Trào lưu học thêm ngoại ngữ mới


Mùa hè là khoảng thời gian sôi động với tất cả các bạn trẻ. Bên cạnh việc tham gia vào các hoạt động vui chơi giải trí, rất nhiều bạn đang lên lịch hè cho mình với những lớp học thêm ngoại ngữ. Điều thú vị là Tiếng Anh không còn là sự lựa chọn tuyệt đối như trước nữa, thay vào đó, giới trẻ đang tiếp cận với những ngoại ngữ mới như tiếng Trung, Hàn, Nhật, Tây Ban Nha, Ý….

Muôn vàn lý do “tầm sư”

Sống trong thời kỳ hội nhập quốc tế, cạnh tranh công việc diễn ra ngày càng quyết liệt, do đó ngôn ngữ thứ hai, thứ ba đang trở thành chìa khóa mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người trẻ. Thu Trang, sinh viên trường Đại học Ngoại thương tâm sự về lý do tìm đến với tiếng Nhật của mình: “Ngày nay ngoại ngữ là một phần không thể thiếu đối với bất kỳ ai muốn tìm cho mình một công việc tốt. Trong khi tiếng Anh đã trở nên quá phổ cập, do vậy không thể sử dụng nó như một lợi thế rõ rệt được. Vì thế, mình quyết định học thêm một ngoại ngữ khác nữa, vừa để bổ sung kiến thức cho bản thân, vừa tìm thêm cơ họi việc làm trong tương lai sắp tới”.

Bên cạnh đó, có nhiều bạn trẻ tìm đến những ngoại ngữ mới bởi những lý do vô cùng hồn nhiên. Hà, sinh viên năm ba trường Đại học Phương Đông, đã tìm đến với tiếng Trung theo cách đó. Xuất phát từ việc thần tượng nam ca sĩ Jay Chou, cô bạn đã quyết tâm đăng ký vào khoa tiếng Trung của một trường đại học với hy vọng một ngày nào đó sẽ gặp và nói chuyện được với thần tượng của mình.

Những trải nghiệm lý thú

Để theo học những thứ tiếng mới mẻ này với các bạn trẻ không phải là đơn giản. Rất nhiều những khó khăn mà người học không thể tránh khỏi. Từ địa điểm, giáo viên, giáo trình, đến cơ hội thực hành… tất cả đều là những rào cản không hề nhỏ. Thế nhưng nhiều bạn lại coi đó như những thử thách thú vị, đôi khi còn làm tăng thêm sự thích thú đối với những “ngoại ngữ mới” này.

Ngọc Quyên, sinh viên năm ba lớp Báo mạng điện tử, Học viện Báo chí & Tuyên truyền chia sẻ quá trình học tiếng Tây Ban Nha của mình: “Việc tìm được một lớp học tiếng Tây Ban Nha phù hợp với bản thân là cả một nỗ lực lớn của mình. Học phí cao, giáo trình viết bằng tiếng Anh, rất hiếm sách và tài liệu hỗ trợ cộng thêm không nhiều cơ hội trau dồi kỹ năng giao tiếp vì thiếu đĩa CD cũng như ít người học….”

Khó khăn khi học ngoại ngữ mới khiến không ít bạn trẻ phải từ bỏ từ rất sớm. “Việc một vài học viên “biến mất” sau vài tuần học đầu tiên cũng là chuyện dễ gặp”, Quyên nói tiếp, “riêng đối với mình, cũng có lúc cảm thấy khá mệt mỏi, nhưng rồi mỗi khi vượt qua được cảm giác đó, mình lại càng thấy yêu thích thứ tiếng này hơn”.

Từ thử nghiệm thành đam mê

Rất nhiều bạn trẻ, khi bắt đầu theo học các lớp ngoại ngữ mới này, chỉ có ý định “học qua cho biết”. Một phần trong số đó đã nhanh chóng lùi bước khi phải đối mặt với những khó khăn và bất lợi trong quá trình học. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ lại tỏ ra vô cùng thích thú và ngày càng bị lôi cuốn theo. Biết đọc, biết nói, hiểu thêm về văn hóa của đất nước khác chính là những điểm hấp dẫn, gắn bó các bạn lâu dài với môn ngoại ngữ.

Không chỉ vậy, việc thành thạo “ngoại ngữ thứ ba” đối với nhiều bạn sinh viên lại trở thành ưu thế lớn trên con đường lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai. Cùng với việc hội nhập quốc tế, những ngoại ngữ mới ngoài tiếng Anh cũng dần được coi trọng, mở ra một hướng đi mới cho người trẻ Việt Nam. Các học bổng quốc tế, những cơ hội làm việc tại các công ty nước ngoài với mức lương hấp dẫn luôn rộng mở đối với những ai theo đuổi thêm môn “ngoại ngữ thứ ba”, và đó rất có thể sẽ là tiền đề cho thành công của các bạn trẻ trong tương lai.

Mùa hè không chỉ có vui chơi, việc tìm đến những lớp học ngoại ngữ mới như thế này đã và đang ngày trở thành sự lựa chọn yêu thích của nhiều bạn trẻ. Có thể nói, chính điều này khiến mùa hè của các bạn trở nên thú vị và có ý nghĩa hơn rất nhiều.

Theo: (Lê Anh Việt/VietNamnet)

Bài liên quan

Tuyển sinh 2011: Ngành ngoại ngữ

(hieuhoc_hieuhoc.com) Nhóm ngành ngôn ngữ và văn hóa nước ngoài: Ngành tiếng Anh – tiếng Anh thương mại, tiếng Pháp, song ngữ Nga – Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Đức... Tốt nghiệp có thể làm công tác biên dịch, phiên dịch, cho các cơ quan văn hóa xã hội, ngoại giao, các tổ chức khoa học kỹ thuật, kinh tế, xã hội, các viện nghiên cứu hoặc làm công tác nghiên cứu giảng dạy trong lĩnh vực liên quan đến ngôn ngữ đã tốt nghiệp. 

Cùng chuyên mục