Chọn ngành nghề theo sở thích

(Hiếu học). Mùa thi ĐH, CĐ sắp bắt đầu. Tâm lý trường nào thấp điểm sẽ thi để cốt sao được đi học là suy nghĩ sai lầm của nhiều học sinh hiện nay. Chọn ngành mình yêu thích và phù hợp với tính cách là những điều quan trọng đưa đến quyết định cuối cùng.

Người học nên chọn ngành nghể theo sở thích

Chọn ngành theo… khối thi

Đây chính là sai lầm phổ biến hiện nay của các em học sinh trước ngưỡng cửa vào các trường CĐ, ĐH. Nhiều em chọn trường thi dựa vào khối thi của mình chứ chưa dựa vào sở thích, đam mê nghề đó. Từ đó dẫn đến việc nhiều học sinh nhắm mắt chọn ngành đăng ký thi, nhất là với những khối thi ngành xã hội.

Chị Nguyễn Lâm Thúy – chuyên gia tư vấn, GĐ mạng việc làm 116.com – khuyên: Khi chọn nghề các em phải hiểu nghề, hiểu mình có thích nghề đó không. Khi đã chọn được nghề rồi thì sau này cần kiểm chứng thực tế và xây dựng mục tiêu nghề nghiệp. Ví dụ với những ai chọn nghề dược, người đó cần có khả năng tư duy logic, tính toán, yêu thiên nhiên, đôi tay nhạy cảm, định lượng chuẩn. Với ngành luật thì cần khả năng diễn đạt trôi chảy, dễ hiểu, có khả năng kiềm chế, tự chủ được bản thân, khả năng tư duy logic.

Tuy nhiên, không nhiều em hiểu được nguyên tắc chọn trường, chọn ngành thi như vậy. Nhiều em hiện chỉ muốn thi vào trường nào thấp điểm, vừa với sức mình, chứ chưa có ý thức chọn nghề theo khả năng và sở thích, tính cách. Điều này khiến nhiều sinh viên sau này ra trường làm việc trái ngành hoặc làm đúng ngành nhưng không đam mê. Nguyễn Thị Huyền – SV khoa báo chí K25 (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) sau khi học xong chuyên ngành báo in ra trường chẳng hề có niềm đam mê nào với nghề báo và chuyển dọc sang làm… công an ở bộ phận tuyên truyền. Huyền cho biết, ngày trước đăng ký thi ĐH dựa vào khối thi, chứ không hẳn yêu nghề báo.

Nộp hồ sơ vài trường, sau khi phân vân trường nào có điểm chuẩn các năm trước vừa với sức học của mình, Huyền đã chọn trường báo. Theo tiến sĩ Nguyễn Lê Minh – chuyên gia tư vấn việc làm – cho rằng, việc học sinh học lên cấp III mà không xác định được nghề nghiệp sau này thì thật sự nguy hiểm. Điều này chẳng khác nào đánh cược với canh bạc cuộc đời mà không có sự chuẩn bị gì.

ĐH cũng là học nghề

Tâm lý sính bằng cấp đang khiến nhiều học sinh và gia đình có áp lực phải vào ĐH bằng được. Suy nghĩ đó đã ăn sâu vào nếp nghĩ của học sinh và phụ huynh nhiều năm qua. Vì thế, nhiều phụ huynh vẫn gây áp lực lên học sinh là phải thi ĐH, không được công lập thì dân lập. Điều này khiến cho thị trường lao động mất cân đối: Thừa thầy, thiếu thợ. Tuy vậy, tiến sĩ Nguyễn Lê Minh cho rằng, hiện tại VN thiếu cả thầy, thiếu cả thợ bởi thầy – những cử nhân ĐH – khi ra trường vẫn chưa đủ trình độ, yếu về nhiều mặt.

Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó GĐ Sở LĐTBXH TP.Hà Nội – cho biết: “Học gì cũng là học nghề, nhưng có nhiều nghề không cần phải học lâu. Cái khôn của người học là chọn nghề học làm sao nhanh nhất, ít tốn kém nhất mà vẫn ra nghề mình yêu thích. Vì thế không nên coi nặng việc phải học ĐH”. Hiện tại, việc chọn học nghề tại các trường CĐ nghề, TC nghề là hướng đi đúng đắn với những em không có khả năng vào được ĐH do sức học yếu. Trong thời gian tới, việc học nghề được liên thông lên ĐH sẽ tạo thêm cơ hội cho người học được học ở trình độ cao hơn.

Theo: Chọn nghề theo sở thích. (Đàm Anh/LDO)

Bài liên quan

Có nghề trước đã, hạnh phúc để mai tính!

(hieuhoc_hieuhoc.com). Thay đổi thế giới ngày mai sao? Ừ, để mai tính! Còn bây giờ, hãy tùy vào hoàn cảnh của mỗi người mà xác định mục tiêu cụ thể, thiết thực nhất để có thể thích ứng với cuộc đời. Dù là nam hay nữ, có nghề trước đã, hạnh phúc để mai tính.   

Cùng chuyên mục