Hãy tưởng tượng một tương lai mà tất cả mọi thứ đều được kết nối Internet. Không chỉ máy tính xách tay, điện thoại mà cả xe hơi, nhà cửa và thậm chí các bộ phận cơ thể của bạn đều được kết nối mạng. Điều gì sẽ xảy ra?
Ngay ở hiện tại thì với một chiếc điện thoại thông minh trên tay, cuộc sống trong không gian mạng của bạn đã bắt đầu.
Các loại điện thoại thông minh bây giờ đã có la bàn và GPS cài đặt sẵn, một số loại còn có thể định vị chính xác hướng chuyển động trong không gian. Tất cả các thiết bị này đều có thể sử dụng dễ dàng để định vị vị trí của bạn mọi lúc mọi nơi, chính xác đến từng mét.
Trong tương lai mọi việc bạn làm đều có thể kết nối Internet trực tiếp. Hệ thống cơ sở vật chất như hạ tầng giao thông cũng có thể tự động ghi lại sức căng hoặc tải trọng của đường xá, hoặc cho chúng ta biết điều kiện giao thông tại thời điểm cụ thể nào đó. Hơn thế nữa, bạn cũng có thể biết chắc chiếc xe buýt đưa bạn đi làm hàng ngày vừa đổ ngay ở góc phố gần nhà.
Chúng ta đang sống trong thế giới mạng 2.0 mà ở đó chúng ta đang tương tác trực tuyến với nhau. Vậy hãy hình dung bước phát triển tiếp theo sẽ là mạng 3.0 – hoặc thậm chí hơn thế. Đó sẽ là ‘mạng kết nối sự vật’. Bạn hãy tưởng tượng xem sao!
“Sẽ có cuộc cách mạng”
“Mạng kết nối sự vật thực chất là sự hiện thực hóa sớm hay muộn của việc mọi vật sẽ tồn tại trong không gian mạng”, Gordon Bell, một nhà khoa học về máy tính từng có những đóng góp đầu tiên trong việc phát triển máy tính loại nhỏ từ những năm 1960 cho biết.
Trên phương diện nào đó, những chiếc máy tính loại nhỏ là tiền thân của những máy chủ xử lý tốc độ cao hiện đại. Cách đây mười năm, Bell đã đảm trách một dự án có tên gọi ‘My Life Bits’ với mục đích lưu trữ số hóa mọi sự việc ông trải qua, từ các cuộc điện thoại đến những cuộc họp cá nhân, thậm chí tranh ảnh và những cuộc thoại bằng tin nhắn tức thời.
Dự án đó đến nay đã kết thúc, nhưng nó hướng đến một tương lai mà – theo nhận định của Ben – tất cả mọi thứ đều tồn tại trực tuyến.
Vậy đằng sau ‘mạng kết nối sự vật’ này là gì và tại sao nó lại diễn ra vào thời điểm này? Cách đây hơn một thập kỷ, khái niệm về cái chúng ta đang gọi là ‘vi tính toàn cầu’ rất thịnh hành trong các mạng hữu tuyến. Thực chất đó là ý tưởng rằng mọi thứ đều có khả năng tính toán. Điều này có thể khó tin nhưng sự khác biệt giữa thời điểm đó và hiện tại chỉ đơn giản là ‘Tickle Me Elmo’.
Vậy ‘Tickle Me Elmo’ là gì? Đó chỉ đơn thuần là một đồ chơi bằng vải bông có một loạt các bộ vi xử lý, môt vài bộ vi điều khiển và một nguồn điện. Nói cách khác, Tickle Me Elmo về bản chất là một thiết bị máy tính chỉ thiếu kết nối mạng. Việc biến thứ đồ chơi vải bông đó thành thiết bị tính toán thực ra là sự phát triển không thể tránh khỏi của định luật Moore.
Định luật này được đặt tên theo người sáng lập Hãng Intel: Gordon Moore, khẳng định ít nhiều rằng máy tính sẽ nhân đôi khả năng tính toán cứ sau 18 tháng trong khi đó giá thành vẫn ổn định, hoặc giảm hơn trước. Nói một cách khác thì việc lắp đặt các bộ cảm ứng, vi xử lý hay nguồn điện cũng như kết nối trực tiếp với Internet vào bất cứ thiết bị nào mà chúng ta có thể nghĩ tới đều không tốn kém nhiều lắm.
Giáo sư Robin Braun, hiện đang công tác tại trường Đại học Công nghệ cũng như Trung tâm Mạng lưới thông tin thời sự Sydney cho biết: ‘Hãy nghĩ về nó như những hạt bụi Internet. Nghĩa là mọi thứ đều có địa chỉ mạng (còn được gọi là địa chỉ IP) và sẽ cung cấp thông tin về bản thân chúng và môi trường xung quanh tới mạng kết nối. Chúng ta đã nói về điều này trong một thời gian dài nhưng thật ra chúng ta vẫn chưa đạt đến đó. Tuy nhiên trong vòng mười năm tới sẽ có một cuộc cách mạng xung quanh ý tưởng đưa mạng kết nối đến mọi vật ở mọi nơi”.
Cơ chế hoạt động của mạng kết nối sự vật
Theo ông Bell, có ba yếu tố của mạng kết nối sự vật. Trước hết, phải có bộ điều khiển cảm ứng gắn với thiết bị. Tiếp đó phải có bộ điều khiển áp dụng trên các thiết bị này của người chủ sử dụng thiết bị hoặc do người quản lý mạng, các nhà cung cấp dịch vụ công cộng khác nhau như điện hoặc nước.
Ông cũng cho biết thêm yếu tố cuối cùng trong hệ thống mạng kết nối sự vật này là một cơ chế phản hồi được tạo ra khi các tính năng điều khiển và cảm ứng được lắp đặt sẵn trong các thiết bị và cho phép thu thập và tổng hợp thông tin. Ông Bell cho rằng sự tổng hợp thông tin này có thể sẽ diễn ra trong một ‘đám mây’ khổng lồ (tức là trong những thiết bị máy tính lớn tương tự những máy mà Google, Microsoft, IBM sử dụng) và tạo nên một cơ hội kinh doanh lớn.
Gordon Bell không phải người duy nhất có nhận định trên. Mark Pesce, một nhà vị lai học đồng thời cũng là nhà phê bình công nghệ tại Sydney tin rằng thách thức lớn cho mạng Internet kết nối sự vật là việc quản lý một lượng thông tin khổng lồ không ngừng được tạo ra từng phút từng giây. ‘Quản lý tất cả những dữ liệu như thế sẽ là một thách thức lớn, nhưng cũng là một cơ hội kinh doanh lớn”, Pesce nói.
Bên cạnh đó, quyền riêng tư cá nhân cũng là một vấn đề nữa. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có khả năng tự khám sức khỏe cho chính mình tại nhà nhờ vào các thiết bị cảm ứng từ xa có thể đo chiều cao, cân nặng, nhiệt độ và huyết áp của chúng ta? Ai sẽ là người quản lý những dữ liệu này, và ai sẽ đưa ra kết luận về tình trạng sức khỏe của chúng ta dựa trên các dữ liệu đó? Google chăng? Hay là Chính phủ? Hay là ai đó khác nữa?
Vậy chúng ta có thể sẵn sàng cho một mạng kết nối các sự vật hay chưa?
Ý kiến khả quan nhất có lẽ là hãy nắm bắt lấy nó. Mạng sự vật không phải chỉ dành cho những người tiêu dùng cao cấp, nó đã và sẽ rất gần với tất cả mọi người trong cộng đồng.
Những xe hơi đời mới bây giờ đều đã có trang bị hệ thống định vị GPS và con quay cảm ứng. Hãng Holden vừa giới thiệu loại xe thông minh áp dụng vào dòng xe chủ đạo Commodore – mẫu xe trung tâm của Hãng này.
Vậy còn cơ thể chúng ta thì sao? Người khổng lồ công nghệ Intel đã sản xuất thiết bị kiểm soát sức khỏe tại nhà kết nối Internet và đang trong quá trình thử nghiệm tại nhiều địa phương khác nhau trên thế giới.
Nhưng bí quyết của những thiết bị này không chỉ ở chỗ chúng thông minh. Elmo cũng khá thông minh, nếu so với một đồ chơi xa xỉ. Nhưng chính phiên bản kế tiếp của thứ đồ chơi xa xỉ đó – thứ đồ chơi có thể dễ dàng kết nối Internet – sẽ là sứ giả khởi nguồn cho mạng sự vật. Điều cốt lõi chính là sự kết nối, chứ không phải những thiết bị thông minh bên trong.
“Bản chất của vấn đề là tất cả các thiết bị này chỉ có thể thông minh khi bạn bắt đầu tổng hợp tất cả các dữ liệu và khai thác dữ liệu đó theo một dạng thức nhất định, cho dù đó là về sức khỏe của bạn, hay là con đường bạn đi làm hàng ngày. Mọi thứ đều được kết nối. Sau đó chỉ còn là vấn đề tập hợp dữ liệu và tìm kiếm dạng thức của dữ liệu. Và đây chính là mảnh đất cho những cơ hội kinh doanh của thập kỷ tới đây”, Gordon Bell tiên đoán.
Điều mà chuyên gia máy tính Bell nói có ý nghĩa thế nào với bạn và tôi? Chúng ta còn phải chờ xem đã. Song điều chúng ta có thể chắc chắn là đây sẽ là cuộc chơi cuồng nhiệt với những thứ ‘đồ chơi’ công nghệ xa xỉ, hoặc có thể theo hướng ngược lại.
Nguồn The internet of things – Joshua Gliddon/(Bayvut.au)