Những nữ lãnh đạo xuất thân danh giá tại châu Á

>Các cử tri ở châu Á ngày càng chấp nhận những nữ chính trị gia. Vì thế, đã sắp đến lúc phụ nữ hiện diện nhiều hơn trong đời sống chính trị châu Á

Từ trái sang phải: Cựu Thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto, Thủ tướng sắp nhậm chức của Thái Lan Yingluck Shinawatra và cựu Tổng thống Philippines Corazon Aquino – Ảnh: AFP

Với sự tín nhiệm của Quốc hội, nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan đã gia nhập vào một danh sách dài những nữ lãnh đạo vươn lên đến đỉnh cao quyền lực nhờ mối quan hệ gia đình tại châu Á.

Chính trị gia tập sự Yingluck Shinawatra gần như đi từ vô danh đến trở thành người chiến thắng chỉ trong vòng vài tuần, sau khi người anh trai, cựu Thủ tướng lưu vong Thaksin, tán thành việc đề cử bà làm ứng cử viên của đảng Puea Thai và bảo đảm với cử tri rằng bà chính là “nhân bản vô tính” của ông.

Quá trình vươn lên của bà Yingluck phản ánh câu chuyện xảy ra tại khắp châu Á, với một tập hợp những phụ nữ mà tên tuổi dòng họ đã thúc đẩy họ đến với quyền lực, thường là sau cái chết của một người đàn ông trong gia đình.

Vụ ám sát người chồng Solomon Bandaranaike đã dẫn tới việc bà Sirimavo Bandaranaike ở Sri Lanka trở thành nữ thủ tướng đầu tiên trên thế giới vào năm 1960. Hơn hai thập kỷ sau đó, bà nội trợ người Philippines, Corazon “Cory” Aquino cũng vươn lên đến đỉnh cao quyền lực.

Tại Ấn Độ, bà Indira Gandhi thừa hưởng cương vị lãnh đạo từ người cha Jawaharlal Nehru – đây cũng chính là con đường mà bà Benazir Bhutto ở Pakistan và bà Megawati Sukarnoputri ở Indonesia trải qua.

Các nhà phân tích cho rằng hiện tượng này phần nhiều gắn liền với sự phổ biến của các triều đại chính trị trong khu vực hơn là sự cải thiện quyền bình đẳng giới.

Ông Paul Chambers, nhà nghiên cứu cao cấp tại Đại học Payap ở thành phố Chiang Mai (Thái Lan) nói rằng, các phụ nữ châu Á không được xem là những lãnh đạo chính trị trong nền văn hóa gia trưởng ở khu vực.

Tuy nhiên, sự thống trị của những gia đình giàu có tại các đảng phái chính trị đã tạo cơ hội cho phụ nữ – như một phương kế cuối cùng, theo ông Chambers.

“Tính di truyền quan trọng vì các lãnh đạo đảng thường tin tưởng người thân của họ và muốn giữ quyền lãnh đạo ở lại trong nội bộ gia đình. Ở những nơi mà các nhà lãnh đạo chính trị không có sẵn người thân là con trai, họ sẽ chuyển sang những người con gái”, ông Chambers nói với AFP.

Các triều đại chính trị cũng hiện diện ở những nơi khác trên thế giới, song châu Á thu hút nhiều sự chú ý bởi hiếm có nữ lãnh đạo tại khu vực này đến với quyền lực thông qua một con đường khác.

Tại Thái Lan, các nhà phân tích nói bà Yingluck được các cử tri ưa thích vì sự mới mẻ về giới tính, sự trẻ trung và vẻ ngoài ưa nhìn của bà.

Phó giáo sư về Khoa học Chính trị tại Đại học Quản trị Singapore, Bridget Welsh nói bà Yingluck rốt cuộc sẽ được phán xét dựa trên những thành tích của mình song bổ sung rằng một khi được trao quyền chấp chính, những nữ lãnh đạo tại châu Á thường để lại một “di sản lẫn lộn”.

Bà Yingluck là một doanh nhân có uy tín trước khi đến với quyền lực tại một đất nước vốn tự hào rằng họ đứng đầu thế giới về tỉ lệ có mặt của phụ nữ trong lĩnh vực quản trị cao cấp, theo nghiên cứu của hãng tư vấn Grant Thornton vào đầu năm nay.

Tuy nhiên, chiến thắng của bà phần lớn được xem là thuộc về người anh trai Thaksin thay vì là một bước nhảy vọt của phong trào phụ nữ tại Thái Lan.

Phụ nữ Thái Lan vốn chỉ giành được 13% số ghế trong cuộc bầu cử ở Hạ viện vào năm 2007, theo số liệu của Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU).

IPU cho biết tỉ lệ trung bình của phụ nữ tại các nghị viện trên thế giới là 19,5% trong khi ở châu Á là 18,3% và tại Thái Bình Dương là 12,4%.

Vẻ bề ngoài có thể là một vốn quý cho các nữ chính trị gia như cách truyền thông Ấn Độ từng xôn xao với chuyến thăm của nữ ngoại trưởng xinh đẹp người Pakistan Hina Rabbani Khar.

Tờ báo Navbharat Times ở Ấn Độ cho hay hình mẫu bộ trưởng hiện đại của Pakistan đã có tác động tích cực tức thời tới một trong những mối quan hệ song phương căng thẳng nhất trên thế giới.

Các khu vực lân cận như New Zealand và Úc vốn chứng kiến các phụ nữ trở thành lãnh đạo nhờ những phẩm chất của chính họ. Song thậm chí tại đó, việc có một nữ lãnh đạo không bảo đảm rằng thành kiến về giới tính đã không còn.

Ở Úc, nơi bà Julia Gillard hiện là thủ tướng, một tranh cãi về sự phân biệt giới tính đã nổ ra ở nghị viện vào tháng 6, khi một nam nghị sĩ chế giễu một nữ bộ trưởng bằng cách giả tiếng mèo kêu với bà này.

Tuy thế, mọi chuyện có vẻ như đang thay đổi tại khu vực. Ở Đài Loan, lãnh đạo đối lập Thái Anh Văn đang chạy đua để trở thành nữ lãnh đạo đầu tiên của hòn đảo này trong cuộc bầu cử vào tháng 1.2012 mà không có sự hỗ trợ của một người đàn ông tiền nhiệm trong gia đình.

“Từng chứng kiến nhiều nữ lãnh đạo, các cử tri ở châu Á ngày càng chấp nhận những nữ chính trị gia. Vì thế, đã sắp đến lúc phụ nữ hiện diện nhiều hơn trong đời sống chính trị châu Á”, ông Chambers nói.

Theo: (Thế giới/TNO)

Bài liên quan

Người anh hùng của năm 2010

  Hãng thông tấn CNN ngày 21/11 đã chính thức công bố danh hiệu “Người anh hùng của năm 2010” thuộc về bà Anuradha Koirala, người có công giải cứu 12.000 phụ nữ và bé gái thoát khỏi nô lệ tình dục.    

Bà chủ của tập đoàn hạt nhân Areva.

Từ một nhà khoa học trẻ xuất sắc, trở thành chính trị gia, rồi gia nhập ngành công nghiệp năng lượng nguyên tử, Anne Lauvergeon đã chứng tỏ: tài năng và ý chí của người phụ nữ có thể khiến cả thế giới thán phục.

Tỷ lệ nữ trong lĩnh vực kỹ thuật ngày càng cao

(Hiếu học) Những năm gần đây, nguồn nữ kỹ sư, nữ kỹ thuật viên trong lĩnh vực kỹ thuật chưa nhiều nhưng đã bắt đầu có sự gia tăng. Các doanh nghiệp rất cần những kỹ sư giỏi, không phân biệt nam hay nữ, nhất là lĩnh vực có tính chuyên môn cao. Cơ hội công việc tùy vào... 

Cùng chuyên mục