Sáng tạo – (Bài 3) : Tìm hiểu, thu thập và xác định vấn đề.

(Hiếu học). Chúng ta hãy bắt đầu từ một điều mà mọi người đều nhất trí với nhau: “Nhận thức vấn đề” là bước thứ nhất và là bước rất quan trọng trong chu trình của tất cả các phương pháp sáng tạo từ trước đến nay. Các bạn có thể gọi giai đoạn đầu tiên này là định nghĩa vấn đề, chuẩn bị vấn đề, phát biểu vấn đề, xác định vấn đề v.v…tùy bạn. Nhưng tất cả cũng chỉ cùng chung một mục đích, như Einstein đã viết: “Việc phát biểu vấn đề, nhiều khi còn thiết yếu hơn giải pháp, vốn có thể chỉ là chuyện kỹ năng toán học hoặc kỹ năng thực nghiệm. Muốn nêu lên những câu hỏi mới, vấn đề mới, muốn nhìn vấn đề cũ dưới góc độ mới, ta phải có trí tưởng tượng sáng tạo và tiến bộ thật sự”.

Hẳn nhiên là như thế, nhưng làm sao có thể có “tiến bộ thật sự” khi hầu hết chúng ta đều được giáo dục chỉ đi tìm những giải pháp được gọi là đúng đắn? Làm sao có được “trí tưởng tượng sáng tạo” khi chúng ta phải nghe theo rằng: “chỉ những sự vật mới mẻ và có ích cho đời sống con người mới được thừa nhận là sáng tạo”? Làm sao biết được sáng tạo nào là có ích, là có hại? Dựa vào đâu để phê phán một ý tưởng là có và không có ý nghĩa? Tại sao ta lại phải giới hạn sáng tạo bằng cách “tự giam cầm” mình lại chỉ vì những chuẩn mực chi chi của một ai đó?

Vậy ta có thể làm gì cho việc: Tìm hiểu, thu thập và xác định vấn đề, giai đoạn thứ nhất và cũng là bước quan trong nhất trong chu trình sáng tao?

Không cần phải dẫn chứng vì có quá nhiều bằng chứng: Cuộc sống của chúng ta hiện tại đang được thừa hưởng từ các “sáng tạo”, trong đó có những sáng tạo mà xưa kia từng bị xem là những ý tưởng điên rồ, ngu ngốc, vô tích sự…, thậm chí còn bị xử giảo bởi những “giáo sư khả kính và uyên bác”!

Vì thế, để cho nguồn cảm hứng sáng tạo không bị lụi tàn, bạn phải vượt qua và chấm dứt sự e dè. Bạn hãy sẳn sàng biểu lộ và sáng tạo cho dù người ta sẽ thích nó hay họ sẽ không thích nó: điều đó không thành vấn đề!

Sáng tạo của bạn, ý tưởng của bạn có thể sẽ là phù hợp, rất phù hợp hoặc chưa phù hợp. Có thể bạn sẽ phải điều chỉnh sáng tạo của mình để bán hoặc sử dụng nó, cũng có thể bạn phải tìm một ý tưởng khác, nhưng đó là việc “lựa chọn và đánh giá” khi đã có được ý tưởng rồi, “xem xét” phải là bước sau cùng trong chu trình sáng tạo.

Vì thế, trong bước đầu tiên của quá trình sáng tạo: Nhận định vấn đề, tìm hiểu và thu thập dữ liệu, điều lưu ý quan trọng nhất là bạn hãy thật sự quên đi các lời giáo huấn, các phương pháp, các kinh nghiệm, bất kỳ cái gì cho dù là của một ai. Bạn sẽ tự do khi xóa đi ranh giới xấu- đẹp, đúng- sai, bạn sẽ không bị bỏ lỡ một dữ liệu nào cả vì thành kiến, có thể đó sẽ là một dữ liệu tuyệt vời cho sáng tạo sau này.

Bạn không mơ tưởng sáng tạo của bạn sẽ là rất quan trọng, mọi người sẽ đứng dậy và hoan hô thì đồng thời, cũng không vì lý do gì để bạn phải tự quy định cho mình chỉ đi tìm cái đẹp, cái hữu ích. Thật buồn cười khi quy định sáng tạo phải là những ý tưởng hữu ích. Làm sao biết được như thế nào là sáng tạo hữu ích? Vì có rất nhiều ý tưởng bị xem là điên rồ, vô dụng nay lại rất hữu ích và không thiếu những việc làm gây tác hại cho nhiếu người, tác hại cho môi trường sống, thậm chí đe dọa cho sự sinh tồn của cả nhân loại nhưng vẫn được gọi là sáng tạo đó thôi.

Vấn đề ở đây không phải là tranh luận, là định nghĩa cho đúng thế nào là sáng tạo, mà là nhận biết để không tiếp tục lầm lẩn chạy theo những định kiến tẻ nhạt, buồn chán như: phải mới, phải đẹp, phải đúng, phải hữu ích, phải, phải và phải phải phải…

Sáng tạo không nhất thiết là những thành quả to lớn, phức tạp, kỳ lạ để cho mọi người yêu quý, kính trọng và chiêm ngưỡng. Sáng tạo là đơn giản, sáng tạo là tự nhiên, sáng tạo là tự do, sáng tạo là cảm hứng và ngược lại. Nó có thể có khi ta làm mộc, làm gạch, nuôi trẻ, chơi thể thao, nấu ăn, thậm chí khi đánh bài, chơi cờ và cả trong sinh hoạt tình dục nữa, có phải thế không?

Bạn hãy sáng tạo để có niềm vui sống. Dù sao chăng nữa, tính sáng tạo là một trong những lý do giải thích sự tồn tại của bạn trên thế gian này. Do đó, bạn gạt bỏ mọi thành kiến khi tiếp nhận, thu thập các thông tin để làm chất liệu cho sáng tạo. Không có gì là hữu ích hay vô ích, chỉ là phù hợp hay không mà thôi, chuyện đó, bạn hãy để qua một bên.

Bạn là nhà kinh doanh, vấn đề của bạn hiện nay là khách hàng chẳng hạn: Và để có một giải pháp nào đó cho phù hợp thì việc trước tiên bạn làm là “thấu hiểu” khách hàng, thật sự thấu hiểu, thật sự lắng nghe để thấu hiểu. Một khi đã thấu hiểu kỷ càng, nắm được cái rắc rối của vấn đề thì các giải pháp, các hành động tiếp theo nên làm thế nào, thế nào không còn là chuyện quá khó. Rõ ràng, mức độ thấu hiểu khách hàng của bạn càng lớn thì cơ hội sáng tạo các giải pháp để nâng cao kết quả kinh doanh của bạn càng nhiều.

Điểm mấu chốt là “thật sự”: Thật sự lắng nghe, lắng nghe với sụ thích thú, với sự vô tư khi tìm hiểu, chắc chắn bạn sẽ có sự nhận biết, sự thấu hiểu. Trong khi, nếu lắng nghe với những định kiến đúng sai, đẹp xấu có sẵn, bạn chỉ sẽ chọn những ý kiến mà bạn cho là hữu ích mà thôi. Làm sao biết được những dữ liệu tầm thường vô dụng lại có thể kết hợp nên sáng tạo tuyệt vời?

Bởi thế nên những phương pháp sáng tạo được nhiều người ưa thích sử dụng đều có yếu quyết “Không thành kiến”, yếu quyết “Vô chiêu” này. Đó là: hãy sáng tạo như trẻ thơ, hãy viết vẽ ra giấy tất cả suy nghỉ của mình-không chọn lựa, mũ xanh mũ đỏ, thu thập ngẫu nhiên, đảo lộn vấn đề v.v…Nhưng chúng ta hầu như không thể chú ý đúng mức về yếu quyết này, chạy theo cái gọi là “trí tuệ đám đông” thì dễ dàng hơn. Như thế này là đẹp, đẹp, đẹp. Như kia là hữu ích ích ích. Chúng ta e dè, lo lắng, quan tâm về việc người khác phản ứng như thế nào nên chúng ta chỉ có thể đi theo một khuôn mẫu định sẵn.

Cho đến nay vẫn chưa có phương pháp nào gọi là hoàn hảo để khơi dậy khả năng sáng tạo ẩn chứa trong mỗi con người. Tùy theo đặc tính của đối tượng làm việc và môi trường tại chỗ mà mỗi cá nhân hay tập thể có thể tìm thấy các phương pháp riêng thích hợp. Trong đó, giai đoạn tìm hiểu, thu thập và xác dịnh vấn đề là then chốt nhất. Và để nhận thức vấn để cho đầy đủ, yếu quyết đầu tiên của cảm hứng sáng tạo là Tự Do, can đảm phá bỏ mọi tư duy thành kiến, gầy dựng lại tâm hồn sáng tạo đã có sẵn trong con người.

Hãy quan sát thiên nhiên, vì thiên nhiên là ông thầy vĩ đại nhất. Thiên nhiên luôn dịch chuyển, tuôn chảy và lại tiếp tục dịch chuyển. Trong đó có vẻ đẹp sáng tạo lạ thường của núi lửa, bão giông…. Hãy im lặng, đừng phê phán vì sợ hãi thì có thể thấy được vẻ đẹp tuyệt vời dù là hãi hùng của nó.

Xem tiếp: Sáng tạo
(Bài 4) : Bước nhảy đột phá diệu kỳ.

Văn Chí Kỳ. (hieuhoc_hieuhoc.com).

Bài liên quan

Sáng tạo (Bài 2) : Tâm hồn sáng tạo.

(hieuhoc_hieuhoc.com). Muốn là người sáng tạo, trước tiên phải học và sống với một “Tâm hồn sáng tạo” trước đã. Ở nhũng người sáng tạo, có thể họ đã may mắn có sẵn một tâm hồn như vậy, việc của họ chỉ là tiếp tục học hỏi, tìm kiếm để phát huy sáng tạo mỗi ngày một tốt hơn. Riêng với chúng ta, cần phải nhận biết và thay đổi mới có thể gây dựng cho mình một tâm hồn sáng tạo…

Brainstorming – Kỹ thuật công não để tạo ra ý tưởng mới (Phần đầu)

(hieuhoc_hieuhoc): Có lẽ đã từng có 1 lần bạn so sánh rằng trong khi người ta có thể thao thao về những ý tưởng rất mới lạ thì mình lại im lìm như 1 khúc gỗ? Và cũng đã có lúc bạn tự ti rằng mình không có khả năng sáng tạo. Cho dù có đúng như vậy đi nữa thì vẫn có khắc cách khắc phục bạn ạ. Đó chính là kỹ thuật brainstorming.

Kỹ năng tư duy

Phương pháp Phát Triển Tư Duy có thể giúp bạn vận dụng tiềm năng có sẵn trong mỗi chúng ta theo cách tự nhiên nhất của con người.

Cùng chuyên mục