Hãy thực tế khi chọn nghề để học.

(hieuhoc_hieuhoc.com) Thực tế khi chọn nghề để học là chọn ngành nghề mà năng lực của mình có thể đảm đương được và ngành học đó phải thực tiễn, có tính ứng dụng sát với yêu cầu xã hội.

Có bạn thi lần 2, lần 3, vẫn không thể nào đậu nổi… nhưng vẫn theo đuổi “đam mê” dù gia cảnh chẳng phải là khá giả… Ngược lại, có bạn cứ học đại, học mà không hiệu quả vì ngành học không phù hợp, phí uổng thời gian, tốn tiền ba mẹ, mà cũng chẳng được gì! Bạn cũng biết điều đó và băn khoăn – không biết nên chọn trường nào, ngành học gì cho mình?

- Làm sao tôi biết được đâu là con đường mình phải đi, tôi sẽ học ngành gì, làm nghề gì và làm thế nào để nhận biết đâu là lời khuyên chính đáng nhất?

Quyết định là ở nơi bạn, bạn chịu trách nhiệm về sự nghiệp và cuộc đời của mình, không thể ai khác. Sự yêu thích sẽ là động lực hổ trợ để bạn cố gắng theo đuổi một nghề nào đó, nhưng thành công chỉ đến khi bạn có đủ khả năng thực hiện nó. Bởi không đơn giản hể cứ có đam mê là “muốn trở thành gì gì…” cũng được!

Đánh giá chính xác khả năng bản thân để lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, chọn được ngành nghề mà năng lực của mình có thể đảm đương. Cũng có nghĩa là không tùy tiện đoán định bản thân học cái này không được, học cái kia cũng không được rồi chạy theo sự miêu tả, khuyến dụ của kẻ khác, hoặc tìm học theo sự tán thành của số đông. Vì thế, nếu biết chắc mình không đủ khả năng, bạn không nhất thiết phải học chuyên văn để chứng tỏ mình yêu quê hương, không hẳn cứ phải học ngành văn hóa mới là người có nhân cách hoàn hảo, cũng như không phải chỉ riêng có những người học ngành xã hội mới biết phục vụ cộng đồng (xã hội), bởi “giá trị sống” là cái có thể “tự học” suốt đời từ thực tế.

Lắng nghe những ý kiến của người khác là đúng nhưng bạn phải có chủ kiến, tự mình quyết định cho mình. Giả như bạn xem ngành khoa học xã hội chỉ là cái nền cơ bản cho mọi ngành học chuyên sâu khác thì cũng đừng sợ ai đó chê trách là thực dụng hay không thực dụng, mà là thực tế, ngành học đó có phù hợp với khả năng và hoàn cảnh của mình hay không? Nếu nhu cầu học chỉ để biết, để trang bị kiến thức thì bạn có thể học bất cứ gì bạn thích, nhưng nếu học một nghề để “kiếm sống” cho đàng hoàng thì ngành học đó phải thực tiễn, có tính ứng dụng sát yêu cầu xã hội và phù hợp khả năng của mình.

Tóm lại, xã hội với sự cạnh tranh ngày càng cao, nếu các bạn không lành nghề, sẽ không dễ tiến thân, nếu không muốn nói là “khó nhọc kiếm sống”. Mà một trong những nhân tố giúp cho bạn dễ dàng trở nên lành nghề là theo học nghề nào phù hợp với khả năng của mình nhất. Đó là biết nhìn vào thực tế bản thân khi chọn nghề để học. Vì vậy, nếu như buộc phải chọn giữa nghề nghiệp mà bạn “yêu thích” và nghề nghiệp phù hợp với “sở trường” thì bạn hãy ưu tiên chọn nghề mà mình có khả năng làm tốt nhất. Vả lại, có muốn yêu thích công việc nào đó lâu dài, hoặc muốn “nuôi dưỡng tình yêu đối với công việc” và nhiệt tình với nó để “mở lối thành công” chi chi… chăng nữa thì yêu cầu thực tiễn trước tiên là phải xem mình có khả năng học được và làm được công việc của nghề đó hay không đã.

Chúc bạn thành công

Gia Nghi (hieuhoc_hieuhoc.com)

Cùng chuyên mục