Việc chọn ngành học và nghề nghiệp phù hợp có vai trò quyết định cho sự thành công trong sự nghiệp của bạn và chọn ngành học để du học cũng không phải là ngoại lệ
Chắc chắn 2 việc chọn ngành và chọn nghề là không thể tách rời. Bạn chọn ngành phù hợp với nghề bạn muốn làm và bạn (hy vọng có thể) theo đuổi, phát triển nghề nghiệp dựa trên ngành học mà bạn đã đầu tư thời gian, tiền bạc và công sức để học tập.
Khuynh hướng chọn ngành, nghề theo trào lưu chung là rất phổ biến. Xuất phát từ tâm lý muốn an toàn, nghĩa là với hy vọng theo học ngành đang “hot” thì sẽ dễ tìm được việc làm.
Việc xem xét cơ hội việc làm cho nghề nghiệp tương lai dựa trên yêu cầu tuyển dụng trước khi chọn ngành theo học là cần thiết. Bạn cần tìm hiểu thật kỹ thị trường lao động tại Việt Nam, hay tại nước ngoài, trong trường hợp bạn đi du học và có ý muốn ở lại nước đó làm việc sau khi tốt nghiệp hoặc rộng hơn là nhu cầu lao động của ngành nghề đó trên toàn cầu để mở rộng thêm cánh cửa nghề nghiệp cho tương lai.
Tuy nhiên, việc chọn ngành chỉ dựa vào yếu tố bên ngoài mà không xem xét yếu tố bên trong có rất nhiều rủi ro. Nếu cá nhân bạn không yêu thích môn học đó vì có thể yêu cầu học thuật của ngành đó lại nằm trong “sở đoản” của bạn (ví dụ bạn dở toán mà phải học về xác suất thống kê trong ngành kế toán) hoặc cá tính của bạn không phù hợp với ngành học/nghề nghiệp đó (ví dụ bạn ngại ăn nói, giao tiếp mà phải theo nghề marketing) thì cho dù là ngành bạn sẽ theo học có nhu cầu tuyển dụng cao thì bạn vẫn khó có khả năng cạnh tranh trong cuộc đua lọt vào mắt xanh của nhà tuyển dụng. Lý do, thứ nhất là bảng điểm của bạn sẽ không cao để được mời phỏng vấn; hoặc giả nếu có được mời phỏng vấn thì bạn cũng khó lọt qua vòng phỏng vấn với nhà tuyển dụng.
Một yếu tố rủi ro nữa cho việc chọn ngành học theo số đông là nhu cầu lao động của thị trường luôn thay đổi. Hãy nhớ cách đây vài năm ngành tài chính ngân hàng “nóng sốt” như thế nào, còn bây giờ thì nguội ngắt ra sao. Do vậy, bạn cần tìm hiểu độ “hot” của ngành nghề không phải chỉ trong quá khứ và hiện tại mà còn ở tương lai 3-5 năm nữa, sau khi bạn tốt nghiệp cũng như những năm sau đó.
Như vậy, khi chọn ngành học, bạn cần xem xét các yếu tố sau đây một cách toàn diện:
1. Sở thích và khả năng cá nhân (năng lực học tập và tài chính).
2. Nhu cầu lao động của thị trường hiện tại và trong tương lai tại Việt Nam và những quốc gia bạn muốn tìm kiếm cơ hội việc làm.
3. Các yếu tố khác (thu nhập của ngành nghề đó so với kỳ vọng và đầu tư của bạn, cơ hội xin định cư ở nước ngoài…).
Hãy nhớ đến phương châm “biết mình biết người, trăm trận trăm thắng”!
Theo: Trần Tường Nhi (Giaoduc/NLD)