Nhóm ngành Tài nguyên và môi trường

(hieuhoc_hieuhoc.com) Theo Bộ Tài Nguyên và Môi trường, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành môi trường hiện nay có gần 50.000 người. Tuy nhiên, nhu cầu nguồn nhân lực được đào tạo các chuyên ngành tài nguyên và môi trường cần bổ sung lực lượng, trong đó tập trung tăng cường cho một số lĩnh vực như đất đai, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ, địa chất khoáng sản và một số chuyên ngành mới…

Là một trong năm nước trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang có nhiều biện pháp và nỗ lực ứng phó. Thanh niên Việt Nam hưởng ứng Giờ Trái Đất – một sự kiện quốc tế do Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) khởi xướng nhằm kêu gọi giảm lượng khí thải trên Trái Đất bằng cách mỗi hộ cúp điện trong vòng 1 giờ vào ngày thứ Bảy của tuần cuối tháng Ba hàng năm (Hình: BĐV)

Ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng. Chính vì thế, nhóm ngành môi trường là lĩnh vực nhiều người quan tâm với những ngành học như: Công nghệ viễn thám, khí tượng, quản lý biển đảo, địa chất và khoáng sản, đo đạc và bản đồ… Các chuyên ngành phục vụ quản lý nhà nước như kinh tế tài nguyên và môi trường, quản lý môi trường, quản lý tài nguyên thiên nhiên.

Ngành công nghệ môi trường

Ngành công nghệ môi trường trang bị sinh viên các kiến thức về khoa học cơ bản và cơ sở của các ngành hóa học, sinh học và xây dựng. Trên cơ sở đó, trong phần chuyên ngành sinh viên được trang bị các kiến thức sâu về các chất thải công nghiệp và dân dụng, các quy trình công nghệ hóa – sinh học và các thiết bị xử lý chất thải. Ngành đào tạo những kỹ sư có khả năng thiết kế và vận hành, sử dụng, bảo trì các thiết bị dụng cụ đo kiểm soát môi trường, các hệ thống thiết bị công nghệ xử lý môi trường; thống kê, quản lý, xây dựng, thẩm định các dự án về môi trường.

Kỹ sư công nghệ môi trường có thể làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp, công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ xử lý môi trường, môi trường đô thị, cấp thoát nước, kỹ thuật hạ tầng, an toàn lao động, các viện nghiên cứu, các trường học có liên quan đến lĩnh vực môi trường.

Ngành kỹ thuật môi trường

Trang bị cho sinh viên các kiến thức rộng về các chuyên môn trong lĩnh vực môi trường thông qua đào tạo lý thuyết, chú trọng đào tạo thực hành các lĩnh vực hóa học, sinh học trong kỹ thuật môi trường, xử lý nước thải, nước cấp, chất thải rắn, khí thải, tiếng ồn, kiểm soát ô nhiễm môi trường công – nông nghiệp, độc học môi trường, quản lý chất lượng môi trường, quan trắc môi trường, đánh giá tác động môi trường, ứng dụng công nghệ thông tin địa lý trong môi trường.

Hướng nghiên cứu: nghiên cứu các vấn đề về môi trường trong sản xuất (như tích lũy các chất độc hại trong nông sản thực phẩm, đất, nước, cây trồng,…). Nghiên cứu các biện pháp bảo vệ và đánh giá tác động môi trường trong thời kỳ gia tăng chất ô nhiễm độc hại. Nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật trong xử lý nước thải công nghiệp đặc thù như nước rò rỉ rác, nước thải dệt nhuộm, nước thải thuộc da…

Phát triển các kỹ thuật chống ô nhiễm, chống suy thoái môi trường. Nghiên cứu phát triển các kỹ thuật chống xói mòn, chống suy thoái đất. Nghiên cứu các biện pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường các khu vực nuôi trồng thủy sản nhằm tăng cường phẩm chất các nguồn lợi thủy sản nội địa, giảm rủi ro trong nuôi trồng thủy sản. Sản xuất và thử nghiệm các chế phẩm sinh học, hóa học phục vụ công tác bảo vệ môi trường.

Kỹ sư kỹ thuật môi trường có thể công tác tại các viện, trường trong vùng, các sở ban ngành ở địa phương, đặc biệt là Sở Khoa học và công nghệ, Sở Tài nguyên và môi trường, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Xây dựng, Sở công nghiệp, Sở Thủy sản, UBND các huyện thị, các công ty như cấp thoát nước, tư vấn môi trường, nuôi trồng thủy sản hoặc tham gia trong các chương trình, đề án trong, ngoài nước về môi trường.

Ngành quản lý môi trường

Trang bị sinh viên kiến thức và kỹ năng ứng dụng thực tiễn về các lĩnh vực quản lý chất lượng môi trường, quản lý chất thải, quan trắc môi trường, đánh giá tác động môi trường, kinh tế kiểm toán môi trường, sản xuất sạch hơn đồng thời trang bị các kiến thức cơ bản về quá trình hóa học, lý học, sinh học trong công nghệ xử lý môi trường, xử lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm môi trường công nông nghiệp.

Khi tốt nghiệp, tùy từng vị trí công việc, kỹ sư ngành này góp phần ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường do con người và tác động tự nhiên gây ra, khắc phục ô nhiễm môi trường, trước hết ở những nơi đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, phục hồi hệ sinh thái đã bị suy thoái, từng bước nâng cao chất lượng môi trường.

Ngành quản lý tài nguyên rừng

Đào tạo kỹ sư lâm nghiệp chuyên sâu trong lĩnh vực quản lý tài nguyên rừng, có khả năng quản lý, tổ chức phát triển bền vững tài nguyên môi trường và các chức năng nghiệp vụ khác của rừng.

Sinh viên được trang bị kiến thức về sinh thái môi trường, hệ sinh thái rừng, kỹ thuật và công nghệ trong quản lý, kiểm tra, giám sát và đánh giá tài nguyên rừng và môi trường cùng với kiến thức về kinh tế – xã hội và pháp luật có liên quan, về sinh thái nhân văn để làm việc trong các vùng rừng với các cộng đồng dân tộc khác nhau. Sinh viên có được kỹ năng tổ chức và thực hiện những chương trình điều tra, phân tích đánh giá, thiết kế các phương án quản lý tài nguyên rừng và môi trường.

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành này có thể công tác tại các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, các cơ sở đào tạo, các cơ quan nghiên cứu và phát triển có liên quan đến quản lý tài nguyên rừng và môi trường, các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, các doanh nghiệp nông lâm nghiệp, các công ty du lịch sinh thái và các đơn vị khuyến nông lâm cùng các dự án liên quan.

Ngành khoa học môi trường

Chương trình đào tạo nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản và cơ sở của ngành môi trường; phục vụ công tác điều tra, nghiên cứu, giảng dạy và điều hành trong các lĩnh vực quản lý môi trường; công nghệ môi trường; khoa học môi trường ứng dụng. Chương trình trang bị cho sinh viên các kỹ năng phân tích, đánh giá, phát hiện và dự báo những vấn đề môi trường đã, đang và sẽ xảy ra, năng lực tổ chức thực thi các biện pháp xử lý, khắc phục, phòng tránh những tác động có hại đến môi trường.

Cử nhân khoa học môi trường sau khi tốt nghiệp có thể nhận công tác tại các trường cao đẳng, đại học, các bộ, các tổng cục, các sở ban ngành địa phương có liên quan tới quản lý, quy hoạch môi trường, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên; các hoạt động kinh tế – xã hội, quốc phòng cũng như các viện nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực trên.

Ngành quản lý môi trường và du lịch sinh thái

Trang bị kiến thức chuyên sâu và kỹ năng về sinh học bảo tồn, địa lý du lịch, quản lý cảnh quan, quản trị du lịch, quy họach phát triển du lịch sinh thái bền vững, có khả năng xây dựng, quản lý thực hiện các đề án về xây dựng tôn tạo các cảnh quan phục vụ du lịch sinh thái hoặc hướng dẫn du lịch sinh thái và các dịch vụ có liên quan.

Sở du lịch, công ty dịch vụ du lịch, khu du lịch sinh thái, khu nghỉ dưỡng, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển, khu di tích lịch sử,… là những nơi để sinh viên tốt nghiệp về công tác hoặc có điều kiện tự thành lập các công ty dịch vụ du lịch sinh thái.

Sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường có thể công tác ở các cơ quan: vụ, viện nghiên cứu, cục, tổng cục trực thuộc các bộ, ngành ở trung ương; các sở tài nguyên và môi trường, sở khoa học và công nghệ, phòng quản lý chức năng liên quan đến tài nguyên và môi trường; các trung tâm nghiên cứu và tư vấn, các tổ chức chính phủ, phi chính phủ, các tổ chức quốc tế có hoạt động liên quan; các doanh nghiệp kinh doanh chất thải, công nghệ môi trường và các doanh nghiệp công nghiệp khác.

Ngành kinh tế và quản lý môi trường

Kinh tế tài nguyên môi trường là chuyên ngành nóng hiện nay. Đào tạo các cử nhân kinh tế có nền tảng kiến thức rộng và vững về kinh tế và các môn khoa học liên quan, sâu về cơ sở lý luận – phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu thực thi kinh tế môi trường và quản lý môi trường, đáp ứng chủ trương kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường trong các lĩnh vực: tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản – địa chất, bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên, quy hoạch sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên… Hàng năm, bộ Tài nguyên và Môi trường còn xem xét duyệt, cấp học bổng, trao giải thưởng có sinh viên có thành tích học tập xuất sắc cũng như trong nghiên cứu khoa học có liên quan đến ngành Tài nguyên và Môi trường.

Thạc sĩ chính sách công bảo vệ môi trường

Dự kiến chương trình sẽ tuyển sinh khóa đầu tiên vào tháng 10-2011 tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM). Chương trình đào tạo với các môn học ở cấp độ cao học về chính sách công trong bảo vệ môi trường, với sự tư vấn và hỗ trợ về kỹ thuật của các giáo sư đến từ các phân khoa có kinh nghiệm về hai lĩnh vực chính sách công và bảo vệ môi trường của ĐH Duke và ĐHQG TP.HCM.

Thành lập ĐH Tài nguyên và Môi trường TPHCM

Ngày 9/12/2010, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương thành lập Trường đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM trên cơ sở nâng cấp Trường cao đẳng Tài nguyên và Môi trường TPHCM, thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trường cao đẳng Tài nguyên và Môi trường TPHCM có trách nhiệm chuẩn bị các điều kiện về giảng viên, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo bậc đại học theo đúng các quy định của Chính phủ trước khi trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập trường.

Thành lập ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

Ngày 23/1, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức lễ công bố quyết định thành lập Trường đại học Tài nguyên và Môi trường, trên cơ sở nâng cấp từ Trường cao đẳng Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Trường đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chịu trách nhiệm đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ điều tra cơ bản về ngành tài nguyên và môi trường vừa có năng lực quản lý nhà nước, vừa am hiểu về chuyên môn nghiệp vụ.

Ngành tài nguyên và môi trường là một ngành đa lĩnh vực, mới được hình thành trên cơ sở hợp nhất nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước. Vấn đề quản lý tài nguyên môi trường đang được xã hội rất quan tâm. Cơ hội việc làm khá lớn. Có thể làm ở nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau. Hiện nay đang thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước trên 07 lĩnh vực, bao gồm: đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường; khí tượng thuỷ văn và biến đổi khí hậu; đo đạc và bản đồ; quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo. Đây là những lĩnh vực có tính phức tạp, nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp, có tác động lớn đến bảo đảm an ninh, quốc phòng, sự phát triển kinh tế – xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước; gắn liền với công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ. (Thông tin chi tiết có thể tham khảo tại trang tin điện tử www.monre.gov.vn./)

Trường Tây tổng hợp (hieuhoc_hieuhoc.com)

Cùng chuyên mục