Để đạt điểm cao ở khối B.

(hieuhoc_hieuhoc.com) Để đạt điểm cao ở khối B trước hết phải nắm được những kiến thức cơ bản, hệ thống kiến thức từng môn và lấy đó làm “nguyên liệu” để giải toán. Học nhẹ nhàng, thoải mái và có hệ thống là bí quyết đạt điểm cao của Bùi Thị Song Hạnh (ảnh), thủ khoa Trường ĐH Y dược TP.HCM năm 2009.

Cô sinh viên năm nhất ngành bác sĩ đa khoa cho rằng để đạt điểm cao ở khối B trước hết phải nắm được những kiến thức cơ bản và lấy đó làm “nguyên liệu” để giải toán. Và Hạnh cũng “bật mí” bạn đã ôn thi ở mỗi môn như sau:

Toán: ôn theo dạng đề

Đối với môn toán, mình ôn theo từng dạng đề bởi cấu trúc đề thi có nhiều câu nhưng đều theo những dạng đề nhất định. Mình cũng phác thảo từng dạng đề ấy theo dạng hình cây gồm nhánh là những bài nhỏ. Sau khi làm thật kỹ từng bài nhỏ xong rồi làm bài tổng hợp của dạng đó để làm quen với cấu trúc đề. Khi học theo cách này, mình nắm được nhiều công thức trong mỗi dạng đề. Một cách để nhớ mau, nhớ lâu các công thức là sau mỗi bài học mình làm bài tập và áp dụng công thức ấy ngay.

Bên cạnh đó, ở mỗi chương, mình sẽ làm một bài tập tổng hợp để nắm vững lý thuyết của chương ấy. Để dễ nhớ và tránh bị nhầm lẫn các công thức, sau mỗi bài học mình sẽ ôn luyện luôn chứ không để cuối chương mới quay lại bài tập ấy. Điều nữa là trước khi học một bài nào đó, mình thường tìm hiểu trước và làm những bài tập ví dụ đơn giản để quen với cách làm và nhớ công thức rồi mới bắt đầu làm những bài tập nâng cao. Theo mình, ở môn này, giải nhiều bài tập bạn sẽ nâng “trực giác” của mình lên trong việc nhận ra các dạng toán, điều rất quan trọng trong kỳ thi.

Hóa: nắm tính chất đặc trưng của mỗi nguyên tố

Đa số lý thuyết của môn hóa học đều liên quan đến phương trình phản ứng. Khi học về một nguyên tố nào đó, Hạnh nắm phương trình phản ứng đó và “xào đi xào lại” thật nhiều. Ở môn này, các hữu cơ được chia ra từng nhóm, mỗi nhóm thường có những phản ứng đặc trưng nên Hạnh bám vào đặc trưng đó học cho dễ nhớ.

Cũng tương tự như thế, mỗi nguyên tố thường có nhiều tính chất nhưng trong đó sẽ có một tính chất đặc trưng nhất của nguyên tố đó. Ở mỗi chương, Hạnh tổng hợp lại những phương trình phản ứng, các tính chất hóa học đặc trưng để tránh nhầm lẫn giữa các nhóm, các nguyên tố. Thi ĐH luôn đòi hỏi cao hơn thi tốt nghiệp THPT nên trường hợp đặc biệt của các nguyên tố, các nhóm cũng rất đáng lưu tâm.

Hóa học là môn thi trắc nghiệm, nhưng Hạnh không nôn nóng làm bài trắc nghiệm ngay khi vừa học xong phần lý thuyết mà giải theo tự luận trước bởi trắc nghiệm chỉ là một phần nhỏ của kiến thức, còn tự luận sẽ bao quát hơn. Làm như thế mình sẽ hạn chế “sập bẫy” khi thi trắc nghiệm.

Sinh: hiểu các khái niệm

Việc hiểu được các khái niệm của môn sinh rất quan trọng để làm bài thi môn này. Để hệ thống bài học môn sinh, sau mỗi bài học đều có những câu hỏi, bài tập liên quan đến bài này Hạnh làm ngay và soạn ra những câu trả lời ra một cuộn tập riêng. Với việc trả lời, giải những câu hỏi bài tập phía sau mỗi bài sẽ làm mình nhớ ngay bài vừa học. Cuối cùng, sau mỗi chương Hạnh soạn lại những kiến thức ấy và chú ý xem những kiến thức nào có thể liên hệ được cho dễ nhớ hay không. Qua đó, Hạnh sẽ nắm được khái quát kiến thức của toàn bộ chương trình, của từng phần, từng chương và so sánh với nhau nếu có thể. Về bài tập, môn sinh không quá nhiều nhưng mình cũng phải làm nhiều để làm quen và tập sự phản xạ.

Về phương pháp làm bài thi ba môn nói trên, khi nhận đề Hạnh đọc lướt qua tất cả các câu và làmnhững câu dễ “ăn” điểm trước. Thường thì bao giờ trong đề thi cũng có một câu tương đối khó, khi đã chắc chắn hết những câu khác mới nên làm câu này. Những câu khó nên để làm cuối cùng. Khi làm bài thi, mình luôn nhớ phải trình bày thật cẩn thận, nhớ từng chi tiết cho thật đầy đủ, mất một chi tiết sẽ mất điểm nên sẽ thật lãng phí. Ở môn toán, trong khi làm bài, nếu vận dụng công thức nào để làm thì các bạn nên dẫn công thức ấy ngay trong bài thi.

Theo “Khối B: hệ thống kiến thức từng môn”. (Áo Trắng/TTO)

Bài liên quan

Cẩm nang học thi Đại học: Học có hệ thống.

(hieuhoc_hieuhoc.com). Phải chịu áp lực đậu Đại học rất lớn là điều khó tránh khỏi. Bởi đầu vào Đại học quá hẹp, trong khi số học sinh dự tuyển lại quá nhiều, buộc các bạn phải phấn đấu, cố gắng hơn người. Tuy vậy, không chỉ cố gắng là đủ, các bạn phải học có phương pháp, có thời khóa biểu rõ ràng, và quan trọng nhất là phải học đều trong cả năm học cuối cấp này.

Ngành Công nghệ Hóa - Thực phẩm – Sinh học.

(Hiếu học). Muốn tìm hiểu kỹ về ngành công nghệ thực phẩm, xin hỏi ngành công nghệ thực phẩm đào tạo những gì? Thực tập ra sao? Ngành này có đòi hỏi phải có sức khỏe tốt hay không? Sau khi ra trường có thể đảm nhận những công việc gì và cơ hội việc làm có cao hay không?

Tiềm năng Ngành Dược.

(Hiếu học). Để nhanh chóng khắc phục tình trạng thiếu trầm trọng lực lượng dược sĩ cũng như chất lượng đào tạo. Chính phủ và Bộ Y tế đã không ngừng xây dựng các văn bản pháp quy, khung pháp lý hỗ trợ cho công tác đào tạo và hành nghề của khối cán bộ y dược. Với sự hỗ trợ của Chính phủ Hà Lan, 6 trường đào tạo Dược của nước ta được tham gia dự án "Nâng cao chất lượng đào tạo dược sỹ lâm sàng tại Việt Nam để đáp ứng yêu cầu cấp thiết về sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả của cộng đồng" giai đoạn 2008 - 2012 với tổng kinh phí 2,2 triệu Euro.

Công nghệ Sinh học: Cơ hội nghề nghiệp.

(hieuhoc_hieuhoc.com). Công nghệ sinh học là bộ môn tổng hợp của các ngành khoa học và công nghệ như sinh học phân tử, di truyền học, vi sinh vật học, sinh hóa học... nhằm tạo ra các quy trình công nghệ khai thác ở quy mô công nghiệp các hoạt động sống của vi sinh vật, tế bào động - thực vật để sản xuất các sản phẩm có giá trị phục vụ đời sống, phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường.

Để đạt điểm cao khối A.

(hieuhoc_hieuhoc.com). Để đạt điểm cao khi thi khối A với cả 3 môn Toán – Lý – Hóa là mong muốn của tất cả các thí sinh. Sau đây là chia sẻ bí quyết của một thủ khoa 30 điểm khối A kỳ thi ĐH 2009. 

Cùng chuyên mục