Ngay từ nhỏ chúng ta đã được làm quen với origami thông qua những mẫu gấp hạc, máy bay giấy, môn thủ công ở trường, tất cả đều là nghệ thuật xếp giấy.
– Xếp hình 3D trong thiệp giấy
Không ồn ã, náo nhiệt như các câu lạc bộ đang hoạt động trong cung văn hóa Hữu nghị Việt Xô, căn phòng 203 nhường chỗ cho sự tĩnh lặng, tập trung của những thành viên diễn đàn Origami Việt Nam (VOG). Ra đời từ năm 2005, diễn đàn đã trở thành ngôi nhà chung cho những bạn trẻ có niềm đam mê với môn nghệ thuật đến từ Nhật Bản này. (Anh Cường đang hướng dẫn thành viên mới những mẫu gấp đơn giản. – Ảnh: Quốc Dũng)
Khi nghệ thuật là sự kiên trì
Từ Origami được dùng để chỉ việc gấp những tờ giấy phẳng thành những hình dạng khác nhau, từ côn trùng, cỏ cây hoa lá, cho đến những con vật trong truyền thuyết như rồng, phượng, hay thậm chí là cả hình bóng thiếu nữ trong tà áo dài thướt tha… Tất cả đều có thể từ một tờ giấy vuông.
Các nhà khoa học trên thế giới đã chứng minh vai trò của Origami trong phát triển tư duy trừu tượng và hình thành nhân cách. Tại một số nước, Origami còn được đưa vào chương trình giảng dạy tại trường học. Mới đây ở Việt Nam, trường Quốc tế Việt – Úc cũng đưa Origami vào giảng dạy như một môn học ngoại khóa.
Anh Nguyễn Xuân Tùng, thành viên quản trị – của VOG đồng thời là người giảng dạy về Origami cho các em học sinh cấp 2 và cấp 3 của trường Quốc tế Việt – Úc, nói: “Ngay từ nhỏ chúng ta đã được làm quen với origami thông qua những mẫu gấp hạc, máy bay giấy, môn thủ công ở trường, tất cả đều là nghệ thuật xếp giấy”.
“Kiên trì, sáng tạo, đam mê và sở thích” là những yếu tố cần thiết để theo đuổi Origami. “Kiên trì là yếu tố then chốt nhất, quan trọng nhất” – anh Tùng nhận định. Một tác phẩm được xem là thành công không phải ở độ phức tạp mà thông qua cái hồn của nó. Chỉ có kiên trì, bền bỉ, thử đi thử lại nhiều lần trong khi gấp, kết hợp nhiều cách gấp khác nhau thì mới có thể thổi được cái hồn, cái sống động vào trong mẫu gấp.
Điều đáng ngạc nhiên là những thành viên sinh hoạt đều đặn nhất trong câu lạc bộ của VOG đều là những con người có tuổi đời còn rất trẻ, hầu hết đều thuộc thế hệ 9x, vốn luôn được coi là thiếu kiên nhẫn và chịu đựng. Thạch – sinh viên năm thứ nhất Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội cho biết “Em đến với Origami từ năm lớp 9 và gắn bó đến tận bây giờ”. Khi đến với câu lạc bộ, các thành viên mới dù chưa biết gì cũng đều được mọi người quan tâm và hướng dẫn hết sức nhiệt tình.
Non trẻ nhưng không hề yếu thế
Thành lập từ tháng 3 năm 2005, Origami.vn là diễn đàn đầu tiên và lớn nhất của Origami Việt Nam. Hiện nay, VOG thu hút hàng nghìn bạn trẻ tham gia rải rác cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Trong đó Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là hai nơi có số thành viên đông nhất và có tổ chức hoạt động câu lạc bộ cố định. Từ chỗ hoạt động mới chỉ dừng lại ở việc tập hợp những người chung sở thích, trao đổi với nhau cách gấp hình qua mạng Internet, các thành viên đã có địa điểm để hàng tuần có thể gặp nhau và trực tiếp chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm của nhau.
Diễn đàn còn là nơi tham gia của rất nhiều thành viên nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà tên tuổi còn lan sang tận Anh, Pháp, và cả Nhật Bản – quê hương của Origami. Có thể kể đến những cái tên như: Hoàng Trung Thành, Nguyễn Hùng Cường, Hoàng Tiến Quyết, Đào Cương Quyết,… Trong đó, mẫu gấp đại bàng của Nguyễn Hùng Cường và Swordman của Hoàng Trung Thành đã được tạp chí Origami Tanteidan Convention (Nhật Bản), Hội Origami BOS (Anh) vinh danh. Theo đánh giá của anh Tùng thì “Cho đến tận bây giờ, cánh đại bàng trong mẫu gấp của Nguyễn Hùng Cường vẫn được coi là đẹp nhất, chi tiết nhất”.
Ngoài ra, rất nhiều mẫu gấp được các bạn trẻ trên diễn đàn sáng tác và gửi đi tham dự các cuộc thi, triễn lãm ở trong và ngoài nước. Chính điều đó đã khiến các thành viên VOG tự tin khẳng định rằng tuy sinh sau đẻ muộn nhưng Origami Việt không hề thua kém bạn bè quốc tế.
Đôi điều trăn trở
Origami từ lâu đã trở thành một bộ môn nghệ thuật được đông đảo các bạn trẻ yêu mến. Không bất ngờ phát triển mạnh mẽ rồi phụt tắt như những trào lưu thông thường khác, Origami như một ngọn lửa cháy âm ỷ không bao giờ dứt, cuốn hút mọi người đến với nó bằng lòng kiên trì và sự sáng tạo. Đó chính là hai yếu tố tạo nên sức hấp dẫn và thúc đẩy hoạt động Origami phát triển.
Thế nhưng tại Việt Nam hiện nay, nhiều người vẫn còn chưa biết và quan niệm đúng về môn nghệ thuật này. “Nhiều người chưa có đánh giá đúng mức về Origami, cho rằng nó chỉ để giải trí hoặc thậm chí là vô bổ”, Trần Hồng Quân (Đại học Xây dựng) tâm sự.
Tính kiên trì, đặc điểm thu hút của origami, cũng là một rào cản lớn đối với không ít các bạn trẻ. Bản thân Quân cũng đã từng gặp rất nhiều người ban đầu khi nhìn thấy cậu gấp đã tỏ ra rất hứng thú với Origami nhưng khi gặp phải những đoạn gấp khó là họ lập tức tỏ ra chán nản và từ bỏ.
Một vấn đề quan trọng nữa chính là vấn đề bản quyền. Rất nhiều mẫu gấp được chia sẻ rộng rãi trên mạng dù chưa được sự cho phép của tác giả. Smod Kiminha, thành viên của VOG, đã phát biểu trên diễn đàn: “Đến một lúc nào đó bỗng nhiên mình có thể nhận được một mẫu gấp do người khác gửi tới mình trong khi mẫu gấp đó lại là của chính mình. Lúc đó cảm giác cũng thật khó nói. Có thể đó là một chút cảm giác vui sướng khi người khác chú ý đến mẫu của mình, nhưng trên hết vẫn là cảm giác khó chịu, đơn giản vì nó đã được phát tán công khai mà không có sự đồng ý của mình”.
Các thành viên gạo cội của VOG phần nhiều đã đi làm và bận bịu với công việc, thế nhưng không vì thế mà từ bỏ niềm đam mê với Origami. Anh Tùng vẫn thường xuyên đến câu lạc bộ để hướng dẫn mọi người. Anh và các thành viên trong diễn đàn đều mong mỏi sẽ ngày càng có nhiều bạn trẻ Việt Nam thực sự yêu thích và chung tay góp sức xây dựng bộ môn nghệ thuật này, để nó ngày càng được nhân rộng và phát triển.
Theo: (Bayvut.au)