Chương trình đại học tiên tiến

Sau bốn năm thực hiện đề án “Đào tạo theo Chương trình tiên tiến của VN giai đoạn 2010-2015”, đến thời điểm này cả nước đã có 23 trường ĐH hợp tác với 22 trường ĐH trên thế giới để triển khai thực hiện 35 Chương trình tiên tiến. Ngày 19-10, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ GD-ĐT đã tổ chức sơ kết giai đoạn đầu thực hiện đề án này.

Sinh viên chương trình tiên tiến Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) trong giờ thực hành hóa – Ảnh: NHƯ HÙNG

Sau bốn năm thực hiện đề án đào tạo theo các chương trình tiên tiến (CTTT) của các trường ĐH có uy tín trên thế giới, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng đã có thể yên tâm về trình độ tiếng Anh của sinh viên (SV).

Cần kiểm định chất lượng

Hầu hết SV theo học các CTTT đang được thực hiện tại các trường đạt trình dộ tiếng Anh tối thiểu 550 điểm TOEFL, 75% số SV này đạt học lực khá giỏi. Nhiều SV được các doanh nghiệp hỗ trợ học bổng ngay trong quá trình học tập, số SV tốt nghiệp gần như 100% có việc làm, được cơ quan sử dụng lao động đánh giá tốt…

Đó là những thông tin giúp Bộ GD-ĐT nhận định việc triển khai các CTTT đã tạo ra sự thay đổi, đột phá đối với chất lượng đào tạo tại các trường có CTTT, hướng tới chuẩn mực quốc tế.

Về phía các trường, cán bộ quản lý nhiều trường ĐH cũng nhìn nhận với kết quả đã đạt được của các khóa SV đang đào tạo và tốt nghiệp, các CTTT đã đáp ứng được mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo ở một số ngành ngang tầm với các trường ĐH tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Ông Bùi Duy Cam, hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội – trường đang có ba CTTT), cho biết: “Một số giáo viên nước ngoài đã lập biểu đồ so sánh kết quả học tập của Sv Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội với Sv trường đối tác do chính họ giảng dạy. Kết quả cho thấy cũng tương đương, tỉ lệ kết quả tốt, có môn còn cao hơn so với SV của trường đối tác học cùng chương trình”.

Nhưng đánh giá về kết quả đào tạo của các CTTT, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng chỉ ra một thực tế: chất lượng đào tạo của các chương trình đào tạo giữa các trường khác nhau còn chưa đồng đều.

Ông Nhân cho rằng các CTTT đã có thể yên tâm về trình độ tiếng Anh của SV, tiếp theo phải tập trung cho việc đánh giá chất lượng, xây dựng các chỉ số đánh giá thích hợp đối với các CTTT. Để đánh giá chính xác và xây dựng uy tín của các CTTT, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, lãnh đạo Bộ GD-ĐT và đại diện các trường cùng nhìn nhận: phải nhanh chóng thực hiện việc kiểm định chất lượng đào tạo của các CTTT.

Không tuyển đủ chỉ tiêu

Ở khâu tuyển sinh, thu hút được SV giỏi đang là thách thức đối với không ít CTTT. Trong khi một số CTTT luôn có số lượng SV dự tuyển cao gấp vài lần chỉ tiêu thì ngược lại, có những CTTT năm nào cũng tuyển không đủ chỉ tiêu dù luôn có chính sách ưu đãi, thu hút.

Ông Tôn Thất Dụng, trưởng ban điều hành CTTT Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế), cho biết CTTT ngành vật lý của trường có chỉ tiêu mỗi khóa là 30 SV nhưng chưa có năm nào tuyển đủ, thậm chí càng khóa sau càng giảm. Theo phân tích của ông Dung, trong rất nhiều nguyên nhân khiến các SV e ngại khi đăng ký dự tuyển vào học CTTT ngành học này còn có lý do về học phí.

Lấy đâu ra tiền?

Tại hội nghị, trong khi một số trường đề nghị Bộ GD-ĐT cấp kinh phí nhiều hơn, tập trung đầu tư, kéo dài thời gian hỗ trợ từ ngân sách cho các CTTT đã có, không ít trường lại khẳng định để tồn tại lâu dài và phát triển bền vững, các trường phải tự tìm kiếm giải pháp để các CTTT tồn tại, không nên trông chờ vào “bầu sữa” của ngân sách nhà nước.

Ông Phạm Quang Trung, phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho biết: “Trường xác định tư duy phát triển bền vững không dựa vào nguồn kinh phí của bộ. Phát triển bền vững là tự phát triển, tự tìm kiếm nguồn tài trợ để tồn tại lâu dài”. Ông Trung cho hay hiện nay học phí CTTT của trường là 1,6 triệu đồng/tháng, năm tới sẽ tăng lên 1,8-1,9 triệu đồng/tháng. Học phí chính là nguồn kinh phí quan trọng để CTTT của trường tự cân đối kinh phí hoạt động.

Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa – phó giám đốc ĐHQG TP.HCM: “Cần có chính sách thu hút SV giỏi bằng học bổng. Kinh phí nhà nước không thể đáp ứng được hết, phải sớm có chính sách thu hút tài trợ từ doanh nghiệp”.

Đầu tư 860 tỉ đồng

Đến thời điểm này còn khoảng 2.100 SV theo học, hơn 200 SV đã rời chương trình, chủ yếu do không đáp ứng được yêu cầu.

Tổng kinh phí từ ngân sách nhà nước đã đầu tư cho các CTTT là 860 tỉ đồng. Mỗi CTTT được cấp kinh phí cho ba khóa đào tạo. Kinh phí thực hiện ba khóa đào tạo đầu tiên các CTTT được tính toán theo nguyên tắc: ngân sách nhà nước chiếm 60%, nhà trường chịu trách nhiệm 25% và học phí do SV đóng góp chiếm 15%.

Kinh phí để mời giáo viên nước ngoài tham gia giảng dạy thường xuyên cũng là vấn đề đau đầu của các trường. Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề: “Các CTTT của nước ngoài cần mời giáo viên nước ngoài vào giảng dạy nhưng có trường chỉ mời hai năm đầu, những năm sau không mời nữa, vậy có làm hạn chế hiệu quả của chương trình không?”.

Tùy theo điều kiện thực tế của từng trường có những cách giải quyết giáo viênnước ngoài khác nhau, nhưng các trường đều có chung một vấn đề là kinh phí mời giáo viên nước ngoài quá tốn kém so với khả năng của các CTTT. Vì vậy tuy biết rằng cần nhưng “khi mời thầy từ nước ngoài vào dạy cần từ 10.000-15.000 USD, chương trình không đủ khả năng” – ông Nguyễn Văn Dung , phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội, thẳng thắn.

Giải đáp băn khoăn của nhiều trường ĐH về vấn đề kinh phí cho CTTT, bà Trần Thị Hà – vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH – cho rằng: “Từ thực tế của các CTTT, trong thời gian tới bộ sẽ nghiên cứu có chính sách hỗ trợ những ngành đào tạo các ngành khoa học cơ bản cần cho sự phát triển của đất nước nhưng khó thu hút người học”.

Còn Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: “Đầu tư kinh phí từ đề án trong những năm tới sẽ chuyển từ tài trợ đồng đều cho các CTTT sang tài trợ có phân biệt, căn cứ theo điều kiện thực tế cụ thể của các CTTT”.

Theo: Chương trình đại học tiên tiến: Mới yên tâm về tiếng Anh (TTO)

Cùng chuyên mục