Một nghiên cứu mới của Đại học Rockefeller đã phát hiện một loại đột biến gene gây ra triệu chứng khó ngủ.
Có những người dù cố gắng cách nào thì vẫn không thể ngủ sớm, họ dậy rất muộn và cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Nhữngcú đêmđó có thể đã mắc phải một triệu chứng được gọi làRối loạn giấc ngủ bị trì hoãn(Delayed Sleep Phase Disorder – DSPD). Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ đã ước tính khoảng 50 đến 70 triệu người trưởng thành ở Hoa Kỳ có chứng DSPD, với các biểu hiện từ mất ngủ cho đến ngủ rũ, điều đó khiến họ dễ bị mắc các chứng bệnh mạn tính khác như tiểu đường, béo phì và trầm cảm.
Một nghiên cứu khoa học mới đây đã chỉ ra một phần nguyên nhân của hiện tượng này là do di truyền.
Các nhà khoa học tại Đại học Rockefeller (New York) đã nghiên cứu về mối quan hệ giữa gen với đồng hồ sinh học ở người và nhiều loài động vật khác nhau trong 30 năm qua và mới đây vừa phát hiện một loại đột biến gene gây ra chứng DSPD và đã có thể lý giải cơ chế hoạt động của nó. “Nếu bạn làm công việc về đêm, ví dụ người pha đồ uống quầy bar hay nhạc sĩ, thì việc chuẩn đoán và điều trị DSPD là không cần thiết. Tuy nhiên, với nhiều người khác, đặc biệt sinh viên đại học hay nhân viên văn phòng, tình trạng này giống như một cực hình.” Alina Patke, chuyên gia nghiên cứu về giấc ngủ tại Đại học Rockefeller cho biết.
Nhóm nghiên cứu của Patke đã nghiên cứu trường hợp của một phụ nữ 46 tuổi thường chỉ có thể ngủ sau 2-3 giờ sáng, hoặc đôi khi muộn hơn tới 5-6 giờ. Người này được sắp đặt để sống trong một căn phòng không có đồng hồ hay cửa sổ và được quan sát trong 18 ngày. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra cơ thể của người phụ nữ này sản sinh ra một lượng hormone melatonin giúp đi vào giấc ngủ muộn hơn 5-7 tiếng so với những người có giấc ngủ bình thường (ở người bình thường, hormon melatonin bắt đầu tăng lên ở khoảng 9 – 10 giờ tối). Bên cạnh đó, giấc ngủ của người phụ nữ này cũng hay bị gián đoạn, đôi khi chỉ ngủ rất ngắn.
Phân tích DNA của người phụ nữ, những nhà khoa học phát hiện ra một loại gene đột biến, gọi là Cry 1, và gene này cũng xuất hiện ở các thành viên khác trong gia đình cô. Dạng đột biến này có khả năng làm mã hóa một loại protein có tác dụng gây ức chế hoạt động của đồng hồ sinh học, protein CLOCK và BMAL – thứ kích hoạt nhiều loại gene, trong đó có những gene liên quan tới sự tỉnh táo trong ngày. Qua sàng lọc cơ sở dữ liệu di truyền, nhóm nghiên cứu tìm thấy đột biến tương tự ở 39 người. Hầu hết những người này đều đi ngủ muộn và thức dậy sau đó hàng giờ.
Daniel Kripke, nhà tâm lý học chuyên nghiên cứu về giấc ngủ và giáo sư danh dự tại Đại học California, San Diego, không tham gia vào nghiên cứu trên, cho rằng những nhà khoa học tại Rockefeller chưa chỉ ra được mối liên hệ giữa đột biến di truyền trên với triệu chứng DSPD. Tuy nhiên, ông cũng nói rằng, nghiên cứu này đã cung cấp một bằng chứng thuyết phục, giải thích được một số trường hợp mắc phải triệu chứng khó ngủ.
Một điều thú vị, nhóm nghiên cứu tại Rockefeller đã tìm thấy hai trường hợp có đột biến gene nêu trên song không gặp những vấn đề về giấc ngủ. Hai người này phải làm việc, trong đó một người hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng ngoài trời. Điều đó cho thấy, ngay cả khi là một “cú đêm”, bạn vẫn có thể dậy sớm nếu thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng và duy trì các thói quen sinh hoạt điều độ khác.
Hải Đăngdịch (Tiasang)