Cách chọn ngành học khi đăng ký dự thi

Năm 2017, việc không giới hạn nguyện vọng đăng ký xét tuyển (ĐKXT), góp phần tăng cơ hội trúng tuyển cho những bạn có nguyện vọng học đại học.Tuy nhiên, nếu chủ quan, học sinh có thể trúng tuyển vào ngành học mà mình không thích, làm mất cơ hội chọn được con đường đi tốt nhất.

Thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH năm 2016

Nên chọn ngành học, bậc học phù hợp với sở thích nghề nghiệp và năng lực học tập

Theo quy chế tuyển sinh đại học năm 2017, Bộ GD-ĐT quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH để các trường xây dựng phương án xét tuyển. Như vậy, muốn vào đại học, tổng điểm 3 môn thi có liên quan đến tổ hợp xét tuyển phải đạt từ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH trở lên. Năm 2015, 2016, ngưỡng điểm này là 15 điểm.

Nếu chọn ngành học phù hợp với sở thích nghề nghiệp, người học mới có cơ hội chuẩn bị tốt cho nghề nghiệp tương lai.

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, lưu ý học sinh (HS) về thứ tự nguyện vọng (NV). Chọn đúng theo những ngành mình thích, có năng lực chứ không phải chọn mỗi trường mỗi ngành theo kiểu may rủi.

Có nhiều HS thắc mắc về cách thức xét tuyển giữa các NV. Các chuyên gia khẳng định các NV đều bình đẳng như nhau. Chẳng hạn nếu trường công bố ngành A là 20 điểm thì dù thí sinh đăng ký NV ngành A là ưu tiên thứ ba trong các NV thì vẫn trúng tuyển như thí sinh đăng ký NV 1.

Căn cứ kết quả các năm trước, thí sinh có thể ước lượng sức học của mình theo nguyên tắc, điểm thi THPT QG dao động trong khoảng từ 60% đến 99,5% so với điểm lớp 12.

Như vậy, thí sinh hoàn thành ĐKXT cùng với hồ sơ ĐKDT THPT quốc gia và nộp cho trường THPT hoặc đơn vị ĐKDT theo quy định của Sở GD-ĐT trong thời gian từ ngày 01 đến ngày 20-4-2017. Khi có kết quả thi, nếu có nhu cầu, thí sinh cũng được điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT một lần từ ngày 15-7 đến 21-7 (theo phương thức trực tuyến) hoặc 15-7 đến 23-7 (bằng Phiếu điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT).

Dù đăng ký nhiều nguyện vọng, nếu trúng tuyển, thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng và phải xác nhận nhập học đợt 1 trước 17g ngày 7-8 (tính theo dấu bưu điện). Nếu thí sinh không theo học nguyện vọng đã trúng tuyển thì phải chờ đến các đợt xét tuyển bổ sung của những trường còn chỉ tiêu.

Làm sao chọn được ngành phù hợp?

Bùi Đăng Khoa, HS lớp 12/9 Trường THPT Trương Định, hỏi: “Khi học ĐH, CĐ, làm sao tích lũy kinh nghiệm để khi ra trường có việc làm?”. Tiến sĩ Đặng Thị Ngọc Lan, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính – Marketing, tư vấn: “Khi học ở trường, sinh viên sẽ được học thêm kỹ năng nghề nghiệp chứ không phải ra trường mới học. Ngoài ra, trường nào cũng có chuẩn đầu ra để có thể đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động”.

Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho rằng công ty sẽ tuyển nhiều vị trí khác nhau với nhiều mức độ khác nhau. Có vị trí cần kinh nghiệm nhưng có vị trí thì không. Điều doanh nghiệp muốn biết khi phỏng vấn sinh viên mới ra trường là học những gì, trải nghiệm gì, đã đi làm gì, tham gia những hoạt động nào khi học? Doanh nghiệp muốn tìm kiếm sự nỗ lực và tiềm năng. Nếu chứng tỏ được những điều đó, sinh viên mới ra trường cũng sẽ được đánh giá cao và được tuyển dụng.

Nguyễn Hương, lớp 12A1, Trường THPT Gò Công, thắc mắc: “Nếu em chọn ngành mình yêu thích nhưng ra trường không có việc làm thì em nên chọn như thế nào từ bây giờ?”. Cũng tương tự, Nguyễn Thị Xuân Mai, Trường THPT Trương Định, hỏi: “Nhiều anh chị học rất tốt nhưng học qua năm 1, 2 ở ĐH thì lại chán và bỏ ngành đó. Em làm sao chọn được ngành phù hợp với mình?”.

PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết hiện nay xu hướng trên thế giới là có thể sinh viên ra trường không làm đúng nghề mình đã học. Trừ một số nghề đặc thù, HS không cần lo lắng lắm khi tốt nghiệp phải theo đúng ngành học.

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ lưu ý có rất nhiều sinh viên khi vào trường mới vỡ ra là mình hiểu sai về ngành học từ đó có tâm lý chán, bỏ học, chuyển ngành. “Nếu định hướng không đúng, có thể định hướng lại. Tuy nhiên, cần phải nỗ lực để vượt qua”, tiến sĩ Hạ khuyên.

Rất nhiều HS đặt câu hỏi hiện nay sinh viên học sư phạm ra trường thất nghiệp nhiều và ngày càng tăng, liệu thí sinh có nên tiếp tục chọn học sư phạm không? PGS-TS Nguyễn Kim Hồng cho biết nghề nào cũng đòi hỏi sự say mê. Nếu yêu thích nghề dạy học, đừng ngại ngùng học sư phạm. Nhưng học sư phạm xong cũng có rất nhiều bạn làm ngành nghề khác. Riêng ngành sư phạm tiểu học và sư phạm mầm non, 100% sinh viên học hai ngành này đều có việc làm. Hiện nay rất thiếu giáo viên mầm non. Ngay tại TP.HCM đặt hàng hơn 7.000 giáo viên mầm non nhưng không thể đào tạo đủ.

Tài khoản đăng nhập thí sinh được sử dụng như thế nào?

Ông Nguyễn Quốc Cường, Phó ban Đào tạo Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, cho biết sau khi nộp phiếu đăng ký dự thi, TS sẽ được đơn vị tiếp nhận cấp một tài khoản và mật khẩu cá nhân để đăng nhập vào phần mềm quản lý thi tại địa chỉ http://thisinh.thithptquocgia.edu.vn. Việc này là thực sự cần thiết để TS sử dụng xuyên suốt quá trình từ thi đến xét tuyển. Cụ thể là để kiểm tra thông tin đã đăng ký và chỉnh sửa các sai sót (nếu có). Khi có kết quả thi, TS có thể đăng nhập để tự tra cứu điểm, xét công nhận tốt nghiệp. Đặc biệt, với quy định mới trong xét tuyển năm nay, TS sử dụng tài khoản này để điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào các trường bằng hình thức trực tuyến.

Vì vậy, TS cần bảo mật tài khoản và mật khẩu của mình, ngay sau khi được cấp, TS nên thay đổi mật khẩu để đảm bảo an toàn thông tin. Trong trường hợp TS quên tài khoản và mật khẩu thì có thể liên hệ với đơn vị đăng ký dự thi để xin cấp lại. Tuy nhiên, kinh nghiệm năm trước cho thấy những TS bị thất lạc tài khoản hoặc mật khẩu đều rất khó khăn khi chỉnh sửa hồ sơ và đăng ký xét tuyển.

Để tạo tài khoản này, đơn vị đăng ký dự thi sẽ cấp cho TS một tài khoản dựa trên số CMND của TS. Tuy nhiên, trong trường hợp TS không có hoặc làm mất CMND trước thời điểm nộp hồ sơ, phần mềm quản lý thi sẽ gán cho TS một mã số gồm 12 ký tự để quản lý. Vì vậy, trong trường hợp không kịp làm mới CMND trước thời điểm kết thúc nộp hồ sơ (ngày 20.4), TS vẫn có thể nộp hồ sơ dự thi bình thường.

Ông Nguyễn Quốc Cường lưu ý thêm, TS chỉ được sử dụng tài khoản đăng nhập để thực hiện một số nội dung trong khoảng thời gian nhất định. Cụ thể, TS phản hồi các sai sót về thông tin đăng ký dự thi chỉ được thực hiện trước ngày 25.4, phản hồi sai sót về thông tin xét công nhận tốt nghiệp trước 25.5. TS muốn điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ còn phải đăng ký số điện thoại, email cá nhân ngay khi đăng ký dự thi.

Tổng hợp theo (Giaoduc/TNO/TTO)

Bài liên quan

Cùng chuyên mục