(hieuhoc_hieuhoc.com) Ra trường với một lúc hai bằng ĐH đem lại nhiều cơ hội tốt cho những sinh viên biết chủ động và tích cực trong học tập nhưng không dễ cho những sinh viên có nhận thức và định hướng không đúng về khả năng học tập lẫn khả năng tài chính của mình.
Mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011, một số trường thu hút thí sinh với phương thức “có chương trình đào tạo thứ hai” để sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ được cấp hai bằng ĐH chính quy. Tuy nhiên, học cùng lúc hai chương trình ĐH không phải là việc dễ dàng, đòi hỏi sinh viên phải biết biết chủ động và tích cực trong học tập cũng như khả năng tài chính của mình.
Như tại ĐH Quốc gia Hà Nội, sau năm học thứ nhất, nếu SV có nguyện vọng sẽ được đăng ký học thêm chương trình đào tạo thứ hai ở các đơn vị trong ĐH này để khi tốt nghiệp được cấp hai bằng ĐH chính quy. Đặc biệt, SV các ngành khí tượng học, thủy văn học, hải dương học có cơ hội học thêm ngành thứ hai là công nghệ thông tin của Trường ĐH Công nghệ; SV các ngành vật lý, khoa học vật liệu, công nghệ hạt nhân có cơ hội học thêm ngành thứ hai là công nghệ điện tử – viễn thông của Trường ĐH Công nghệ; SV ngành quản lý tài nguyên thiên nhiên có cơ hội học thêm ngành hai là kinh tế phát triển của Trường ĐH Kinh tế. SV Trường ĐH Ngoại ngữ có cơ hội học thêm các ngành thứ hai như kinh tế đối ngoại, tài chính – ngân hàng, quản trị kinh doanh của Trường ĐH Kinh tế hoặc ngành du lịch học của trường ĐH KHXH-NV, luật học của Khoa Luật…
Tương tự ĐH Quốc gia, Trường ĐH Hà Nội cũng tham gia vào việc đào tạo cùng lúc hai bằng, tất cả sinh viên (SV) hệ chính quy sẽ có cơ hội học ngành thứ hai nếu kết quả học tập của năm trước đạt từ 7 điểm trở lên. Ngành thứ hai có thể là ngoại ngữ hoặc một trong 6 chuyên ngành quản trị kinh doanh, du lịch, quốc tế học, công nghệ thông tin, tài chính – ngân hàng, kế toán dạy bằng tiếng Anh.
Năm nay, ĐHQGHN giữ nguyên chỉ tiêu tuyển sinh bằng năm 2011 là 5500 chỉ tiêu và chỉ thay đổi nhỏ ở một số ngành.PGS.TS Nguyễn Văn Nhã, Trưởng ban ban Đào tạo ĐHQGHN cho biết: Đối với những sinh viên có học lực khá và giỏi ngay sau khi kết thúc năm học thứ nhất có thể đăng ký ngành học thứ hai. Sau 5 năm, khi tốt nghiệp, các sinh viên này được cấp hai văn bằng ĐH chính quy. SV học ngành Ngoại ngữ có thể học thêm ngành Kinh tế, ngành Công nghệ học thêm ngành về Khoa học tự nhiên và ngược lại. Tuy nhiên, ông cũng tư vấn thêm cho các thí sinh: “Với những em học sinh có học lực khá trở lên mới có khả năng thi đỗ vào các trường ĐH thành viên. Những học sinh có học lực vừa phải ở trường THPT, không nên đăng ký thi tuyển vì có rất ít cơ hội trúng tuyển. Các em nên đăng ký vào các trường khác sẽ có nhiều cơ hội trúng tuyển hơn”.
Muốn có hai bằng ĐH cùng lúc để thêm nhiều cơ hội sau khi ra trường là hướng đi phù hợp với xu hướng phát triển và nhu cầu nhân lực cao của xã hội. Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục, SV chỉ nên theo đuổi mục tiêu cùng lúc đạt hai bằng ĐH khi lý giải được lý do tại sao phải bỏ thêm thời gian cũng như xác định đúng khả năng học tập và những chi phí phải bỏ thêm ra để lấy tấm bằng thứ hai.
Kim Tuyến (hieuhoc_hieuhoc.com)