Làm gì khi có cảnh báo sóng thần?

Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản hướng dẫn: – “Hãy rời ngay khỏi bờ biển và trú ẩn ở một nơi an toàn khi có thông báo sóng thần…”. Khoảng 10 phút giữa chấn động đầu tiên và lúc các luồng sóng gây chết người ập đến cũng đủ để người dân chạy thoát khỏi các vùng nguy hiểm.

Thảm họa sóng thần Ấn Độ Dương năm 2004 và tại Nhật Bản ngày 11/3 vừa qua cho thấy, thảm họa này giờ đây sẽ còn xuất hiện với sức tàn phá ngày càng khủng khiếp.

Theo các nhà khoa học, sóng thần có thể hình thành khi các mảng địa tầng dưới đáy biển va chạm vào nhau gây nên động đất. Như mảng địa tầng Thái Bình Dương xô vào mảng kiến tạo Bắc Mỹ và xuất hiện sóng thần tại Nhật Bản hôm 11/3. (Xem: Nguyên nhân hình thành sóng thần tại Nhật) .

Vì sao có sóng thần?


Nếu động đất xảy ra trong đất liền thì ít có khả năng có sóng thần đi kèm theo trừ khi các biển nội địa hay các hồ nước lớn bị tác động bởi những dịch chuyển của đất đá dưới mặt nước. Nhưng khi động đất xảy ra ngoài biển và có cường độ hơn 6,5 độ Richter thì có thể sinh ra sóng thần có sức tàn phá rất lớn như chúng ta thấy tại Nhậtvừa qua hay ở các nước Nam Á năm 2004. Các đợt sóng thần mang theo lượng năng lượng khổng lồ vì chúng do những khối lượng nước rất lớn tạo ra sau khi có một trận động đất bất thình lình dịch chuyển một diện tích đáy biển hàng nghìn cây số vuông chỉ trong vài giây đồng hồ rồi truyền năng lượng thẳng lên bề mặt.

Lực duy trì sóng trong cột nước biển sau khi đáy biển bị nhiễu loạn là lực trọng trường. Sức mạnh của nó tuỳ thuộc vào cường độ của nhiễu loạn ban đầu, khoảng cách di chuyển của sóng, hình thái mặt đáy biển, khả năng các lớp đất đá hấp thụ hết năng lượng cũng như hình dáng bờ biển. Tốc độ di chuyển của sóng có thể lên đến vài trăm cây số một giờ và sóng thần có thể vượt qua hàng nghìn cây số đại dương trong vài tiếng đồng hồ. Bước sóng của nó – khoảng cách giữa hai làn sóng nối tiếp nhau – có thể là vài trăm cây số. Tuy nhiên, cũng như các loại sóng khác, khi chúng tiến vào các vùng nước cạn gần bờ, nhiều thay đổi sẽ xảy ra, bước sóng rút xuống còn từ 10 đến 20 km, khi nước có tốc độ cao đến đẩy các luồng sóng đi trước, chiều cao của chúng tăng lên, đôi khi đạt đến vài chục mét và tiến sâu vào đất liền, tàn phá những vùng đất thấp dọc bờ biển.

Những vùng nhạy cảm nhất đối với sóng thần nằm dọc bờ biển Thái Bình Dương, ở đây có đến 85% toàn bộ các đợt sóng thần do động đất gây ra vì đại dương rất rộng và có nhiều hoạt động địa chấn và núi lửa của mảng kiến tạo Thái Bình Dương. Theo ước tính, trong thế kỷ 20 vừa qua có chừng 50.000 người tử vong do khoảng 400 đợt sóng thần gây ra. Bước vào thế kỷ 21, đợt sóng thần Sumatra-Andaman cuối năm 2004 đã làm 230.000 người chết chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ và có đến hàng triệu người bị mất nhà cửa.

Năm 1755, tiếp theo một trận động đất M9, đợt sóng thần ở Lisbon (Bồ Đào Nha) có độ cao trên 30 mét và năm 1883, sóng thần do hoạt động núi lửa Krakatoa ở Indonesia gây ra có độ cao lên đến 40 mét. Năm 1737, một trận động đất gần bán đảo Kamchatka gây nên một đợt sóng thần cao 50 mét khi chúng tiến đến đảo Kurile. Sóng thần ở Sendai, Nhật Bản hôm 11/3 vừa qua cao đến 10 mét.

Đối với các sóng thần vượt đại dương, người ta có thể có khoảng thời gian nhiều giờ giữa trận động đất và lúc sóng thần ập đến. Vị trí và quy mô của trận động đất có thể được xác định nhanh chóng và chính xác nhờ các quan trắc địa chấn và sự hình thành cũng như sự lan truyền của sóng thần có thể được xác nhận bởi các hệ thống quan sát mực nước biển ngoài khơi như các cảm biến đo áp suất đặt dưới đáy biển. Khoảng 10 phút giữa chấn động đầu tiên và lúc các luồng sóng gây chết người ập đến cũng đủ để người dân chạy thoát khỏi các vùng nguy hiểm, cứu được hàng trăm nghìn nhân mạng và cả tài sản của họ.

Hướng dẫn những điều phải làm sau khi có cảnh báo sóng thần đầu tiên

(- Theo: Cơ quan Khí tượng Nhật Bản):


1. Rời ngay khỏi bờ biển và trú ẩn ở một nơi an toàn khi cảm thấy một chấn động mạnh hay một chấn động yếu, chậm nhưng kéo dài.


2. Rời ngay khỏi bờ biển và trú ẩn ở một nơi an toàn khi có thông báo sóng thần.


3. Tìm thông tin đúng đắn từ truyền hình, truyền thanh hay internet.


4. Đừng đến bờ biển để tắm hay câu cá khi có khuyến cáo về sóng thần hay khi một cảnh báo về sóng thần đã được phát ra.


5. Đừng mất cảnh giác cho đến khi cảnh báo được bãi bỏ vì sóng thần có thể lặp đi lặp lại.

Hành động cụ thể:

– Lưu ý những cảnh báo: Luôn lưu ý về những dấu hiệu cảnh báo sóng thần sắp đến, mà động đất là cảnh báo đầu tiên. Dấu hiệu nữa là sự tăng giảm bất thường của mực nước biển. Nếu nước biển bỗng dưng rút ra xa rất nhanh, để lại bờ trơ trọi thì đây chính là dấu hiệu cảnh báo quan trọng cho thấy sắp sửa có những trận sóng khổng lồ ập vào đất liền.

Ngay cả hành vi thay đổi của các loài vật cũng là dấu hiệu phải quan tâm như chúng rời khỏi khu vực, hay co cụm lại với nhau tìm chỗ ẩn náu. Còn đối với những cảnh báo của nhà chức trách, chúng ta cũng cần nhớ luôn lưu ý và thông báo kịp thời cho người thân, bạn bè và cộng đồng.

– Nếu sóng thần đang ập vào đất liền, chúng ta cần phải phản ứng ngay lập tức. Hãy di dời sâu vào đất liền và lên những chỗ cao ráo, như trèo lên đồi, núi. Đặc biệt, cần rời xa ngay lập tức những khu vực gần nguồn nước như hồ, ao, sông, ven biển. Trong trường hợp bạn bị kẹt không thể sơ tán, lựa chọn tốt nhất bây giờ chọn một tòa nhà cao, vững chãi và leo lên nóc.

– Phản ứng trong dòng nước: Hãy phản ứng nhanh chóng nếu bạn bị cuốn trong dòng nước. Cách tốt nhất là bám vào những vật nổi được như cánh cửa, khúc gỗ… để không bị nước nhấn chìm. (Hãy bỏ lại mọi tư trang, vì mạng sống của bạn trong dòng nước sóng thần giờ đây quan trọng nhất).

– Trú ẩn an toàn: Sau khi đã thoát khỏi cơn sóng dữ, cần trú ẩn ở nơi an toàn nhất, vì những đợt sóng thần sẽ kéo dài đến vài giờ, sóng sau mạnh hơn sóng trước. Phải kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi nhận được thông tin qua đài báo về tình hình an toàn.

Sau khi sóng thần qua đi, nỗi lo lớn vẫn còn, đó là tình trạng thiếu lương thực, nước uống, thuốc men. Như những gì mà những nạn nhân sóng thần Nhật Bản hiện đang phải đối mặt. Chỉ có lòng can đảm, sự kiên nhẫn và tình đoàn kết, những người còn sống sau thảm họa khủng khiếp này mới có thể đối phó được với những khó khăn đó và tiếp tục tồn tại.

Theo: (Khoa học/Tia sáng/VTC)

Bài liên quan

Nguyên nhân hình thành sóng thần tại Nhật?

Theo các nhà khoa học, sóng thần có thể hình thành khi các mảng địa tầng dưới đáy biển va chạm vào nhau gây nên động đất. Sau khi mảng địa tầng Thái Bình Dương xô vào mảng kiến tạo Bắc Mỹ và xuất hiện sóng thần tại Nhật Bản hôm 11/3.

Làm gì khi xảy ra động đất?

Động đất xảy ra hàng ngày trên trái đất nhưng hầu hết đều ở mức độ nhẹ, không gây ra thiệt hại và đa số chúng ta đều không cảm nhận thấy động đất. Thực tế chỉ những trận động đất có cường độ từ 3 độ richter trở lên con người mới có thể cảm nhận được và chỉ có những trận động đất lớn hơn 5 độ richter mới bắt đầu gây ra thiệt hại.

Cùng chuyên mục