Suy giảm trí nhớ, hay quên là chứng thường xuất hiện ở người già nhưng hiện nay nhiều người trẻ cũng gặp phải.
Rắc rối do hay quên
Chị N.T.P. (23 tuổi, Q.Phú Nhuận) kể 17g chị và bạn hẹn nhau buổi tối đi chơi, 19g bạn chị sẽ qua nhà đón chị. Thế nhưng khi bạn qua, gọi báo đến rồi thì chị ngớ người ra. Khi bạn chị nói đang chờ chị dưới nhà, chị vẫn chưa nhớ ra là có hẹn, chị thảng thốt: “Vậy hả, có hẹn hả”, rồi mới vội vàng sửa soạn để xuống.
Một lần khác, đồng nghiệp có nhờ chị mua cà phê khi chị đi ăn trưa. Lúc chị về, đồng nghiệp hỏi có mua được cà phê không thì chị ngơ ngác: “Đâu mua cà phê gì đâu”. Đến lúc đồng nghiệp nhắc, chị vẫn còn ngơ ngác một lúc mới nhớ.
“Thỉnh thoảng, việc tôi vừa làm 5 phút trước nhưng tôi cũng không nhớ. Nhiều khi còn quên cả công việc định làm”, chị P. bộc bạch.
Trong khi đó, chị Hoa (32 tuổi, nhân viên văn phòng) nói chị gặp phải khá nhiều rắc rối vì tật hay quên việc. Đã vài lần chị quên gửi email nội dung công việc cho sếp nên bị nhắc nhở không tập trung làm việc. Có lần chị phải làm về muộn, gọi chồng đón con ở trường mẫu giáo. Lúc về, chị không nhớ chồng chị đã đón nên chạy qua trường con, đến nơi thấy trường vắng chị mới nhớ ra.
Do stress, “bội thực” thông tin
Theo PGS.TS.BS Vũ Anh Nhị, đặc điểm lâm sàng của chứng hay quên ở người trẻ là quên một thời gian, sau đó nhớ lại, có thể thời gian ngắn dài khác nhau, còn người già quên thì không nhớ lại. Một số người trẻ mắc chứng hay quên thường than phiền đau đầu, chóng mặt, stress, năng lực làm việc kém.
Bác sĩ Nhị cho biết có hai dạng quên thường gặp, một là xuất hiện đơn thuần các triệu chứng quên, suy giảm trí nhớ; hai là nằm trong các triệu chứng bệnh lý như đau đầu, mất ngủ, rối loạn tâm thần, trầm cảm, lo âu.
Bác sĩ Nhị lý giải có nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng hay quên. Về thống kê, chủ yếu do thiếu tập trung, thiếu chú ý, có thể tiếp cận nhanh nhưng sau đó quên do stress về tâm lý, áp lực căng thẳng. Về bệnh lý, những bệnh gây nên chứng quên thường gặp như đau đầu kéo dài, mất ngủ, suy nhược thần kinh, có vấn đề trầm cảm, lo âu….
Ước tính các bệnh do rối loạn cảm xúc (lo âu) chiếm đến 36% dân số, người trẻ trưởng thành quên do mất ngủ chiếm 30% dân số, do đau đầu chiếm 15%.
“Chứng hay quên ở người trẻ thường gặp có nhiều dạng. Hội chứng quên khỏa lấp do tập trung vào công việc khác rồi quên một vài việc nhỏ cần làm, ví dụ như quên mũ bảo hiểm, quên chìa khóa… Tình trạng này không đáng lo, chỉ cần rèn luyện sự tập trung, chú ý. Hội chứng quên choáng ngợp do nhiều việc chằng chịt. Hội chứng quên bẩm sinh do cấu trúc não, trường hợp này thường quên ngắn hạn và có thể nhớ lại”. – PGS.TS.BSVŨ ANH NHỊ
Bác sĩ Nhị cho biết sớm nhất là ở độ tuổi 40-45, nhiều người bắt đầu thoái hóa não và có hiện tượng sa sút trí tuệ (bệnh Alzheimer). Khoảng độ tuổi 50, nội tiết tố suy giảm dẫn đến các chức năng suy giảm, trong đó có suy giảm về trí nhớ.
Tuy nhiên, ở độ tuổi từ 30-50 lại thường gặp stress nên dễ ảnh hưởng tâm trí. Bác sĩ Nhị cho biết tỉ lệ phụ nữ gặp phải các bệnh lý về tâm lý, tâm thần nhiều gấp đôi nam giới.
Một nguyên nhân khác, theo GS.TS tâm lý Vũ Gia Hiền, tình trạng người trẻ thường mau quên, đãng trí một phần do họ phải tiếp nhận quá nhiều thông tin trong cuộc sống bận rộn (học tập, việc làm, Internet…). Hiện tượng này gọi là “bội thực thông tin”.
Nên đọc 1-2 tờ báo mỗi ngày
“Để hạn chế chứng quên, cần có tâm lý trị liệu, mỗi người phải vượt qua được áp lực, tránh stress tâm lý. Khi thấy có triệu chứng quên hay các bệnh lý mất ngủ kéo dài, đau đầu… cần khám và chữa trị sớm. Nếu cần thiết có thể bổ sung các yếu tố vi lượng như magie, magie-B6, các thành phẩm của glutaminol”- bác sĩ Nhị lưu ý.
Bên cạnh đó, GS.TS Vũ Gia Hiền cũng tư vấn các bạn trẻ có thể sử dụng bộ nhớ phụ bằng cách tạo thói quen có sổ tay ghi chép kế hoạch làm việc rõ ràng. Điều này khiến chúng ta không cần nhớ quá nhiều việc lặt vặt trong cuộc sống, chỉ tập trung ghi nhớ những thứ thực sự quan trọng.
Một trong những cách nuôi dưỡng năng lượng tinh thần và cải thiện trí nhớ là luyện tập thể thao. Trong đó, thiền định được xem là phương pháp hiệu quả và dễ thực hiện nhất. Mỗi ngày, chúng ta nên dành ra một khoảng thời gian thả lỏng hoàn toàn cơ thể, loại bỏ mọi suy nghĩ trong đầu, hít thở sâu và cảm nhận một không gian tĩnh tạo.
Nhiều người có thói quen đọc hàng chục tờ báo một ngày để cập nhật thông tin, thậm chí là tiêu tốn hàng giờ để sử dụng mạng xã hội.
“Mỗi người nên chọn cho mình 1 hoặc 2 tờ báo tin tưởng, yêu thích, tránh tiếp thu quá nhiều thông tin và ngồi hàng giờ trên máy tính. Ngoài ra, giấc ngủ sâu từ 6-8 tiếng/ngày sẽ giúp đầu óc minh mẫn, tăng khả năng tập trung và hạn chế việc mau quên, đãng trí”, GS.TS Vũ Gia Hiền khuyến cáo.
Theo: NGỌC LOAN – MINH HUYỀN (Sống khỏe/TTO)
Vận động và thách thức não bộ bằng cách học các kỹ năng mới, giải câu đố hay ô chữ, thậm chí học một ngôn ngữ mới… đều là những biện pháp hấp dẫn.
Những phương pháp luyện não mới dựa vào nghiên cứu mới nhất giúp chúng ta có thể tăng cường năng lực của mình: xây dựng bộ nhớ và phát triển khả năng sáng tạo.