Ngành có tiềm năng nhưng không tuyển được sinh viên.

(Hiếu học). Một số ngành nghề có tiềm năng phát triển và xã hội rất cần nhưng những năm gần đây tuyển sinh vẫn rất khó. Thực trạng này xảy ra ở nhiều trường ĐH, CĐ, thậm chí do không tuyển được sinh viên nên nhiều ngành có nguy cơ phải đóng cửa.

Nhiều ngành nghề có tiềm năng nhưng không tuyển được sinh viên vì thí sinh không hiểu đúng ngành nghề. (Ảnh minh họa)

* Theo bà Trần Thị Thanh, Trưởng Khoa Cơ khí Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, thí sinh cứ nghĩ ngành cơ khí, nông lâm là phải cày cấy, tiếp xúc với máy móc, điều kiện làm việc vất vả, lương thấp nên nhiều em tránh. Tuy nhiên, thực tế là những sinh viên tốt nghiệp ngành cơ khí đa số có việc làm ổn định.“Cần phải hiểu đúng hơn về các ngành nghề trước khi đăng ký dự thi” – bà Trần ThịThanh nhắn nhủ.

Tại Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, một số ngành như cơ khí nông lâm, lâm nghiệp, cơ khí chế biến bảo quản nông sản thực phẩm… cũng rất ít được thí sinh quan tâm nên thường phải tuyển NV2, NV3 mới đủ chỉ tiêu.

Ngoài ra, Chương trình tiên tiến ngành thú y mới được tuyển năm 2010, chỉ tiêu 50. Chương trình được thiết kế trên cơ sở chương trình của trường đối tác là ĐH Queensland, Úc. Trong quá trình đào tạo, sinh viên có cơ hội tham gia các đợt thực tập ngắn hạn ở nước ngoài. Đối tượng tuyển sinh là thí sinh trúng tuyển vào trường hoặc các trường khác có nhóm ngành phù hợp với ngành thú y (nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2), đáp ứng được trình độ tiếng Anh (TOEFL 450, IELTS 5.0 hoặc tương đương). Dự kiến mức học phí trung bình 12 triệu đồng/năm. Sinh viên tốt nghiệp được cấp bằng bác sĩ chương trình tiên tiến ngành thú y của trường và xác nhận của ĐH Queensland.

* Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cho biết những năm gần đây thí sinh đổ dồn vào các ngành điện, điện tử, công nghệ thông tin, xây dựng trong khi các ngành được đánh giá nhu cầu xã hội rất cần như công nghệ môi trường, công nghệ thực phẩm, kỹ thuật nhiệt – điện lạnh, kỹ thuật công nghiệp lại khó khăn trong tuyển sinh. Hằng năm, các ngành trên có ít hồ sơ đăng ký và trường đều phải tuyển NV2 mới đủ chỉ tiêu và điểm chuẩn thường chỉ cao hơn điểm sàn 1-2 điểm. Trong khi đó, sinh viên các ngành này ra trường đều có việc làm ngay. Ông cũng cho rằng thí sinh cần tìm hiểu thông tin chuẩn đầu ra của các trường để hình dung khả năng việc làm, nhu cầu nhân lực… nhằm hiểu rõ hơn về các ngành nghề hiện nay. Thí sinh không nên dựa vào những định hướng thiếu cơ sở hoặc ý nguyện của gia đình khi đăng ký dự thi ĐH, CĐ.

* Theo ông Nguyễn Văn Thư (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM) cho biết: TPHCM đang khởi công công trình đường sắt metro nhưng hiện nay tại TPHCM chưa có một kỹ sư nào về lĩnh vực này. Theo ban quản lý công trình, mỗi năm cần phải đào tạo 200 kỹ sư mới đáp ứng được nhu cầu thực tế. Do đó, 2 năm nay, Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM mở ngành xây dựng đường sắt metro để đào tạo nhưng việc tuyển sinh rất khó khăn. Theo ông Thư, phải dựa vào xét tuyển nguyện vọng (NV) 2, trường mới tuyển được 60 chỉ tiêu dù điểm chuẩn chỉ bằng điểm sàn.

Ngoài ra, ngành quản trị logistic cũng là một ngành rất cần thiết trong quá trình phát triển kinh tế, hội nhập thế giới, là cách tiếp cận hiện đại kết nối giao thương hàng hóa, vận chuyển hàng hóa. Đây là một ngành học dễ có cơ hội tìm việc làm. Tuy nhiên, ông Thư cho biết ngành học này hằng năm nhận được ít hồ sơ. Bên cạnh đó, ngành công trình thủy cũng là một ngành rất cần thiết ở bất kỳ huyện, xã nào nhưng việc tuyển sinh cũng hết sức khó khăn. “Có thể đây là những ngành có tên không “hot” nên khó thu hút thí sinh”- ông Nguyễn Văn Thư nhận định.

* Ông Nguyễn Ngọc Tân, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính – Marketing cho biết 2 chuyên ngành tin học ứng dụng trong kinh doanh, tin học ứng dụng trong thương mại điện tử những năm qua ít thu hút thí sinh hơn các ngành học khác dù đây là những lĩnh vực rất cần thiết đối với các doanh nghiệp hiện nay và cơ hội tìm việc làm rất cao.


* Thạc sĩ Trịnh Minh Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho biết các ngành học như bảo hộ lao động, quan hệ lao động, xã hội học, quản lý đô thị… hiện nay nhu cầu xã hội rất cao nhưng rất ít thí sinh đăng ký dự thi.


Đối với ngành bảo hộ lao động, các doanh nghiệp đang rất cần nên lượng sinh viên ra trường không đủ cung cấp cho nhu cầu thực tế. Tương tự, ngành quan hệ lao động cũng đang có nhu cầu cao, trường sẽ giới thiệu việc làm khi sinh viên ra trường…


Trong năm 2010, trường dự kiến mở rộng khối thi nhằm thu hút thêm thí sinh. Ngành quy hoạch đô thị tuyển thêm khối V, bên cạnh khối A như năm trước. Ngành xã hội học tuyển thêm khối A, bên cạnh khối C, D1 như mọi năm. Ngành công nghệ sinh học tuyển thêm khối A, quy hoạch đô thị tuyển thêm khối V…

* ĐH Nguyễn Trãi mở ngành đào tạo quốc tế Tài chính Ngân hàng

PGS.TS Trần Trọng Hanh, Hiệu trưởng trường ĐH Nguyễn Trãi cho biết: “Năm 2010, trường dự kiến tuyển khoảng 1050 chỉ tiêu, trong đó hệ đại học 700, cao đẳng 200 và 150 chỉ tiêu đào tạo quốc tế với ngành Tài chính – Ngân hàng”.

PGS.TS Trần Trọng Hanh cho biết: “Hiện nay trường đào tạo 6 chuyên ngành hệ đại học gồm: Kinh tế, Quản trị Kinh doanh, Tài chính Ngân hàng, Kế toán, Kiến trúc và Mỹ thuật công nghiệp. Trường đang trình Bộ duyệt mở thêm 2 ngành đào tạo hệ đại học là Xây dựng dân dụng công nghiệp và ngành Kỹ thuật môi trường, là các ngành mà thị trường lao động đang có nhu cầu, nếu được trường sẽ tuyển sinh ngay trong năm 2010 này”.

Đặc biệt, ĐH Nguyễn Trãi vừa được Bộ GD-ĐT cho phép năm 2010 đào tạo 150 chỉ tiêu đào tạo quốc tế với chuyên ngành Tài chính – Ngân hàng. Đây là chương trình hợp tác quốc tế với trường ĐH Sunderland, Vương Quốc Anh. Chương trình hoàn toàn do giáo sư người nước ngoài đến dạy theo chương trình tiến tiến. Đối với hệ Cao đẳng, trường đào tạo 4 nghề gồm: Quản trị mạng máy tính, Kế toán doanh nghiệp, Lập trình máy tính và Dịch vụ nhà hàng.

Tuấn Phong tổng hợp/(hieuhoc_hieuhoc.com).

Bài liên quan:

Làm thế nào để “tự” hướng nghiệp-chọn nghề. Chọn nghề, điều quan trọng nhất của cuộc đời.

Tôi học ngành-nghề gì? Tuyển sinh năm 2010: Thêm nhiều cơ hội chọn ngành học.

Những ngành nghề dễ tìm việc và có giá trong tương lai. Dự báo 10 nhóm ngành nghề hút nhân lực năm 2010.

Chọn nghề phù hợp đúng sở trường, dễ Lập thân. Chọn trường đăng ký dự thi: Nên chọn ngành nghề phù hợp.

Luôn có một nghề dành cho bạn, để bạn vững bước vào đời! Nếu con đường bạn sẽ đi, không mang tên Đại Học.

Cùng chuyên mục