(hieuhoc_hieuhoc.com). Hầu hết các bạn sinh viên đang phân vân về việc có nên đi làm thêm hay không trong cuộc đời sinh vỉên của mình. Mỗi người lại có những ý kiến, suy nghĩ khác nhau về vấn đề này! Nó có những điểm tốt nhưng cũng còn có những điều cần phải xem xét.
Sinh viên có nên đi làm thêm? Đây là một vấn đề cần được cân nhắc tùy theo hoàn cảnh kinh tế và khả năng của mỗi bạn. Câu hỏi đặt ra trước hết cho sinh viên chính là: làm thế nào để cân bằng giữa thời gian, sức khỏe và năng lực để đảm bảo chất lượng của việc học?
Sinh viên đi làm thêm vì chưa nhận thức đúng về việc học.
Việc đi làm thêm của một số sinh viên chắc hẳn phải có một lý do nào đó. Tuy nhiên, mải lo làm thêm để kiếm tiền mà xem nhẹ việc học, hậu quả rõ ràng là học hành ngày một sa sút, nhiều người thậm chí phải bỏ học do bị nợ môn học quá nhiều. Những bạn này cho rằng kiến thức học tại trường chỉ là lý thuyết suông, trước sau gì rồi cũng học được vì có sách là có tất cả. Một số bạn chưa có cái nhìn đúng đắn rằng: Đối với sinh viên việc học vẫn phải là quan trọng nhất và cũng bởi vì có những “kiến thức riêng” mà bạn chỉ có thể nắm bắt được từ giảng viên.
Có bạn xem việc học tại trường thật sự chỉ vì bằng cấp, “hợp thức hóa” tấm bằng để bổ sung vào mẫu đơn xin việc… Do đó chỉ học qua loa, không dành thời gian cho việc học, chỉ đặt mục tiêu đỗ, chấp nhận mức điểm trung bình cũng được cho dù sức học của bạn ấy có thể đạt kết quả cao hơn! Chủ yếu dành phần lớn thời gian làm những công việc lặt vặt bên ngoài để kiếm thêm tiền (và để chứng tỏ tự lập?). Nên thành tích học tập của nhiều người rất bình thường và kinh nghiệm cũng chẳng thu thập được bao nhiêu do thiếu sự đầu tư thời gian nghiêm túc và cũng vì công việc làm thêm không liên quan, hổ trợ gì mấy cho ngành nghề chính đang theo học.
Phải chăng giáo trình đại học còn quá đơn điệu ? Phải chăng cách truyền đạt của giảng viên còn cứng nhắc ? Hay là sinh viên vẫn chưa nhận thức đúng đắn về việc học của mình? Có lẽ vì thế mà đa số sinh viên thay vì lên giảng đường họ lại đi tìm những công việc làm thêm với lý do học hỏi kinh nghiệm và có thêm “đồng ra đồng vào” và đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ sinh viên thi lại ở các trường đại học luôn ở mức cao.
Trong khi đó, việc học (đại học) là sự đầu tư lớn cho tương lai (thời gian để bồi dưỡng kiến thức chỉ diễn ra khoảng 4 năm ngắn ngủi). Tấm bằng đại học với những điểm số tốt mà các bạn gặt hái được từ sự đầu tư về thời gian và công sức sẽ chứng minh cho các nhà tuyển dụng về trình độ và năng lực của bạn, sẽ giúp các bạn có được nhiều cơ hội hơn. Thực tế, có rất nhiều công ty “ăn nên làm ra” rất kỹ trong việc xét tuyển nhân lực. Họ thường đòi hỏi điểm số chuyên ngành tốt nghiệp khá cao dù chỉ là dự tuyển cho “nhân viên tập sự”. Do đó, thiết nghĩ các bạn sinh viên không nên vì những lợi ích trước mắt mà quên đầu tư cho tương lai của chính mình.
Lý do để sinh viên đi làm thêm.
Tuy vậy, không phải tất cả các sinh viên “năng nổ” đi làm thêm đều là xem thường kiến thức trong trường học. Chẳng qua vì hoàn cảnh kinh tế, các bạn ấy phải đi làm thêm để kiếm thêm thu nhập nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí học tập cho gia đình. Vả lại, một người đã biết tự đi làm để trang trải cho cuộc sống bản thân (dù chỉ là một phần) thì cũng sẽ hiểu được tầm quan trọng của việc học.
Ngoài ra, dù việc học là quan trong nhất nhưng cũng phải biết tiếp thu thêm kinh nghiệm nhờ vào công việc làm thêm. Công việc làm thêm về ngành mình đang học sẽ giúp chúng ta có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng trong công việc và trong cuộc sống, để không bị bỡ ngỡ khi ra trường (đặc biệt: rất tự tin khi đi phỏng vấn). Nếu kiếm được việc đúng chuyên ngành mình đang học là tốt nhất. Còn không thì cũng học hỏi được nhiều điều bổ ích, đó sẽ là kinh nghiệm,hành trang cho các bạn khi ra trường đồng thời cũng phụ giúp thêm kinh phí cho học tập và sinh hoạt. Và đó cũng là:“Chúng ta còn trẻ tại sao lại sợ khó khăn- ngại đối diện thử thách?”
Tóm lại, điều quan trọng đối với mỗi sinh viên: Học vẫn là trên hết . Nếu bạn thấy mình có thể thu xếp hợp lý để có thời gian học thì bạn hãy đi làm thêm. Công việc làm thêm của các bạn chọn nên phù hợp với ngành học của mình sao cho công việc làm thêm cũng là môi trường cho mình học tập. Nhờ đó, bạn sẽ không bị xa rời thưc tế sau khi tốt nghiệp. Nhưng dù làm gì, chúng ta cũng phải có năng lực thực sự, nếu không chú tâm, xác định chính xác mục tiêu (việc học hay đi làm thêm là chính) thì sẽ rất dễ dẫn đến thất bại “xôi hỏng, bỏng không”. Việc đi làm thêm của sinh viên là rất nên khuyến khích nhưng cần phải cân bằng giữa thời gian, sức khỏe và năng lực để đảm bảo chất lượng cho việc học.
Chúc các bạn luôn vui-khỏe, thân!
Văn Hoàng Chương (hieuhoc_hieuhoc.com).