Cách công bố nghiên cứu khoa học với quốc tế.

Nhiều vướng mắc của bạn trẻ trong thực tiễn nghiên cứu và công bố bài báo trên tạp chí khoa học quốc tế đã được giải đáp cặn kẽ bởi các nhà khoa học trong và ngoài nước.

Bạn trẻ nêu ý kiến tại hội thảo.

Nhiều kinh nghiệm thực tiễn được đưa ra trong hội thảoCông bố khoa học trên tạp chí quốc tếdo Trung tâm phát triển khoa học và công nghệ trẻ phối hợp với Tạp chí khoa học VN tổ chức diễn ra ngày 28.5 tại TP.HCM.

Từ kinh nghiệm bản thân, GS-TS Trương Nguyện Thành, giảng viên Khoa Hóa Trường ĐH Utah (Mỹ) cho biết, cấu trúc một bài báo khoa họcluôn giống nhau với tất cả ngành nghề. Trong đó, phần giới thiệu cần trả lời được các câu hỏi sau: chủ đề, tầm quan trọng của bài báo; lịch sử của vấn đề nghiên cứu, mong muốn của tác giả.

Ở phần thân bài, kết quả nghiên cứu cần được trình bày theo đúng kịch bản. TS Thành nhận định: “Nhiều sinh viên thường mắc sai lầm khi liệt kê tuần tự quá trình nghiên cứu đã thực hiện. Thực tế, có những bài báo đủ thuyết phục khi chỉ cần đưa vào bài 10% dữ liệu đã nghiên cứu thực tiễn nhưng vẫn cho thấy những đóng góp mới của tác giả trong bức tranh tổng thể”. Với phần kết luận, GS-TS Thành nhấn mạnh: “Có thể chỉ cần trình bày trong nửa trang giấy nhưng sự xuất hiện của nó phải đủ sức thuyết phục khiến người đọc quay trở lại để đọc phần thân bài lần nữa”.

Theo GS-TS Thành, một bài báo khoa học cần rõ ràng, ngắn gọn nhưng phải có sức truyền đạt. Một câu chỉ nên có độ dài khoảng 10 – 15 từ. Câu không nên có nhiều hơn 2 mệnh đề phụ vì điều này dễ khiến người đọc hiểu theo những cách khác nhau – một điều tối kỵ khiến giảm khả năng thuyết phục cần thiết với một bài báo khoa học.

Văn phong của bài báo khoa học bằng tiếng Anh, theo GS-TS Thành, câu đầu tiên trong đoạn văn thường quan trọng nhất, những câu tiếp theo có tác dụng bổ trợ để làm rõ vấn đề được nêu ở câu đầu. “Bài viết dạng này không phải nơi để người viết gây ấn tượng bằng từ ngữ hoa mỹ, cũng không phải nơi thể hiện trình độ tiếng Anh cao cỡ nào. Do vậy, cách viết càng đơn giản, đủ ngắn gọn để truyền đạt kết quả nghiên cứu sẽ được đánh giá cao. Cách viết có thể quyết định việc tiếp tục hoặc ngừng việc đọc bài báo giữa chừng của những người phản biện bận rộn”, GS-TS Thành khuyên.

Trước chia sẻ về tâm lý chán nản của một số nghiên cứu sinh khi nghiên cứu thất bại tại hội thảo, PGS-TS Nguyễn Thị Huệ, Khoa Sinh học – Công nghệ sinh học Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, trấn an ngay: “Không phải mọi nghiên cứu đều cho ra kết quả như mong muốn, nên người nghiên cứu chuyên nghiệp cần có tâm lý sẵn sàng cho những hướng rẽ khác nhau. Nếu chẳng may rơi vào tình trạng đó, người nghiên cứu hãy nhìn nhận việc chuyển hướng là để có thêm một bài học mới”.

TS Huệ phân tích nhận định trên bằng một ví dụ thuyết phục của bản thân, khi công trình nghiên cứu vắc xin phòng bệnh thương hàn của bà đã phải mất 11 năm nghiên cứu mới cho ra kết quả. Đó cũng là khoảng thời gian để bà thực hiện hoàn chỉnh một bài báo đăng trên tạp chí khoa học quốc tế.

Khó khăn được nhiều bạn trẻ nêu ra là xin kinh phí thực hiện nghiên cứu. PGS-TS Nguyễn Thị Huệ chia sẻ điều quan trọng nhất để quyết định đề tài có được tài trợ kinh phí nằm ở những ứng dụng thực tiễn của đề tài. “Ứng dụng thực tế này có thể chưa thể thấy ngay trong những nghiên cứu của đề tài. Tuy nhiên, người nghiên cứu cần cho người đọc thấy các ứng dụng này khả thi sau một vài nghiên cứu tiếp theo trong tương lai”, tiến sĩ Huệ giải đáp.

Ứng xử ra sao nếu bị phản biện ?

Phản ứng phù hợp trước những yêu cầu sửa chữa của người phản biện với bài báo là vấn đề được bàn luận sôi nổi trong hội thảo. PGS-TS Lê Thị Lý, giảng viên Khoa Công nghệ – Sinh học Trường ĐH Quốc tế TP.HCM, chia sẻ: “Một bài báo gửi đi thường sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp, yêu cầu sửa chữa từ người phản biện. Trước tình huống này, điều tác giả nên làm đầu tiên là nên đọc kỹ, lắng nghe và thừa nhận những ý kiến khách quan. Tác giả cần thấy được điểm yếu của bản thân để khắc phục nó, đồng thời có cách trả lời thuyết phục những câu hỏi của người phản biện. Quá trình này không chỉ để bài báo được đăng mà quan trọng hơn là còn giúp hoàn thiện công trình nghiên cứu”.

Theo: Hà Anh (Giáo dục/TNO)

Bài liên quan

Học cách thuyết phục: Kỹ năng quan trọng giúp thành công

(hieuhoc_hieuhoc.com). Học cách thuyết phục là việc tạo được ảnh hưởng tích cực tới người khác, thu hút, kêu gọi sự đồng thuận hợp tác của họ để cùng thực hiện các mục tiêu. Thuyết phục là kỹ năng quan trọng giúp con người thành công, người có khả năng thuyết phục cao... 

Học cách đưa ra câu hỏi trong cuộc họp.

(hieuhoc_hieuhoc.com) Chúng ta biết cách đưa ra câu hỏi, nhưng đưa ra những câu hỏi có chất lượng cao thường không phải là việc dễ dàng… Vậy làm thế nào để có thể đưa ra câu hỏi hiệu quả trong các cuộc họp?

Cùng chuyên mục