Ngành Khoa học xã hội & nhân văn có phải lùi bước cũng không sao cả.

(hieuhoc_hieuhoc.com) Hầu như khắp nơi trên thế giới, khoa học xã hội & nhân văn đang thúc thủ và sẽ phải tiếp tục lùi bước trước những khao khát thành công kinh tế. Các ngành khoa học xã hội và văn chương từng được giảng dạy ở bậc Đại học, theo thời gian ngày càng bị lơ là và đang dần biến mất trong ý muốn chọn lựa ngành học của sinh viên.

Trước hiện trạng như vậy, nhiều ý kiến trăn trở và cảnh báo: “Giáo dục Đại học đi về đâu?”. Tuy nhiên, thực tế thì “Giáo dục có khủng hoảng toàn cầu” vì biến động thụt lùi của ngành Khoa học xã hội & Nhân văn như những “lý thuyết gia” đang kêu gào hay không?

Những người giỏi kỹ thuật vẫn có thể là công dân hoàn chỉnh, lương thiện. Họ có khả năng tự tư duy, biết đặt lại các vấn đề, hiểu được nỗi đau và hành động của người khác, có khi còn tốt hơn người không giỏi kỹ thuật và tốt hơn những kẻ chỉ biết hô hào lý thuyết suông. Phải vậy không?

Khoa học xã hội & nhân văn đang phải thúc thủ và lùi bước do tính sinh lãi kém của nó, đó là thực tế. Nhưng không sao cả. Bởi liên quan đến giáo dục, đầu tư cho giáo dục, lưu tâm đúng mức đến việc giáo dục con cái, chuẩn bị cho chúng một tương lai đâu phải là nhiệm vụ riêng của ngành Khoa học xã hội, đâu phải chỉ có ngành khoa học xã hội mới đủ khả năng mang lại hạnh phúc?

Vả lại, “có thực mới vực được đạo”, lớp trẻ cần những kỹ năng hữu dụng và phù hợp nhất với thực tế. Để làm sao cho sinh viên có thể kiếm được việc làm tương xứng với khả năng, đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội sau khi ra trường. Vì thế, không nên phàn nàn khi sinh viên thích khoa học công nghệ hơn khoa học xã hội & nhân văn, cho dù ngay cả những đại học nổi tiếng trong lĩnh vực nghệ thuật và văn chương giờ cũng phải chạy vạy để lo mở các khoa công nghệ, kinh tế và y dược.

Nhân văn là cái học suốt đời, bây giờ học, sau này học, ai cũng phải học và có rất nhiều cách, nhiều phương tiện để học, không nhất thiết phải vào Đại học để nghe rao giảng Nhân văn.

Cũng đúng thôi, cũng bởi trên thực tế, có rất nhiều, rất nhiều nhà văn, nhà báo, thi sĩ, nhạc sĩ… thành công và thành danh, đã đóng góp rất lớn vào sự nghiệp xã hội khi nghề nghiệp chính của họ lại thuộc các ngành công nghệ, kỹ thuật, kinh tế. Rõ ràng, họ đã được đào tạo để là nhà kinh doanh, nhà toán học, vật lý học, là bác sĩ, là kỹ thuật viên và cả những người chưa từng bước chân vào giảng đường đại học, nhưng ai có thể bảo rằng họ không hiểu được nỗi đau đồng loại chỉ vì họ lỡ mê thích chuyên môn kỹ thuật khoa học?

Sinh viên Trung Quốc bước vào điểm thi đại học 2010 tại Cam Túc ngày 7-6 (Ảnh: Getty Images). “Giáo dục Đại học đi về đâu?”-Tự tin vào đời hay phải chịu mặc cảm bơ vơ bởi những điều hù dọa không thực tế của mấy “triết gia”?

Hẳn nhiên, khoa học xã hội & nhân văn không phải là thứ phụ tùng vô ích, là thứ nên xem nhẹ, là thứ đáng bị lơ là. Nhưng để có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới, để phát triển kinh tế, để giải quyết đói nghèo, để ước mơ thành hiện thực , thì những ngành khoa học, công nghệ, kinh tế cũng cần phải được phát triển hơn nữa.

Trong khi đó, Nhân văn là cái học suốt đời, bây giờ học, sau này học, ai cũng phải học và có rất nhiều cách, nhiều phương tiện để học, không nhất thiết phải vào Đại học để nghe rao giảng Nhân văn. Nhưng để có nghề, để không phải chịu cảnh thất nghiệp, để không phải ăn bám là chuyện trước mắt, là việc ngay bây giờ ai cũng quan tâm. Cho nên, ngành Khoa học xã hội & nhân văn nếu có phải lùi bước trước các ngành khoa học kỹ thuật, ngoại ngữ kinh tế…; nếu chỉ còn lại số ít sinh viên có hoài bảo, có điều kiện, có tư chất riêng muốn theo học thì cũng không sao, tinh hoa đâu cứ phải là số đông. Khi cuộc sống thật sự cần, tự khắc người ta sẽ đáp ứng, có gì đâu mà phải kêu gào?

Văn Nghi Quân (hieuhoc_hieuhoc.com)

Cùng chuyên mục