Phần 1: Làm part-time – Cơ hội không nên bỏ phí

(hieuhoc_hieuhoc.com): Sau một kì thi học kì căng thẳng thì các trường đại học đang dần bước vào kì nghỉ hè. Các bạn sinh viên đã có rất nhiều dự định cho kì nghỉ xả hơi khá dài này (2, thậm chí là 3 tháng). Người thì về quê thăm gia đình và cũng để nghỉ xả hơi, bạn thì về nhà giúp việc buôn bán của gia đình, bạn thì ở lại thành phố đi dạy thêm, học thêm… Tất cả những việc đó, về những khía cạnh khác nhau, đều có ích cho các bạn sinh viên.

Trong loạt bài viết này, Hiếu Học xin đưa ra những công việc mà các bạn sinh viên nên làm trong kì nghì hè này để bổ sung thêm những kiến thức, kĩ năng bổ ích cho công việc cũng như tương lại của các bạn sau này.

Ngày nay, việc làm bán thời gian (part-time) không chỉ dành riêng cho sinh viên (SV) mà mà còn là một xu hướng được nhiều bạn trẻ lựa chọn không kém gì công công là tự do (freelance). Tại sao hình thức này lại có một “hấp lực” lớn như vậy đối với các bạn trẻ, mà đặc biệt là các bạn SV?

Nhu cầu tuyển dụng SV làm thêm tăng cao

Nhiều đầu việc được đánh giá thu hút khá nhiều lao động hiện nay: phỏng vấn viên, phục vụ, tiếp thị, giao hàng, MC, tư vấn dịch vụ, nhân viên quảng cáo, kế toán – văn phòng… đang được Trung tâm Dạy nghề – tư vấn việc làm Thanh niên ráo riết đăng tuyển với khoảng 500 vị trí. Mức thu nhập dành riêng cho nhóm nghề này không quá thấp, trung bình 1,5-3 triệu đồng/tháng.

Số lượng công việc cho SV hè 2008 tăng khoảng 30% so với cùng thời điểm các năm trước. Công việc cũng đa dạng hơn, đa số là việc bán thời gian, thời vụ… Các công ty như: Nhịp sống số, Thế Vận, Asiasoft, chuỗi cà phê Highland (Công ty Việt Thái Quốc Tế), Saycheese, Next View… còn chủ động đề ra các thang lương cao, hấp dẫn và chế độ phụ cấp, đãi ngộ SV đi kèm. Lương tăng từ 20-30%…

So với mặt bằng chung hiện nay, các công việc lao động phổ thông trên đòi hỏi ứng viên chỉ cần tốt nghiệp THPT, cộng thêm vài tiêu chuẩn: ngoại hình tương đối, giao tiếp, kinh nghiệm, chút vốn ngoại ngữ xã giao là có thể đăng ký!

Kiếm tiền trang trải sinh hoạt phí

Đối với SV, nhất là SV tỉnh, nghỉ hè là dịp để họ tranh thủ làm thêm kiếm tiền. Thị trường lao động dịp hè với loại hình việc làm bán thời gian tại TP.HCM trở nên sôi động. Ở các siêu thị, khu vui chơi giải trí, nhà hàng, nơi công cộng… đâu đâu cũng thấy SV làm thêm.

Ở siêu thị Co.opMart Đinh Tiên Hoàng, không khó nhận ra nhiều nhóm SV mặc đồng phục tại các quầy hàng lưu động. Cô SV tên Bảo Châu, đang học năm 4 Trường ĐH Hồng Bàng nhanh nhảu: “Chúng tôi là SV nghèo ở tỉnh. Tiền lương từ làm thêm mỗi tháng khoảng 1,8 triệu – 2 triệu đồng giúp tôi đỡ lo lắng cho các khoản học phí, sách vở… Hơn nữa, tôi còn học được nhiều thứ khi đi làm”.

Trần Duy Tùng, sinh viên năm 4 trường Đại học CNTT TP.HCM, nói: “Nhờ có một anh quen biết giới thiệu nên em vào làm phục vụ tại tiệc cưới của nhà hàng Metropole từ 17 giờ đến 22 giờ. Tiền công là 30.000 đồng/ngày. Nếu đi làm cả tuần em có 210.000 đồng, đủ tiền chi trả tiền xăng đi học trong một tháng. Cũng giúp ba mẹ được phần nào”.

Hồng (SV trường ĐH. KHXH&NV TP.HCM), quê ở Thái Bình, thì tâm sự: “Gia đình ở quê, em vào đây học, chi phí tốn kém quá nên em đã xin đi dạy thêm. Dạy tất cả các môn cho một em học sinh lớp 2, mỗi tháng là 400.000đ. Tiền nhà coi như em không phải lo mà còn trang trải thêm phần nào tiền sinh hoạt”. Được biết mỗi tháng bố mẹ ở quê gửi vào cho Hồng 1 triệu đồng.

Còn bạn Trần Thanh Tâm (SV năm 3 ĐH Công nghiệp TP.HCM) cùng một lúc đảm nhận đến ba công việc khoe: “Nhờ việc làm hè mà mình đỡ vất vả trang trải phí học hành cho năm tới. Chịu khó và biết tận dụng thời gian chút xíu là mình có thể vừa giới thiệu sản phẩm kết hợp phát tờ rơi, phát báo… Thu nhập khá tốt”.

Một tin vui cho các bạn SV đi làm part-time trong hè năm nay là lương sẽ tăng từ 30%-50% so với năm trước. Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm GTVL TP.HCM, nếu năm trước, các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đóng trên địa bàn TP.HCM cần khoảng 40.000 lao động thời vụ thì dự báo năm nay sẽ tăng 25%, khoảng 50.000 nhu cầu, hầu hết nhu cầu này tập trung vào đối tượng SV. Dựa trên khảo sát cung – cầu lao động thời vụ tại Trung tâm GTVL TP.HCM, ông Tuấn cho hay ngoài những lĩnh vực, công việc phổ biến như tiếp thị, bán hàng, phát hàng khuyến mãi, nghiên cứu thị trường…, thị trường lao động thời vụ dịp hè năm nay còn có thêm nhiều lĩnh vực, công việc mới như tư vấn, cung cấp các sản phẩm dịch vụ bưu chính, viễn thông, thiết kế, tư vấn giáo dục, tài chính… Điều này càng chứng tỏ những lĩnh vực mới như công nghệ thông tin, tư vấn đang là ngành nóng không chỉ thu hút nhân lực dài hạn.

Tại các trung tâm GTVL, mức lương dành cho lao động thời vụ năm nay tăng bình quân từ 30%-50% so với năm trước. Chị Nguyễn Quỳnh Chi phân tích: Nếu những năm trước, mức lương dành cho nhân viên phát quà khuyến mãi chỉ khoảng 50.000 đồng/ngày thì năm nay tăng lên khoảng 70.000 đồng/ngày. Riêng nhân viên dán poster hay treo băng rôn, mức lương trước đây chỉ 60.000 đồng/ngày thì hiện tại là 80.000 đồng/ngày. Mức lương cho NV lễ tân tăng từ 80.000đ lên 100.000-120.000đ/chương trình, cá biệt có chương trình lên đến 200.000đ /buổi. Còn theo ông Nguyễn Văn Sang, Phó Giám đốc Trung tâm GTVL Thanh niên, ở một số đầu việc như phát hàng mẫu, nghiên cứu thị trường, mức lương tăng đến 50%. Trước đây, với những công việc này mức lương chỉ 100.000 đồng/ca (4 giờ) thì hiện nay lên đến 200.000 đồng.

Đi một ngày đàng, học một sàng khôn

Tuy nhiên, dù part-time có thu nhập khá ổn nhu vậy nhưng đó vẫn chưa phải là lý do lớn nhất tạo ra sức hút cho loại hình công việc này đối với giới SV. Cái mà SV quan tâm hơn cả là kinh nghiệm và kiến thức thực tiễn công việc làm thêm ấy mang lại, chứ không thuần túy chỉ làm để “tăng thu nhập”. Nhiều chuyên gia tư vấn lao động khuyên SV nên chọn làm thêm vào dịp hè, bởi đây là cơ hội quý để không chỉ kiếm thêm thu nhập, trang trải chi tiêu học hành mà còn tích lũy kinh nghiệm, làm quen môi trường làm việc thực tế, nâng cao kỹ năng giao tiếp, chuyên môn. Ngoài ra, đối với một bộ phận lớn sinh viên năm cuối, đây sẽ là bước đệm để có cơ hội được tuyển dụng làm việc lâu dài. Theo Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên TP.HCM, nhiều công ty cam kết sẽ ưu tiên tuyển dụng lâu dài nếu trong một vài tháng làm việc, họ chứng tỏ được năng lực. Đây chính là hấp lực chính mà công việc làm thêm “hút” rất nhiều bạn SV theo.

Việc làm thêm của SV hiện đang diễn ra với một xu hướng: SV học ngành gì luôn muốn làm công việc liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới ngành học đó. Khi nắm được cơ hội, họ sẽ vận dụng chính những kiến thức học ở trường để khẳng địnhh mình trong thực tiễn công việc. Quan trọng hơn, nếu có năng lực, nhiều sinh viên có thể tìm thấy cơ hội lớn hơn cho mình trong tương lai.

Ngoài việc kiếm tiền, nó còn giúp các bạn trẻ ý thức hơn trong việc tự lập, học hỏi, cọ xát thực tế, tích lũy kinh nghiệm sống… Đó là lý do mà Thanh Hiền, SV Khoa CNTT Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cố tìm cho mình một chân trông coi tiệm net trong KTx ĐH Quốc gia. Với Hiền, công việc này vừa giúp có thêm thu nhập vừa là những bài học quý giá ngoài giờ để nâng cao kỹ năng chuyên môn. Thế Dương, SV của Khoa Hệ thống Thông tin kinh tế Trường CĐ Kinh tế Đối ngoại TP.HCM, tâm sự: “Tôi đang làm khảo sát thị trường cho Công ty SoundMax. Công việc này giúp tôi tăng thêm hiểu biết về thương trường, thị trường điện tử, hiểu thêm về tâm lý, thị hiếu của khách hàng. Ngoài ra, khi đi làm thì suy nghĩ của mình cũng khác. Trước đây làm việc gì mình ít khi nghĩ đến hậu quả, còn bây giờ làm bất cứ việc gì cũng khiến mình suy nghĩ và tính toán cẩn thận”.

Đối với Tuyết Vân, SV năm 3 Trường ĐH KHXH-NV và ĐH Luật TP.HCM, cô phải tận dụng những ngày nghỉ hè để làm thêm, có tiền trang trải học phí cho cả hai trường. Hiện Tuyết Vân làm quản lý một nhóm nhân viên khánh tiết nhà hàng khoảng 30 người, một công việc liên quan rất nhiều đến khả năng giao tiếp và quản lý mà cô học được trên giảng đường ĐH. Để làm tốt công việc, Vân chủ động học hỏi từ những người quản lý nhà hàng, tự tổ chức, sắp xếp kế hoạch; lên lịch, phân công công việc. Bản thân Tuyết Vân cũng lên thời gian biểu cho mình để không ảnh hưởng đến việc học. Cô chia sẻ: “Điều quan trọng nhất mà mình học được là kỹ năng quản lý, giao tiếp, ứng xử từ môi trường làm việc thực tiễn”.

“Em đi làm là để rèn luyện khả năng diễn đạt, nói năng và tính kiên trì của mình”, Lan, sinh viên năm cuối trường ĐH. KHXH&NV TP.HCM, đang dạy kèm một học sinh lớp 1, cho hay.

Nguyễn Nhật Minh (Lớp K48, Báo chí, ĐH. KHXH&NV Hà Nội) là một trong số những SV biết tạo ra cơ hội và nắm lấy cơ hội cho biết: “Hiện nay tôi đang làm cộng tác viên cho chương trình “Hãy chọn giá đúng” của Đài THVN. Có thể coi đây là công việc làm thêm tạm thời, nhưng cũng có thể đây là một cơ hội để có việc làm cho tôi sau này”.

Hoàng Lan Anh (quê Quảng Ninh) tốt nghiệp Cao đẳng Du lịch được hai tháng đã được nhận ngay vào làm việc trong khu du lịch Tuần Châu với một vị trí mơ ước. Cô tâm sự: “Khi còn là SV năm thứ 3, mình đã tự tìm việc làm thêm ở các khu du lịch. Vừa học vừa làm khá vất, nhưng bù lại mình có thêm nhiều kinh nghiệm lắm. Ra trường rồi mới thấy kinh nghiệm là một trong những yếu tố quan trọng khi đi xin việc”.

Anh Nguyễn Văn Sang, phó GĐ Trung tâm GTVL Thanh Niên, chia sẻ: “Việc làm hè là cơ hội trải nghiệm, thử sức bản thân với ngành nghề đã học. Đó là một trong những yếu tố tiên quyết hấp dẫn nhà tuyển dụng. Doanh nghiệp cũng sẵn sàng nâng mức lương phù hợp năng lực cho SV…”.

Mặc dù công việc part-time rất có ích không chỉ cho các bạn SV tỉnh mà còn cả các bạn SV thành phố nhưng có không ít các bậc phụ huynh mà các thầy cô lại không mấy mặn mà lắm với việc con em mình làm thêm vì lý do “Lấy đâu thời gian mà học”. Có lẽ đó là cái nhìn chưa toàn diện. Đúng là đi làm thêm đồng nghĩa với sự thu hẹp thời gian, nhưng nói sẽ không có thời gian học thì chưa đúng.

Bởi thế, nếu bạn biết sắp xếp thời gian hợp lý giữa “học” và “hành” thì … “thường thôi”. Có điều là, làm thêm nói chung sẽ có lợi cho bạn về nhiều mặt. Nhưng nếu bạn quá mải mê tích lũy kinh nghiệm thực tiễn mà quên đi việc học tập thì cũng không phải là cách tối ưu. Bạn cần phải cân bằng giữa việc học trên giảng đường và học ngoài đời.

Những trung tâm giới thiệu việc làm part-time cho sinh viên

Tại TP.HCM, SV có nhu cầu làm thêm, có thể liên hệ với các trung tâm sau:

– Trung tâm Hỗ trợ SV TPHCM:
Địa chỉ: 643 Điện Biên Phủ, Q.3

– Trung tâm GTVL Thanh Niên:
Địa chỉ: 4A Phạm Ngọc Thạch, Q.1

– Trung tâm GTVL TP.HCM:

Địa chỉ: 153 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.27, Q.Bình Thạnh

– Trung tâm Dạy nghề – Tư vấn Việc làm Thanh Niên:
Địa chỉ: 145 Pasteur, P.6, Q.3

– Trung tâm GTVL KCX – KCN TP.HCM (Hepza):

Địa chỉ: 35 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1.

– Trung tâm DVVL Vinhempich:
Địa chỉ: 189 Nguyễn Oanh, Q. Gò Vấp.

– Trung tâm DVVL SVHS (Profec):
Địa chỉ: 17 Phạm Ngọc Thạch, Q.3.

– Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Kinh tế và Cung ứng lao động Q.5:
Địa chỉ: 462 – 464 An Dương Vương, Q.5.

– Trung tâm Hỗ trợ SV ĐH DL Kỹ thuật Công nghệ:
Địa chỉ: 144/24 Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh.

Nguyễn Trọng tổng hợp

(Bài viết này nằm trong loạt bài Sinh viên và những công việc nên làm trong kì nghỉ hè. Xem thêm: Phần 2: Học kỹ năng mềm cho sự thành đạt trong tương lai)

Cùng chuyên mục