Việt Nam và Nhật thống nhất giải pháp quản lý lưu học sinh

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm việc với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, bàn bạc và thống nhất giải pháp nâng cao chất lượng và quản lý lưu học sinh, hạn chế tình trạng người Việt Nam cư trú bất hợp pháp, vi phạm pháp luật.

Ngày 27/2, Cục trưởng Đào tạo với nước ngoài (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Phạm Quang Hưng cho biết, những năm gần đây, lưu học sinh, tu nghiệp sinh Việt Nam tại Nhật Bản tăng nhanh. Trong đó phần lớn là đi học tiếng và nhiều người trong số này sau khi kết thúc khóa học cố gắng tìm cách ở lại làm việc. Tình trạng này làm gia tăng số người Việt Nam cư trú bất hợp pháp và phạm tội tại Nhật Bản.

Ông Hưng cho biết, mới đây Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có cuộc làm việc với Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam. Hai bên trao đổi nhiều vấn đề, trong đó có việc người Việt Nam sang học tập và làm việc tại Nhật Bản. Đại sứ Nhật Bản nhắc đến việc du học sinh và tu nghiệp sinh Việt Nam sang Nhật Bản tăng vọt, với số lượng hiện tại là 60.000, trong đó chỉ 7-8% là du học sinh học tập trong các trường đại học, số còn lại là tu nghiệp sinh sang học tiếng.

Trước thực trạng đó, Đại sứ Umeda Kunio cho rằng cần có giải pháp quản lý du học sinh, tu nghiệp sinh để không làm ảnh hưởng đến hình ảnh của người Việt Nam trong mắt người dân Nhật Bản.

Lưu học sinh tại Nhật Bản .Ảnh:Kenhduhoc.org.

“Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng phía Việt Nam cần có phương án điều tiết một cách chủ động. Tới đây, Bộ sẽ rà soát tất cả công ty tư vấn du học, kiên quyết đóng cửa công ty không nghiêm túc. Đồng thời, Bộ trưởng cũng đề nghị Đại sứ gửi cho Bộ danh sách công ty tư vấn du học có dấu hiệu vi phạm để có căn cứ, cơ sở xử lý đúng pháp luật”, ông Hưng cho hay.

Sau cuộc gặp giữa Bộ trưởng và Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, Cục Đào tạo với nước ngoài đã trao đổi với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và có buổi làm việc với đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam để cùng bàn bạc, xem xét nguyên nhân, từ đó đưa ra giải pháp giảm tình trạng cư trú bất hợp pháp của người Việt Nam tại Nhật Bản.

“Các giải pháp được đưa ra là Việt Nam sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với việc kinh doanh dịch vụ tư vấn du học, rà soát công ty cung cấp dịch vụ này, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và cảnh báo người dân về những thông tin không chính xác. Phía Nhật sẽ kiểm soát về vấn đề cấp visa cho người Việt Nam nhưng không ảnh hưởng đến những người Việt Nam mong muốn học tập và lao động chính đáng tại Nhật Bản”, ông Hưng nói.

Ngày 9/2/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành về việc tăng cường công tác quản lý, kinh doanh dịch vụ tư vấn du học và công dân Việt Nam đi học tập ở nước ngoài để nâng cao chất lượng du học, đặc biệt là du học Nhật Bản.

Trước đó, Nhật Bản thông báo du học sinh thuộc 5 nước Trung Quốc, Việt Nam, Nepal, Myanmar và Sri Lanka sẽ bị áp dụng các chính sách nghiêm ngặt hơn về nhập cảnh từ giữa tháng 3/2017. Sinh viên các trường này được yêu cầu chứng minh tài sản thông qua tài khoản thẻ ngân hàng và bản sao sổ tiết kiệm khi ứng tuyển. Nếu không chứng minh được, họ sẽ không được phép vào Nhật.

Theo: (Giaoduc/VNE)

Bài liên quan

Ngành công nghiệp tự động hóa.

(hieuhoc_hieuhoc.com). Tự động hóa là tổng hoà của nhiều lĩnh vực như cơ khí, điều khiển, công nghệ thông tin và cơ điện tử. Các lĩnh vực này kết hợp lại với nhau tạo thành các hệ thống tự động hóa và cao hơn nữa là tự động hóa toàn bộ quá trình sản xuất. Ngành công nghiệp tự động hóa ngày càng có vai trò quan trọng và hết sức cần thiết để đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế, nhất là trong tiến trình công nghiệp- hiện đại hóa nhanh như hiện nay.

Công nghệ kỹ thuật: 10 nghề nhiều cơ hội trong tương lai

(hieuhoc_hieuhoc.com) Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 chỉ rõ những ngành, nghề sẽ được chú trọng đào tạo trong 10 năm tới… phục vụ cho nhiều vấn đề cần giải quyết liên quan đến lĩnh vực Công nghệ như biến đổi khí hậu, ô nhiễm, rác thải, bệnh tật…  

Kinh nghiệm hòa nhập cuộc sống mới cho du học sinh

'Tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật là con đường nhanh nhất để kết bạn với người bản địa và hòa nhập môi trường sống của họ',Hà Duy - sinh viên Đại học Tổng hợp quốc gia Astrakhan (Nga) chia sẻ.  

Cùng chuyên mục