Kế hoạch đào tạo tiến sĩ

(Hiếu học) Ngày 28-12, Bộ GD-ĐT cho biết đã yêu cầu các trường báo cáo kế hoạch đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ. Theo đó, việc đào tạo tiến sĩ là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết đối với các cơ sở giáo dục ĐH nhằm tăng cường chất lượng và năng lực đội ngũ giảng viên, qua đó nâng cao chất lượng đào tạo.

Các trường ĐH, CĐ phải khẩn trương phổ biến đề án đào tạo tiến sĩ đến tất cả các giảng viên để mỗi người có kế hoạch đăng ký đi đào tạo. Trên cơ sở thống kê đội ngũ giảng viên, các trường phải lập báo cáo kế hoạch đào tạo giảng viên của nhà trường theo các giai đoạn2011 – 2012, 2013 – 2020. Trong đó, chú trọng việc cử giảng viên đi đào tạo tiến sĩ theo nhóm trong từng lĩnh vực, ngành chuyên môn.

Viết một luận án là mục tiêu của hàng ngàn nghiên cứu sinh mỗi năm để đạt được học vị tiến sĩ. (Ảnh minh họa).

Thiếu kinh phí cho nghiên cứu khoa học

Ngày 24-12, tại hội nghị thường niên 2010 của Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM, lãnh đạo nhà trường nhận định khó khăn nhất hiện nay là vấn đề tuyển sinh ở bậc đào tạo tiến sĩ.

Mỗi năm ĐHQG TP.HCM chuyển giao công nghệ khoảng 100 tỉ đồng nhưng theo đánh giá của ĐH này, con số này chưa tương xứng với thế mạnh của mình.

Theo đánh giá, giảng viên ĐHQG TP.HCM vẫn chưa thật sự mặn mà với công tác nghiên cứu khoa học, thậm chí TS Vũ Đình Thành – hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa – còn nhấn mạnh những người nghiên cứu khoa học là những người “dũng cảm”. Theo ông Thành, cơ chế quản lý việc nghiên cứu khoa học còn quá nặng về thủ tục hành chính nên chưa khuyến khích được giảng viên tham gia. Ngoài ra, khối lượng công việc giảng dạy của giảng viên quá nhiều làm hạn chế việc nghiên cứu. Muốn giải bài toán này phải tăng cường đội ngũ giảng viên. Nhưng với thực trạng khó khăn về kinh phí như hiện nay, các trường rất khó giữ chân họ tham gia nghiên cứu.

PGS.TS Hoàng Dũng – trưởng ban khoa học công nghệ ĐHQG TP.HCM – chia sẻ việc thiếu kinh phí là nguyên nhân hàng đầu khiến giảng viên chưa mặn mà nghiên cứu khoa học. Hiện kinh phí Nhà nước cấp chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu, phần còn lại ĐHQG phải tìm từ nguồn khác. Ngoài ra, thiếu phòng thí nghiệm, thiếu trang thiết bị, khối lượng giảng dạy của giảng viên quá nhiều… là những nguyên nhân khiến việc nghiên cứu khoa học chưa thu hút được giảng viên.

TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM, cho biết, ĐHQG hằng năm tuyển không đủ chỉ tiêu nghiên cứu sinh. Nếu năm 2008 có 80 chỉ tiêu hệ này thì năm 2010 tăng lên 180 chỉ tiêu, nhưng không năm nào tuyển đủ. Các khối ngành Kinh tế, Khoa học xã hội và Nhân văn luôn ổn định đầu vào, nhưng khối ngành Kỹ thuật công nghệ và Khoa học tự nhiên luôn thiếu, như tại trường ĐH Bách khoa hiện chỉ có 14/42 chuyên ngành tuyển sinh được.

Sắp tới, ĐHQG sẽ triển khai đại trà việc xét tuyển nghiên cứu sinh thay vì phải thi như trước kia. Đồng thời, sẽ đảm bảo về mặt tài chính để nghiên cứu sinh có thể yên tâm tập trung toàn thời gian cho nghiên cứu thay vì vừa làm vừa học như trước nay. (Đại biểu đóng góp ý kiến tại Hội nghị thường niên của ĐHQG TP.HCM diễn ra sáng 24.12).

Có giáo sư mới được đào tạo tiến sĩ

Bộ GD-ĐT cũng đã ban hành quy định điều kiện, hồ sơ, quy trình cho phép đào tạo, đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định cho phép đào tạo các ngành hoặc chuyên ngành trình độ thạc sĩ, tiến sĩ

Theo đó, để được đào tạo tiến sĩ, cơ sở đào tạo cần có ít nhất 1 giáo sư hoặc phó giáo sư và 4 tiến sĩ cùng ngành là cán bộ cơ hữu, trong đó có 3 người cùng chuyên ngành đề nghị cho phép đào tạo. Về trình độ thạc sĩ, cơ sở phải có ít nhất 5 giảng viên cơ hữu có bằng tiến sĩ cùng ngành, trong đó có ít nhất 3 người cùng chuyên ngành.

Cũng theo quy định này, các cơ sở đào tạo sẽ bị đình chỉ tuyển sinh ngành hoặc chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ nếu không tuyển sinh được trong 3 năm liên tiếp, tổ chức tuyển sinh và đào tạo ngoài địa điểm đã được phép đào tạo. Bộ GD-ĐT sẽ thu hồi quyết định cho phép đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ nếu các trường có hành vi gian lận để được phép đào tạo hoặc không đạt tiêu chuẩn tại các kỳ kiểm định chất lượng về cơ sở, chương trình đào tạo theo quy định.

Được biết, để thực hiện mục tiêu đào tạo 20.000 tiến sĩ vào năm 2010, sự kiến năm 2011 tuyển mới đào tạo tiến sĩ tăng 15%, đào tạo thạc sĩ tăng 10% so với năm 2010.

Ngân Hằng tổng hợp (hieuhoc_hieuhoc.com)

Bài liên quan

Đào tạo nhân lực ngành Y - Dược

(Hiếu học). Đào tạo nhân lực ngành Y - Dược là công việc rất đặc biệt vì liên quan đến tính mạng con người. Vì thế, vấn đề đặt ra cho việc đào tạo nhân lực Y - Dược đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của xã hội đang ngày một cao là hết sức cần thiết và cấp bách.

Đào tạo nguồn lực khoa học và công nghệ

(Hiếu học) Tạo môi trường thuận lợi để chuyển giao công nghệ hiện đại và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn lực khoa học và công nghệ (KHCN) nước nhà, Việt Nam đã ký hiệp định hợp tác KHCN với hơn 50 quốc gia và tham gia hàng trăm tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực khoa học. 

Phát triển và xây dựng nguồn nhân lực ngành Vật lý

(Hiếu học) Tại Hội nghị Vật lý toàn quốc lần thứ VII tổ chức tại Hà Nội vào sáng 8/11/2010, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị ngành vật lý xây dựng một chiến lược phát triển - đào tạo nguồn nhân lực ngành Vật lý và có chính sách đãi ngộ đối với sinh viên học ngành này. 

Cùng chuyên mục