Nghề Mỹ nghệ kim hoàn.

(hieuhoc_hieuhoc.com). Hiện TP.HCM có khoảng 5.000 doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh vàng bạc; với số doanh nghiệp như trên, hằng năm sẽ cần từ 5.000 – 10.000 lao động. Tuy nhiên, tại TP chỉ có một đơn vị chuyên đào tạo nhân lực cho ngành kim hoàn là Trung tâm dạy nghề Mỹ nghệ kim hoàn (trực thuộc Hội Mỹ nghệ kim hoàn TP.HCM).

“Mỗi năm, trung tâm này chỉ cung cấp được 300 – 500 thợ, đáp ứng chưa tới 10% nhu cầu” – ông Nguyễn Văn Dưng – Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn TP.HCM cho biết.

Yếu tố quyết định để có được những sản phẩm tinh xảo là những người thợ kim hoàn lành nghề.

Cung nhỏ giọt.

Theo ông Dưng, đầu năm 2010, giá vàng trong nước biến động không ngừng, sức mua vàng và nhu cầu mua vàng của người dân tại các TP lớn đang ngày càng tăng cao. Vì thế, đây là cao điểm sản xuất của các doanh nghiệp vàng bạc, tuy nhiên, họ đang “kêu trời” vì thiếu nhân công.

Ông Phạm Lộc (Công ty vàng bạc đá quý ở Q.4) dự đoán: “Sắp tới công ty sẽ cần khoảng 100 – 200 lao động, nhưng rất khó tuyển được người có tay nghề. Hiện giờ chúng tôi cũng không biết xoay xở ra sao”.

Ông Minh Hùng (DN vàng bạc Minh Hùng – Q.Tân Bình) tâm sự: “Vàng là kim loại quý nên dễ mất mát, tuyển thợ làm trong lĩnh vực này cần phải biết rõ gốc gác, hoặc quen biết. Hiện tại, doanh nghiệp đang cần 20 – 40 thợ nhưng chạy tới chạy lui, nhờ bạn bè đồng nghiệp tỏa đi các tỉnh miền Tây, miền Bắc cũng chỉ được vài người. Tới trung tâm dạy nghề thì các em nói đã có việc làm. Chúng tôi buộc phải “điền vào chỗ trống” bằng cách về quê,gọi anh em họ hàng lên chỉ việc dần dần. Không chỉ doanh nghiệp lớn mới cần, ngay những doanh nghiệp kinh doanh vàng nhỏ và vừa cũng đang rất khó khăn về nhân lực”.

Khi ra trường, đa số các học viên kim hoàn trở về làm việc cho gia đình.

Đến Trung tâm dạy nghề Mỹ nghệ kim hoàn TP.HCM, chúng tôi thấy mỗi lớp chỉ lèo tèo vài học viên. Ông Trần Ngọc Trí – Phó giám đốc trung tâm than thở: “Hiện có rất nhiều DN đặt hàng tuyển dụng với số lượng lớn, như Công ty vàng bạc- đá quý Bến Thành, PNJ… nhưng trung tâm không thể đáp ứng. Trong khi đó, 95% học viên tốt nghiệp có chỗ làm ổn định bởi trước đó, họ đã tự mở cơ sở sản xuất hoặc về làm việc cho gia đình. Số còn lại đều được các DN đến tuyển dụng với mức lương từ 3,5 triệu đến bốn triệu đồng/tháng. Nhiều khóa, học viên chưa tốt nghiệp đã có đặt hàng tuyển dụng. Thế nhưng, nghịch lý hiện nay là số lượng học viên theo học ngành này rất hạn chế. Trung tâm tuyển sinh liên tục, nhưng tại thời điểm này cũng chỉ có 100 học viên theo học”.

Nghề vàng nhưng… bạc.

Ông Huỳnh Kim Phúc – PGĐ Trung tâm dạy nghề Mỹ nghệ kim hoàn TP.HCM bày tỏ: “Một trong những nguyên nhân dẫn đến thiếu nhân lực cho ngành kim hoàn là học viên không mặn mà với việc học nghề tại các trung tâm đào tạo. Họ cho rằng, ngoài lý do tốn kém, học nghề tại các cơ sở sản xuất, các làng nghề theo kiểu cha truyền con nối, nhanh biết việc và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, nhiều LĐ phổ thông (gia đình không theo nghề vàng bạc) có tâm lý dè chừng, sợ học xong không xin được việc”.

Là “người trong cuộc”, thợ kim hoàn Dương Thành Phước (Bến Tre) cho biết: “Tôi theo học ở trung tâm để về làm cho gia đình chứ không đi làm cho các công ty khác. Nghề này thường ngồi gò lưng một chỗ từ 7g30 – 11g30, buổi chiều 13g30 đến 17g (nhiều đơn đặt hàng thì còn muộn hơn). Công việc đòi hỏi tính kiên nhẫn, tỉ mỉ, chịu khó, phải luôn ở tâm trạng thoải mái mới làm được việc. Bạn bè tôi nhiều người đã bỏ nghề. Mới vào thử việc thì ăn theo sản phẩm, gặp người chủ tốt thì không sao, chứ gặp chủ hay la rầy, dễ chán nản, mất tập trung; tốn nhiều thời gian mới làm được một sản phẩm nên thu nhập thấp, đành nghỉ việc”.

Anh Minh Long (Bình Dương) – bỏ nghề kim hoàn hơn ba tháng nay tâm sự: “Giá vàng tăng mạnh quá, trong khi đó tiền công của thợ thì tăng không đáng kể. Trước đây, giá vàng chỉ hơn một triệu/chỉ, gia công một chiếc nhẫn 50.000đ, hao hụt 30.000đ (hao hụt vàng trong quá trình chế tác) thì vẫn còn 20.000đ để trang trải cuộc sống, chứ như bây giờ thì chịu rồi. Một phân vàng đã 260.000đ, tiền gia công 100.000đ – 150.000đ/ngày, làm sao đủ để bù lỗ hao hụt. Đó là chưa kể, suốt ngày tiếp xúc với thủy ngân, rất có hại cho sức khỏe nên tôi nghỉ việc và chuyển sang học nghề sửa xe máy”.

Ông Nguyễn Văn Dưng trăn trở: “Trước tình trạng khan hiếm nhân lực trong ngành kim hoàn và số lượng thợ “nhảy việc” nhiều. Cuối năm 2009, Hội Mỹ nghệ kim hoàn đã tổ chức buổi tọa đàm “Nâng giá gia công cho các thợ”, có DN chấp nhận tăng giá gia công lên 20% – 30 %, nhưng có DNchưa đồng ý. Tuy nhiên, vì không có người đứng ra quản lý, giám sát họ thực hiện nên cũng rất khó”. Xem ra, bài toán bổ sung nguồn nhân lực cho ngành kim hoàn đang hết sức nan giải.

Ông Trần Ngọc Trí đề xuất: “Tới đây, các doanh nghiệp trong ngành kim hoàn và trung tâm nên kết hợp chặt chẽ. Chúng tôi sẵn sàng đến xem các doanh nghiệp thiếu người như thế nào, thiếu ở lĩnh vực gì. Nếu các doanh nghiệp tuyển lao động phổ thông, bỏ ra một ít chi phí gửi đến đào tạo ở trung tâm thì sẽ duy trì được nguồn lao động”.

Theo: “Đỏ mắt” tìm thợ kim hoàn (Quỳnh Mai/PNO).

Bài liên quan

Thiếu lao động phổ thông - vì sao?

(hieuhoc_hieuhoc.com). Trong khi hàng năm nước ta phải xuất khẩu hàng chục ngàn lao động, vừa qua không ít doanh nghiệp, đa số là doanh nghiệp các tỉnh phía Nam, thuộc vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ lại than thiếu lao động phổ thông, thậm chí có nơi đề xuất tuyển lao động phổ thông từ nước ngoài.

Những nghề phù hợp cho người trầm tính và ít nói.

(hieuhoc_hieuhoc.com). Những người trầm tính và ít nói thường sẽ chọn những công việc có tính độc lập cao. Bạn cũng nên chọn cho mình một công việc phù hợp để sử dụng tối ưu tính cách của mình. Sau đây là vài gợi ý về ngành nghề phù hợp cho người trầm tính và ít nói để bạn tham khảo.

Thợ lành nghề không bằng cấp: vừa làm vừa học

(hieuhoc_hieuhoc.com). Theo hình thức dạy nghề phổ biến ở các cơ sở sản xuất và dịch vụ, thợ “vừa làm vừa học” hẳn nhiên là không có bằng cấp. Gần như không học lý thuyết, nhưng nhờ học từ thực tế công việc hằng ngày với sự kèm cặp trực tiếp của chủ hoặc thợ lành nghề nên người lao động thạo việc ít khi thất nghiệp hay phải vất vả tìm việc vì họ thường được cơ sở truyền nghề tuyển thành thợ chính thức.

Luôn có một nghề dành cho bạn, để bạn vững bước vào đời!

(hieuhoc_hieuhoc.com). Không tự xác định mục tiêu để mình đi tới, sự nghiệp và cuộc đời của bạn sẽ chỉ là những tình cờ đầy may rủi. Chẳng phải bạn đã từng hoặc có thể là đang cảm thấy rất thất vọng, ê chề và bất mãn đó sao? Vì sao? Vì sao?

Cùng chuyên mục