn Tài: Mục tiêu mà chúng ta đặt ra rất lớn, đó là phấn đấu trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, đảo. Đến năm 2020 kinh tế biển đóng góp 53-55% GDP, 55-60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước… Mặc dù thời gian qua đã có nhiều chương trình, dự án nhưng nguồn lực của chúng ta còn hạn chế mà trước hết là về con người. Các chuyên gia có sự am hiểu sâu về biển không nhiều, còn thiếu đội ngũ cán bộ kỹ thuật tác nghiệp trên biển.

Bên cạnh đó, chúng ta thường nói Việt Nam là một quốc gia biển, nhưng các cơ sở đào tạo và số lượng người theo học về biển lại rất ít. Các chương trình điều tra, nghiên cứu về biển của chúng ta lâu nay còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được yêu cầu, hơn nữa việc kết nối các chương trình điều tra, nghiên cứu cũng chưa tốt.

Chúng ta chưa hình thành được hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất về biển. Bên cạnh đó, việc nguồn lực tài chính hạn hẹp, thiếu phương tiện, thiết bị nghiên cứu cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến hiểu biết của chúng ta về biển.

* Phải chăng vì chưa có sự hiểu biết thấu đáo về biển nên việc khai thác những nguồn lợi từ biển thời gian qua chưa hiệu quả, trong nhiều trường hợp để lại hậu quả nặng nề. Ví dụ như số liệu thống kê cho thấy diện tích rừng ngập mặn đã giảm quá nửa trong vòng 30 năm qua?

– Đúng vậy. Phát triển kinh tế biển là một bài toán lớn, phong phú và đa dạng, từ việc khai thác dầu khí, khoáng sản, hải sản, hàng hải, du lịch biển cho tới đóng và sửa chữa tàu biển, chế biến dầu khí, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản…

Vì vậy, lời giải cho một sự phát triển bền vững là không hề đơn giản. Thực tiễn phát triển kinh tế biển vừa qua đã hình thành nhiều áp lực lên vùng biển ven bờ, tạo ra những xung đột nóng. Ví dụ như nuôi trồng thủy sản phải sử dụng mặt nước, phải cắt bớt diện tích rừng ngập mặn, vì không có cách tiếp cận bền vững đã tạo nên các xung đột sinh thái nóng ven bờ. Việt Nam là nước chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao đe dọa nhiều khu vực ven biển, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long, đó là chưa kể đến những tác động bất lợi từ các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong.

Vì vậy, một vành đai xanh ven biển sẽ giảm đi các tác động bất lợi từ biển rất nhiều lần. Vừa qua có nhiều cơn bão đổ vào từ biển, mặc dù không quá lớn nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, có phần nguyên nhân vì hệ thống rừng ngập mặn đã bị tàn phá quá nhiều. Chúng ta có đổ ra bao nhiêu tiền xây đê bêtông cũng không thể bằng “đê xanh” rừng ngập mặn, dải cây chắn sóng, chắn cát ven biển.

Vượt qua tâm lý e ngại biển khơi

* Nhiều nước trên thế giới đã có quá trình phát triển kinh tế biển. Đâu là những vấn đề mà chúng ta có thể nhìn vào để rút kinh nghiệm, nhất là trong việc tránh những lĩnh vực kinh tế mặc dù có đóng góp cho ngân sách nhà nước nhưng để lại hậu quả nặng nề kéo dài?

– Ở đây chúng ta có thể học được nhiều từ kinh nghiệm của các quốc gia khác, không chỉ là bài học thành công mà còn là bài học thất bại. Trên thế giới, bên cạnh khái niệm hồ chết, dòng sông chết, đã có cả khái niệm vùng biển chết do bị ô nhiễm quá nặng mà không xử lý được. Căn bệnh Minamata ở Nhật Bản, vùng biển chết ở Philippines là những bài học đắt giá mà chúng ta nên tránh. Mải mê khai thác lợi thế thiên nhiên ban tặng mà không chú ý đến môi trường, cái giá phải trả nhiều khi đắt hơn con người có thể nghĩ được.

Do vậy có hai việc mà các nhà quyết định chính sách cần chú ý: thứ nhất là nên chọn những ngành hiệu quả kinh tế – xã hội cao và ít tác động đến môi trường hơn là những ngành đóng góp vào kinh tế – xã hội không nhiều lắm nhưng lại hủy hoại môi trường quá lớn; thứ hai, phải tính toán từ đầu trong việc giải bài toán tổng thể để tránh xung đột các mục tiêu phát triển. Ví dụ điển hình cần nên tránh như khu vực vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), vừa muốn bảo vệ di sản thiên nhiên thế giới cho du lịch, nhưng cách đó không xa lại khai thác than, phát triển công nghiệp xây dựng… thì rất khó.

* Theo ông, đâu là việc cần làm nhất hiện nay để phát triển kinh tế biển một cách bền vững?

– Về vĩ mô, quy hoạch không gian và phân vùng theo đặc tính sinh thái là cách tiếp cận bền vững để phát triển kinh tế biển. Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã phân ra bốn vùng, phải có quy hoạch không gian phát triển chi tiết với từng vùng cho hợp lý. Quy hoạch này cần dựa trên những hiểu biết về lợi thế và đặc trưng hệ sinh thái của từng vùng biển.

Ví dụ khu vực này nhiều rừng ngập mặn, khu vực kia nhiều rạn san hô… thì quy hoạch phát triển kinh tế biển của các khu vực đó phải phù hợp với đặc trưng hệ sinh thái vốn có.

Cần có một chiến lược toàn diện về tài nguyên và môi trường biển, trong đó quy hoạch không gian hợp lý, phân vùng dựa trên các đặc tính sinh thái cùng với tiếp cận quản lý tổng hợp sẽ giúp phát triển kinh tế biển một cách bền vững. Về các giải pháp cụ thể, trước hết cần tăng cường công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu về biển để có đầy đủ thông tin về biển như tôi đã nói ở trên.

Có một vấn đề ở đây, tuy là quốc gia biển nhưng nhiều nhà nghiên cứu lại nhận xét không ít người Việt có tâm lý e ngại biển khơi, mà câu chuyện Sơn Tinh – Thủy Tinh là một ví dụ. Cần vượt qua tâm lý ngại biển này thông qua công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vị trí, vai trò của biển, tạo nên sự tự tin để hướng ra biển, chế ngự biển, làm giàu và lớn mạnh từ biển. Bên cạnh đó, phát triển kinh tế biển cũng là để bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo của nước ta.

Theo: “Hiểu biển mới lớn mạnh từ biển”. (Võ Văn Thành/TTO).

Bài liên quan

Nhân lực ngành Tài nguyên và Môi trường.

(Hiếu học) Xây dựng đề án tổng thể về đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực là một trong những yêu cầu cấp thiết hiện nay đối với ngành Tài nguyên và Môi trường trước thực trạng thiếu hụt cả về chất và lượng.    

Ngành môi trường: Yêu thiên nhiên và phải dấn thân.

(hieuhoc_hieuhoc.com). Vấn đề môi trường ngày càng trở nên cấp bách. Trong khi tỉ lệ người hoạt động trong lĩnh vực môi trường ở Việt Nam còn rất thấp, chỉ khoảng vài chục người trên một triệu dân thì tại các các nước phát triển như Hàn Quốc, tỉ lệ này lên tới 2000 người/triệu dân. Ngoài ra, kinh tế phát triển sẽ kéo theo nhu cầu về xử lý môi trường tăng, vì vậy dự báo ngành môi trường sẽ là một trong những lĩnh vực “hot” trong những năm tới.

Ngành hàng không dân dụng.

(hieuhoc_hieuhoc.com). Giữ cho huyết mạch giao thông của đất nước luôn thông suốt là nhiệm vụ của ngành giao thông vận tải. Trong đó, ngành hàng không dân dụng nói riêng, đang giữ một vai trò ngày càng quan trọng và sẽ tiếp tục được chú trọng đầu tư phát triển.

Cùng chuyên mục