Lean Startup không chỉ mới, nó buộc nhiều người phải thay đổi tư duy về khởi nghiệp. Cách tiếp cận của khởi nghiệp tinh gọn không chỉ được áp dụng cho các công ty khởi nghiệp mà còn áp dụng cho cả việc triển khai các dự án mới. Có người còn cho rằng, cách tiếp cận của khởi nghiệp tinh gọn có thể áp dụng cho tất cả mọi thứ, kể cả trong cuộc sống cá nhân!
Phan Hoàng Lan, một trong số các tác giả chính của Đề án “Xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2020” chia sẻ với tôi rằng khi chị hỏi các startup xem họ đang ở giai đoạn phát triển nào thì nhiều người trong số họ trả lời rằng công ty đã có rất nhiều khách hàng và sắp chiếm lĩnh thị trường, chuẩn bị đến giai đoạn chào bán cổ phiếu ra công chúng đến nơi rồi trong khi các huấn luyện viên khởi nghiệp thì đánh giá rằng các startup này đang ở giai đoạn đầu tiên, mới có sản phẩm tối thiểu (minimum viable product) và số khách hàng hiện tại của họ…chưa ăn thua gì cả!
Tôi nhớ đến ví dụ này khi nhận được bài viết về thang đo mức độ sẵn sàng nhận đầu tư. Ít nhất, khi sử dụng thang đo này, startup có thể đánh giá được mình đang ở giai đoạn nào và thuyết phục nhà đầu tư ra sao. Từ trước đến nay, mỗi khi được hỏi về tiêu chí lựa chọn startup, các nhà đầu tư mạo hiểm thường đưa ra các yếu tố rất “trừu tượng” và rất khó định lượng như đội ngũ sáng lập có hoài bão không, sản phẩm gì đột phá, tiềm năng thị trường có lớn không. Thành ra, sự mơ hồ của các tiêu chí này khiến startup không dám đến gặp nhà đầu tư, hoặc ngược lại, quá “ảo tưởng sức mạnh”. Vì vậy, đưa ra một “thang đo” cụ thể tiềm năng của họ, chẳng phải là quá tốt hay sao?
Công cụ về thang đo mức độ sẵn sàng nhận đầu tư chỉ là một trong số nhiều công cụ khởi nghiệp đã được giới thiệu trên Tia Sáng. Tuy nhiên, mặc dù các công cụ để giới thiệu đều được lựa chọn để gắn liền với những vấn đề cấp bách nhất, phổ biến nhất của các công ty khởi nghiệp, dường như vẫn chưa làm các startup quan tâm. Khi gửi bài viết về các công cụ này, nhiều startup phản hồi là những công cụ này quá mới và ngần ngại áp dụng vì cho rằng nó mang tính lý thuyết, không thiết thực trong thực tế.
Có lẽ, không nhiều người biết rằng, những công cụ này thực chất được đúc rút từ thực tiễn khởi nghiệp của Steve Blank với 20 năm khởi nghiệp tám startup, trong đó có bốn startup đã trở thành công ty đại chúng. Chúng chính là sự cụ thể hóa của tinh thần khởi nghiệp tinh gọn – Lean Startup để startup áp dụng và tránh những “thất bại đau thương”, thay đổi “lời nguyền”: cứ 10 startup thì có chín cái thất bại. Lean Startup của Steve Blank đã trở thành một công thức mẫu mực trong khởi nghiệp, được giảng dạy trong những trường đại học về kinh doanh hàng đầu thế giới từ năm 2011.
Tinh thần của Lean Startup:
Lean Startup không chỉ mới, nó buộc nhiều người phải thay đổi tư duy về khởi nghiệp. Cho đến bây giờ, vẫn rất nhiều người nghĩ về khởi sự kinh doanh theo mô típ cũ, đó là: có một ý tưởng, viết một kế hoạch kinh doanh, xin tiền, kêu gọi một đội ngũ, xây dựng sản phẩm và cuối cùng là “điên cuồng” bán sản phẩm đó. Kết cục là, rất có thể, sau một thời gian dài “vật vã”, startup mới “ngớ ra”: sản phẩm họ đưa ra thị trường không phải là cái mà khách hàng thực sự cần.
Quan niệm “truyền thống” trên mặc định mô hình kinh doanh là bước đầu tiên phải xong xuôi trước khi khởi sự kinh doanh. Tuy nhiên, với Lean Startup, đó lại điều mà startup phải đi tìm trong suốt quá trình “vật lộn” của mình. Khởi nghiệp tinh gọn bắt đầu với công cụ Business Model Canvas (Mô hình kinh doanh canvas). Đây không phải là mô hình kinh doanh thông thường mà chỉ là các giả thiết mà một người khởi sự kinh doanh hình dung về công ty và sản phẩm của mình (Phục vụ cho phân khúc nào? Giá trị mang lại cho họ? Làm thế nào để thiết lập quan hệ với họ? Dòng tiền thu về bằng cách nào? Hoạt động trọng yếu nào? Những đối tác chính? Cơ cấu chi phí?) và quá trình họ kinh doanh cũng là quá trình họ kiểm nghiệm và chỉnh sửa những giả thuyết này. Hai doanh nghiệp mà Tia Sáng có điều kiện hỏi là Bếp Thế hệ xanh và Fargreen thì đều trả lời rằng họ áp dụng Business Model Canvas thường xuyên.
Vậy quá trình “vật lộn” đó diễn ra thế nào? Trước đây, tôi từng có dịp nói chuyện với một startup được cho là thành công trong chương trình Thung lũng Silicon Việt Nam (VSV) thì người sáng lập cho biết họ chỉ đưa sản phẩm ra thị trường khi nó “hoàn hảo”. Với tư duy này, startup ban đầu sẽ “đóng cửa then cài trong phòng” một thời gian dài cho đến khi rất ưng ý về sản phẩm rồi mới đem ra thị trường. Nhưng lúc đó, nếu khách hàng đón nhận thì may, còn nếu không thì công ty sẽ sụp đổ hoặc gần như sụp đổ. Lean Startup kêu gọi các nhà khởi nghiệp phải “xách ba lô lên và đi”, “ra khỏi phòng” từ những ngày đầu tiên, liên tục hỏi và trò chuyện các khách hàng, đối tác tiềm năng…để kiểm chứng các giả thuyết của mình xem có đúng không. Và để như vậy thì startup nói chung nên gạt bỏ nỗi lo sợ bị “ăn cắp” mất ý tưởng mà phải ưu tiên nhận phản hồi của khách hàng. (Vả lại, nói chung, ý tưởng thì có hàng ngàn cái giông giống nhau nhưng bí quyết của ý tưởng thành công nằm ở khâu thực hiện).
Theo khởi nghiệp tinh gọn thì dĩ nhiên, không có sản phẩm nào “hoàn hảo” ngay từ đầu cả mà startup ban đầu sẽ đưa ra một sản phẩm có tính năng tối thiểu, thử nghiệm ngay trong một nhóm khách hàng, nhận phản hồi và cải tiến. Sau khi cải tiến, sẽ lại tiếp tục đưa cho khách hàng, đối tác, nhận phải hồi và cải tiến tiếp…Đây là một quá trình liên tục mà nhiều người vẫn gọi là “fail fast, fail cheap” (thất bại nhanh, thất bại rẻ) thay vì một cú “rơi thẳng xuống vực” nếu theo cách làm cũ. Quy trình này lấy cảm hứng từ công cụ phát triển phần mềm agile (agile development) tránh tối đa những lãng phí về nguồn lực khi phát triển sản phẩm.
Công cụ không chỉ dành cho startup
Các công cụ sinh ra từ trào lưu khởi nghiệp tinh gọn thường tập trung vào cách thức đo lường, đánh giá khách hàng, làm thế nào để thu về các phản hồi nhanh nhất và sau đó là làm thế nào để phân tích và sử dụng các phản hồi này. Chẳng hạn, trong số này, thang đo mức độ sẵn sàng để đầu tư được phát triển dựa trên Business Model Canvas hướng dẫn những nhà khởi nghiệp sử dụng các số liệu, thông tin từ quá trình phát triển sản phẩm và phản hồi khách hàng để định vị bản thân và gặp gỡ các nhà đầu tư với những bằng chứng thuyết phục đi từ giả thuyết trong Business Model Canvas: Đây là điều chúng tôi nghĩ; Thử nghiệm: Đây là điều chúng tôi làm; Dữ liệu phản hồi từ khách hàng: Đây là điều chúng tôi học được; Hành động: Đây là cái chúng tôi sẽ làm tiếp theo.
Có một phản hồi khác của một nhà khởi nghiệp, thực ra cũng là suy nghĩ của tôi từ lâu, đó là đọc giả không có nhiều doanh nhân khởi nghiệp, nếu không cẩn thận thì rồi cũng như phát triển sản phẩm kiểu tư duy truyền thống: cứ cố viết cho hay, cố làm cho tốt nhưng rồi lại không phải là cái khách hàng cần. Tuy nhiên, cách tiếp cận của khởi nghiệp tinh gọn không chỉ được áp dụng cho các công ty khởi nghiệp mà còn áp dụng cho cả việc triển khai các dự án mới. Có người còn cho rằng, cách tiếp cận của khởi nghiệp tinh gọn có thể áp dụng cho tất cả mọi thứ, kể cả trong cuộc sống cá nhân!
Tinh thần của khởi nghiệp tinh gọn là làm thế nào để có thể nhận được phản hồi từ khách hàng và ngay lập tức quay trở lại để cập nhật sản phẩm. Một trong những tập đoàn lớn áp dụng khởi nghiệp tinh gọn thành công là General Electric (GE) với mong muốn tìm lại “vinh quang” cho ngành công nghiệp chế tạo của Mỹ, cạnh tranh trực tiếp với các “ngôi sao” trong ngành thiết bị điện gia dụng của Trung Quốc, Hàn Quốc, Mexico. Họ giảm thời gian nghiên cứu cho đến ra mắt sản phẩm từ ba năm sang còn từ 1-1.5 năm. Những người phát triển sản phẩm là một nhóm rất ít người và thay vì làm việc theo hình tháp kiểu truyền thống: từ yêu cầu của đội ngũ bán hàng – đội ngũ kỹ sư – đội ngũ thiết kế – đội ngũ sản xuất – đội ngũ bán hàng thì đội ngũ này sẽ ngồi cùng với đội ngũ bán hàng để liên tục lắng nghe phản hồi từ khách hàng (đây là một trải nghiệm “đau khổ” đối với các kỹ sư vì họ không muốn ai chê “đứa con” của mình) và sau đó cùng ngồi với đội ngũ thiết kế, sản xuất để thử sản phẩm, nắm rõ thông số và yêu cầu của đối tác…Trong một năm từ 2013-2014, GE đã hoàn thiện sản phẩm đầu tiên, nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng sau sáu phiên bản.
Lean Startup cũng được sử dụng để có thể thử nghiệm những ý tưởng xem chúng có thực sự viển vông hay không. Phương thức này cũng được áp dụng vào việc thương mại hóa các nghiên cứu cơ bản trong phòng thí nghiệm thông qua chương trình Innovation Corps của quỹ Khoa học quốc gia Mỹ – NSF. Ban đầu, họ lựa chọn 21 dự án tiềm năng với khoảng 63 nhà khoa học và các kỹ sư tham dự lớp học trong bảy tuần về các công cụ cơ bản như Business Model Canvas và Phát triển khách hàng trong Lean Startup của Steve Blank. Sau hai năm, Steve Blank tổng kết rằng, những nhà khoa học tham dự lớp của ông có khả năng gọi vốn cho dự án của mình cao hơn gấp ba lần so với những người khác. Innovation Corps hiện nay tuyển chọn 25 dự án cho mỗi quý.
Tuy nhiên, để một công ty áp dụng các công cụ của khởi nghiệp tinh gọn vào không phải là chuyện một sớm một chiều. Mặc dù được đúc kết từ thực tiễn nhưng khi đọc về các công cụ này, nhiều người vẫn thấy chúng mang tính lý thuyết. Ngay cả Business Model Canvas, mặc dù rất nhiều người biết nhưng chưa có ý thức vận dụng nó. Chị Lê Huỳnh Kim Ngân, người sáng lập website đầu tiên về khởi nghiệp ở Việt Nam Action.vn chia sẻ với tôi rằng, ban đầu quyển khởi nghiệp tinh gọn “quá hàn lâm” với chị, “phải startup rồi mới thấm”. Thông thường, theo chị Nguyễn Đặng Tuấn Minh, các công cụ này được áp dụng một cách hiệu quả và nhanh nhất thông qua các huấn luyện viên khởi nghiệp hoặc các chương trình ươm tạo, tăng tốc khởi nghiệp. Tuy nhiên, nếu không, người ta vẫn có thể tự học và thực hành ban đầu theo phương châm “thử và sai”, “fail fast, fail cheap”.
Theo – Lean Startup: Tránh những “thất bại đau thương” – Tg. Nguyên Hạnh (ĐỔI MỚI SÁNG TẠO/Tiasang)