Học và thành công là mơ ước của tất cả mọi người, là niềm đam mê không của riêng ai. Nhưng để có được những thành công ngoài sự thiên phú, năng khiếu bẩm sinh thì nỗ lực của bản thân là một yếu tố quyết định. Trong số những người trẻ tuổi thành công ở Việt nam chúng ta không thế không nhắc đến Kiều Việt Liên – Nữ tiến sĩ trẻ tuổi nhất Việt Nam.
Cuối năm 2006, tin cô gái VN nhỏ bé vừa bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại trường ĐH danh giá Cambridge – Anh quốc ở tuổi 25 đã gây ra những xôn xao. Là 1 trong 50 người được nhận thư từ Bill Gates với lời chúc: “Mong rằng bạn sẽ là một trong số các nhà lãnh đạo có thể thay đổi thế giới”, cô gái ấy đang trở thành một nhà khoa học nghiên cứu trong lĩnh vực chắc chắn là xa lạ với đại đa số người trẻ VN hiện tại. Đó là nữ tiến sĩ trẻ nhất VN – Nguyễn Kiều Liên.
Đến Cambridge bằng học bổng của Bill Gates
Khi còn học cấp 2, môn học mà Kiều Liên thích nhất là tiếng Anh, còn ở cấp 3 là tiếng Pháp. Cho đến giờ tuy Liên vẫn rất thích học ngoại ngữ, nhưng cô không theo đuổi chuyên ngành này vì cho rằng cho dù nó vô cùng cần thiết thì cũng chỉ là một công cụ mà thôi. Chọn lựa chuyên ngành hóa học khi học lớp 10, Kiều Liên đã suy nghĩ rất nghiêm túc: Nếu muốn trở thành nhà khoa học thì cô phải bắt đầu ngay từ bây giờ, còn nếu muốn, cô có thể học ngoại ngữ sau này. Và thực tế đã chứng minh cô không sai.
Được lựa chọn đi học ở Úc rồi ở Anh là thành quả của những nỗ lực tự thân của chính cô gái Việt nhỏ bé này. Kiều Liên biết và dám mơ ước những điều tưởng như xa xôi theo mắt nhìn của nhiều người rồi nỗ lực hết mình để biến những ước mơ ấy thành hiện thực. Ngay khi còn học ở trường Đại học Adelaide, Úc, Kiều Liên đã nói với thầy giáo của mình về mong muốn sẽ được làm tiến sĩ ở trường Cambridge, Anh quốc. Một ước mơ quá lớn, bởi thầy giáo của Kiều Liên luôn đánh giá cô là sinh viên xuất sắc nhất mà ông từng dạy, nhưng để được nhận vào làm tiến sĩ ở Cambridge vẫn là điều vô cùng khó.
Kiều Liên vẫn quyết định nộp đơn. Thầy giáo của Kiều Liên cũng chính là một trong số những người viết thư giới thiệu cô gửi đến trường Cambridge. Kiều Liên sẽ không bao giờ biết trong thư giới thiệu những người đó nói gì nhưng có hề gì vì mọi chuyện còn lại đã trở thành lịch sử.
Năm học đầu tiên ở Adelaide, Kiều Liên được học bổng quốc tế loại 1, năm thứ 2 được Huy chương JCEC về công nghệ hóa học; năm thứ 3 được học bổng xuất sắc Esso/Mobil về kỹ thuật hóa học. Năm học cuối cùng, Liên là người VN duy nhất ở Adelaide (Úc) được nhận bằng tốt nghiệp đại học hạng nhất. Ngay sau đó, qua phỏng vấn cô được thông báo đã được chọn là 1 trong 50 sinh viên xuất sắc nhất thế giới, được trao học bổng Gates Cambridge do Bill Gates sáng lập và trở thành người VN đầu tiên được nhận học bổng danh giá này để tiếp tục theo học lấy bằng tiến sĩ tại Anh.
Luôn cởi mở với các cơ hội
Khó có thể có nhận xét chung về môi trường học tập của nước Anh, nhưng với Đại học Cambridge – một trong số các trường đại học lâu đời và danh tiếng nhất trên thế giới, chỉ có thể dùng một tính từ: tuyệt vời! Cambridge có rất nhiều phương tiện tài chính, có cơ hội để nghiên cứu khoa học và công nghệ cao với các đồng nghiệp giỏi đến từ khắp nơi trên thế giới.
Đến từ đất nước xa xôi như VN rõ ràng là khác xa với việc đến từ một nước phát triển ở châu Âu, hay châu Mỹ, nhưng Kiều Liên có được sự bình đẳng với tất cả các bạn bè. Mọi người luôn giúp đỡ cô một cách nhiệt tình vui vẻ. Kiều Liên có nhiều bạn bè tốt từ Úc và Anh.
Sang Úc học đại học rồi sang Anh làm tiến sĩ, những chuyển biến ấy vừa có vừa không nằm trong dự định học hành của Kiều Liên. Nữ tiến sĩ trẻ nhất VN này không lên kế hoạch nào cụ thể cho tương lai nhưng luôn cởi mở với các cơ hội khác nhau.
Lựa chọn con đường trở thành nhà khoa học với Kiều Liên có lẽ xuất phát từ tuổi ấu thơ, cô đã thích đọc truyện về những nhà khoa học lớn trên thế giới, rồi luôn ao ước được học tập và nghiên cứu trong những môi trường như thế. Việc được học bổng đại học ở Úc khi đã được tuyển thẳng vào
ĐH Y, Hà Nội, rồi lại sang Cambridge cũng có thể coi là sự tình cờ. Nếu tính toán và lập kế hoạch cho đời mình, rất có thể cô bạn này sẽ sang Pháp học đại học (vì khi đó Kiều Liên đang rất thích ngoại ngữ và cô đang học tiếng Pháp) rồi làm tiến sĩ ở Canada chẳng hạn.
Tiến sĩ trẻ nhất của Việt Nam
Nghiên cứu hình ảnh Terahertz 3 chiều, ứng dụng dựng hình của bức xạ Terahertz kết hợp kỹ thuật sử dụng trong chụp X-quang với lượng laser phân lớp phân tử công suất cao, tái dựng thành công bản đồ 3D của vật mẫu là đề tài nghiên cứu của Kiều Liên. Công trình tiến sĩ của cô nằm trong lĩnh vực Terahertz bước sóng từ 0,1 x 1012 Hz. Đây là một lĩnh vực vật lý khá mới mẻ, và chi tiết công trình nghiên cứu này của Kiều Liên đã được công bố tại 4 hội nghị quốc tế và in trong nhiều bài báo khoa học…
Ở châu Âu, nghiên cứu sinh bắt đầu làm tiến sĩ lúc 22, 23 tuổi và hoàn thành lúc 26, 27 tuổi là chuyện tương đối bình thường. Kiều Liên đã làm nhanh hơn bạn bè dù chỉ “một chút thôi, không có gì đặc biệt” như cô tự nhận. Ở Mỹ, chương trình làm tiến sĩ thường dài hơn nhưng nghiên cứu sinh cũng tốt nghiệp ở độ tuổi không quá 30. Hầu hết ở các nước phát triển trên thế giới những ai theo đuổi học vấn tri thức thường hoàn thành xong chương trình tiến sĩ ở tuổi 20 đến 30 vì đây là độ tuổi sung sức nhất cho sự sáng tạo.
* “Ra ngoài” từ khi còn rất trẻ – 17 tuổi, đã “va chạm” với hai nền giáo dục lớn của thế giới là Úc và Anh. Nhìn ngược lại giáo dục VN, Liên có nghĩ gì không?
– Đã có quá nhiều người tâm huyết với giáo dục VN nói về vấn đề này và tôi đồng ý với hầu hết những ý kiến đó. Đúng là nền giáo dục ở VN còn nhiều nhược điểm quá. Tôi biết có thể nhiều người sẽ nghĩ tôi học ở nước ngoài nên nói thế, nhưng tôi nghĩ để đi lên được trước hết chúng ta phải đánh giá chúng ta một cách trung thực. Vì yêu nước nên tôi mới nói ra những điều này. Một trong những nhược điểm mà tôi thấy buồn nhất là dường như giáo dục VN có mục đích đào tạo ra những người chỉ biết vâng lời chứ không nhằm đào tạo ra những người có tư duy độc lập và sáng tạo. Học sinh được dạy nghe lời thầy cô giáo, lấy thầy cô giáo làm tấm gương chứ không được khuyến khích tự suy nghĩ, không được phản kháng lại ý kiến của thầy cô cũng như được khuyến khích để trở nên giỏi giang hơn thầy cô.
* Giành được học bổng đáng mơ ước đối với bất kỳ sinh viên quốc tế nào chứ không chỉ là với sinh viên VN, sẽ có lời khuyên nào từ kinh nghiệm tự thân mình cho những bạn trẻ đang muốn tìm kiếm cơ hội du học ở nước ngoài?
– Nỗ lực học tập là điều đương nhiên cho bất cứ sinh viên nào theo đuổi việc học hành, nhưng điều quan trọng nhất theo tôi là phải biết rõ mình thích theo học ngành gì, biết rõ những điểm mạnh của ngành học này, biết rõ điểm yếu của bản thân so với những sinh viên khác sẽ là cơ sở để bạn lựa chọn. Ngoài ra, không thể thiếu những ước mơ và luôn cởi mở với những cơ hội đến với mình.
Muốn sống ở nhiều nước trên thế giới
Cô nữ tiến sĩ trẻ này có niềm đam mê lớn nhất là làm khoa học nhưng cũng như bất kỳ người trẻ nào ở vào độ tuổi của cô, Liên cũng thích dành thời gian cho bạn bè, đi tập thể thao, nghe nhạc và đọc truyện. Sở thích học ngoại ngữ từ nhỏ đến tận bây giờ vẫn là đam mê của Kiều Liên. Cô đọc sách của nhiều tác giả nhưng gần đây nhất có cuốn Stupeur et tremblement (Run rẩy và sợ hãi) của Amelie Nothomb – một tác giả người Bỉ mà Kiều Liên rất thích.
Đó là một cuốn truyện vừa hài hước vừa sâu sắc. Nữ tác giả Amelie mới chỉ 38 tuổi nhưng đã viết 56 cuốn tiểu thuyết, in 14 cuốn, cô được hâm mộ bởi giới trẻ như một minh tinh. Cuốn tiểu thuyết mà Kiều Liên đang thích là cuốn sách từ những ám ảnh khi tác giả 19 tuổi, sống và làm việc tại Nhật, nơi này cô đã phải lao động trong toilet và công việc chỉ là lo đủ giấy vệ sinh cho các đồng nghiệp ở công ty.
Khác với hầu hết những Việt kiều ở xa quê hương, họ luôn hướng về VN với một khao khát trở về đến khắc khoải, thì Kiều Liên lại thẳng thắn trả lời câu hỏi của tôi:
– Dường như ai cũng muốn hỏi tôi có muốn về VN và bao giờ tôi sẽ trở về VN làm việc? Lĩnh vực hiện tại tôi đang nghiên cứu chưa phù hợp với VN, ở VN cũng chưa có một môi trường nghiên cứu khoa học thuận lợi như tôi đang có ở Cambridge. Hơn nữa, tôi muốn tìm hiểu về các quốc gia, các nền văn hóa, ngôn ngữ và con người. Tôi thấy cách tốt nhất để tìm hiểu những kiến thức này không thể chỉ là đi du lịch. Mà cần phải sống trong một thời gian tương đối dài ở các miền đất khác nhau. Vì thế tôi sẽ kết hợp ý thích này với công việc ở nhiều quốc gia khác nhau. Tôi đã sống ở VN 17 năm, tự nghĩ là mình khá hiểu về đất nước, văn hóa, ngôn ngữ và con người VN. Thế nên chắc là tôi sẽ dành thời gian trong tương lai tìm hiểu những miền đất khác!
Nữ tiến sĩ Nguyễn Kiều Liên sinh ngày 12.8.1981 tại Hà Nội, Kiều Liên học cấp 1 và 2 ở trường Trưng Vương, chuyên Anh Marie Curie. Học chuyên Hóa cấp 3 ở Đại học Tổng hợp, được tuyển thẳng vào Đại học Y HN, sau đó được học bổng năm 2000 tại trường ĐH Adelaide (Úc), Kiều Liên là 1 trong số 50 sinh viên trên thế giới nhận được học bổng Gates – Cambridge và bảo vệ luận án tiến sĩ tháng 12.2006. Hiện cô làm việc trong lĩnh vực ứng dụng của tia laser trong công nghệ vật liệu tại Công ty TWI – Vương quốc Anh.
4 tiêu chí để một sinh viên đ0ạt được học bổng Gates Cambridge:
– Trí tuệ phải đặc biệt ưu tú
– Có thành tích đặc biệt xuất sắc suốt các năm học phổ thông cũng như ở bậc đại học
– Có tư chất của một nhà lãnh đạo trong tương lai có thể góp phần làm thay đổi bộ mặt thế giới, làm thế giới tốt đẹp hơn
– Có mong muốn cống hiến cho xã hội bằng những công trình nghiên cứu hay thành tích cụ thể
Lê Thị Thái Hòa (Tuổi Trẻ)