Dù đã lên làm “sếp” nhưng không ít doanh nhân vẫn nhớ những kỷ niệm khó quên về các bậc tiền bối của mình. Đó không hẳn là những thứ cao siêu mà thay vào đó là những câu chuyện rất sinh động, đời thường.
Anh Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sách Thái Hà, chia sẻ: “Nểu kể về sếp của mình, tôi có thể viết một bộ sách. Vì mỗi sếp là một đồng nghiệp, một người bạn, một người thầy rất lớn”.
Một trong những người sếp để lại trong anh Hùng nhiều ấn tượng, cảm phục nhất là ông Trương Gia Bình, nguyên chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT. Anh Hùng kể, hồi anh còn làm Phó tổng giám đốc của tập đoàn này, thỉnh thoảng anh và ông Bình cùng đi công tác nước ngoài. Có một chuyến đi ở một nước mà nhờ cố vấn của Đại sứ quán Việt Nam tại nước đó, lãnh đạo FPT sẽ có cuộc gặp gỡ và nói chuyện với phó Tổng thống của quốc gia này.
“Lúc đó, anh Bình giao cho tôi soạn công văn. Với vốn tiếng Anh và kinh nghiệm của mình, tôi nhanh chóng soạn một văn bản mà tự thấy rằng khá hoàn hảo. Tuy nhiên khi mang đưa cho anh Bình xem, anh sửa cho tôi 4 lỗi. Lỗi lớn nhất, hay nhất và tôi không bao giờ quên là với những chức vụ cao không thể dùng “Dear Mr…” mà phải “Your Excellency…”.
“Anh Bình là người thầy tuyệt vời của tôi không chỉ trong cách sống giản dị, tinh thần là việc không mệt mỏi, sự sáng tạo trong công việc, khả năng thuyết phục người nghe, trong lãnh đạo và quản trị doanh nghiệp mà cả trong việc học ngoại ngữ!”, anh Hùng hài hước nói.
Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội Vũ Vĩnh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội kể chuyện, dù công việc hàng ngày tiếp xúc với rất nhiều lãnh đạo trong lĩnh vực thương mại, song vị sếp mà ông nhớ nhất lại là những vị lãnh đạo của thời bao cấp.
Khoảng những năm 1976 đến 1985, ông Phú làm trưởng phòng kế toán của Công ty Bách hóa Hà Nội. Ông kể thời buổi đó, lãnh đạo ai cũng rất gương mẫu, thương anh em, đồng nghiệp, sống đồng cam cộng khổ. Họ cũng là những người rất có tài, lăn lộn tìm nguồn hàng và tổ chức kinh doanh, tìm đường sống cho doanh nghiệp. Cuộc sống của những lãnh đạo và gia đình họ khi đó rất đơn giản, cũng như bao gia đình khác, thế nên không bao giờ lãnh đạo có tư tưởng vơ vét, tư lợi cho bản thân mình. Họ vẫn ăn cơm cạp lồng mang từ nhà đi như bao nhân viên khác, vẫn đi xe đạp Vĩnh Cửu… Người sếp mà ông Phú nhớ nhất là ông Nguyễn Hữu Kiểu, Phó giám đốc Công ty Bách hóa Hà Nội thời kỳ bao cấp, bởi sự tận tụy và yêu thương anh em đồng nghiệp hiếm có của người lãnh đạo này.
Ông Phú kể, có lần vì thương cảnh nhân viên ăn uống khổ sở khi thấy những suất cơm cạp lồng họ mang từ nhà đi chỉ có chút rau, mắm, nhân ngày nghỉ ông Kiểu đã rủ một vài người bắt tàu hỏa từ Hà Nội vào Thanh Hóa, sau đó bắt xe lên tận các vùng sâu vùng xa của tỉnh này để tìm mua vài con heo mang về Hà Nội xẻ thịt chia cho nhân viên. Khi đó, mỗi nhân viên được mang một vài ký thịt heo về nhà để cải thiện bữa ăn cho gia đình là một niềm vui khôn tả.
“Nhiều lãnh đạo cũ của tôi, khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới và phát triển chóng mặt, thì họ vẫn sống cuộc sống giản đơn, đạm bạc. Sau này tôi cũng là lãnh đạo và hình ảnh về những người sếp thời bao cấp luôn nhắc nhở tôi về các giá trị của cuộc đời”, ông Phú tâm sự.
Còn giám đốc một công ty con của Tập đoàn Phúc Thanh kể, có một người sếp mà anh rất quý trọng, đó là sếp tổng của anh, ông Nguyễn Đức Thanh, chủ tịch HĐQT tập đoàn. “Đã là sếp thì ít nhiều người ta phải có tài. Cái tài là cái làm tôi phục, song không phải là cái khiến tôi nhớ về một người. Điều tôi ấn tượng nhất ở sếp tổng của mình là khiếu hài hước, những câu nói tếu đầy dí dỏm và sự quan tâm, gần gũi của anh tới anh em đồng nghiệp, nhân viên. Điều này thể hiện qua từng cử chỉ nhỏ, như cách sếp gọi tên nhân viên rất thân mật, nào là Giang còi, Hà béo… Sếp tận tình, quan tâm, rất hay hỏi han, động viên nhân viên khi sức khỏe họ không tốt, gia đình họ có chuyện buồn hoặc khi họ làm việc vất vả… Sếp đi công tác vẫn thường mua quà cho mọi người, rất nhiều lần đích thân sếp chọn mua từng món quà nhỏ cho từng nhân viên trong công ty, như ví, son môi, nước hoa, dao cạo râu, bút ghi âm…
Khi nói đến sếp nam, người ta hình dung ngay đến một người đàn ông tài giỏi, lịch lãm mà quyết đoán. “Sếp cũ của tôi là người rất quyết đoán, nói một là một, hai là hai, mà đã nói là phải làm…”, anh Bình, giám đốc kinh doanh một doanh nghiệp chuyên sản xuất thực phẩm, nông sản, dầu ăn tại miền Bắc nói. Nhưng điều bất ngờ là, anh đang kể về một vị… sếp nữ chứ không phải nam.
Anh Bình kể một câu chuyện nhỏ cho thấy vị sếp nữ của mình quyết đoán như thế nào. Khi anh còn là nhân viên kinh doanh của công ty này, một lần anh có cuộc hẹn với một khách hàng tại một quán cafe, đợi hơn một tiếng đồng hồ mà vị khách kia không đến, gọi điện họ không nhấc máy. Anh Bình gọi về cho sếp hỏi ý kiến. Vị sếp nữ nghe xong, nói luôn: “Em có thể về. Mình không cần những khách hàng bê trễ và coi thường người khác như thế”.
Khi anh Bình về công ty một lúc thì phía bên kia gọi lại, giải thích nguyên nhân đến muộn và ngỏ ý qua gặp tại công ty. Nhưng sếp nữ của anh từ chối và nói: “Em hãy lấy một lý do phù hợp để ngừng giao dịch với họ”.
“Tôi kể câu chuyện này không phải để nói sếp cũ của tôi làm vậy là nên hay không, mà mỗi người có một quan điểm khác nhau về công việc, có người nhẫn nhịn và rất chiều khách hàng, đôi khi quyết đoán như sếp tôi chưa hẳn đã tốt, mà có thể để lỡ mất một đơn hàng. Nhưng điều tôi phục sếp ở đây, dù là phụ nữ nhưng chị rất quyết đoán, không dùng dằng, dám chấp nhận hậu quả. Vì thế nên với những sự kiện quan trọng trong công việc và cuộc sống, chị không mất nhiều thời gian để chọn lựa. Chị chỉ cần biết mình cần điều gì, mong muốn điều gì và đi theo cái kim chỉ nam ấy. Điển hình là việc chị chỉ mất một ngày để quyết định nghỉ làm nhà nước, ra mở công ty riêng. Điều này ở chị tôi còn phải học nhiều”, anh Bình tâm sự.
Theo: Đông Nhiên (Kinh tế/DVO)