Sự không hợp lý của điểm sàn

Tại sao dưới điểm sàn thì không được vào học mặc dù trường vẫn còn chỗ? Phó Giáo sư Văn Như Cương không phản đối việc thi tuyển, nhưng phản đối điểm sàn. Ông nói: “Mỗi trường có thể và có quyền đưa ra điểm chuẩn của mình”.

Tại sao dưới điểm sàn thì không được vào học mặc dù trường vẫn còn chỗ? – Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Lại sắp đến những ngày hội nữa của toàn dân: đó là ba ngày thi tốt nghiệp THPT trên toàn quốc. Dưới cái nóng như rang, hàng triệu sĩ tử mồ hôi mồ kê nhễ nhại, cắm cúi làm bài, hàng chục triệu người thân đưa họ đi, đón họ về, chăm lo cho họ ngủ nghê, ăn uống, lo lắng chờ xem họ làm bài hay, dở, đúng, sai ra sao.

Họ phải đạt được tấm bằng tốt nghiệp, một văn bản pháp lí chứng nhận rằng, chủ nhân của nó đã qua 12 năm đèn sách và đã vượt qua một kì thi với những tiêu chuẩn quy định. Như vậy, theo một logic hiển nhiên, những người đó có quyền được học lên bậc cao hơn nếu họ muốn và nếu có trường nhận họ vào học.

Nhưng, vì các trường ĐH và CĐ của ta không đủ chỗ cho các ông Tú, bà Tú nên đành phải thi tuyển để chọn lựa. Tuy nhiên, sự tồn tại của cuộc thi tuyển này đặt ra nhiều vấn đề cần phải xem xét.

Giả định có một trường Đại học X nào đó tuyên bố, họ không thi tuyển, học sinh nào có bằng Tú tài đều được phỏng vấn để xét vào học. Và giả định tiếp là có những học sinh tuy không dự kì thi chung vào ĐH, CĐ nhưng cứ nộp đơn vào trường đó và sau cuộc phỏng vấn, họ được nhận vào học…

Liệu điều đó có hợp pháp và hợp lí hay không?

Hợp lí thì có, nhưng hợp pháp thì không! Theo quy chế tuyển sinh hiện hành của Bộ GD&ĐT, trường nào làm như vậy sẽ bị “thổi còi” ngay lập tức. Lấy học sinh dưới điểm sàn còn không được nữa là lấy học sinh không có điểm gì cả!

Ấy thế mà rất nhiều trường ĐH nước ngoài lại vào Việt Nam tuyển sinh theo kiểu của trường X giả định trên đây. Họ chỉ cần học bạ THPT, bằng tốt nghiệp và kết quả phỏng vấn mà thôi.

Theo tôi, họ làm như vậy là đúng, là có lí, là hợp lẽ. Họ cho rằng, một học sinh Việt Nam có bằng tú tài Việt Nam là có đủ kiến thức cần thiết để học lên bậc ĐH ở nước họ.

Họ không yêu cầu học sinh đó phải dự thi kì thi chung rất vô lí của Bộ GD&ĐT Việt Nam, cũng không yêu cầu phải vọt qua được cái “điểm sàn” quái gở…

Theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT thì bằng Tú tài chỉ có giá trị như một điều kiện cần phải có để dự kì thi tuyển mà thôi. Đó là điều sai lầm cơ bản, dẫn đến những sai lầm khác, trong đó quy định về điểm sàn là một ví dụ.

Thế thì “điểm sàn” là cái gì vậy? Xin thưa: muốn vào ĐH dứt khoát phải thi, và điểm thi không được dưới một mức điểm nào đó, gọi là điểm sàn. Tại sao vậy? Tại sao dưới điểm sàn thì không được vào trường mặc dầu vẫn còn chỗ?.

Lại xin thưa: vì người ta bảo dưới điểm sàn thì kém quá, không thể học ĐH, CĐ được! Cách giải thích đó không thể chấp nhận được vì nó không nhất quán và không hợp lí. Những người dưới điểm sàn đều đã có bằng Tú tài, cái bằng ấy chứng nhận rằng họ đã học hết bậc THPT và có thể học tiếp tục.

Nếu có nhiều người dưới điểm sàn thì đó là lỗi của các vị quản lí giáo dục chứ không phải là lỗi của học sinh chúng tôi. Các vị chặn chúng tôi bằng điểm sàn tức là các vị không thừa nhận giá trị của cái bằng tốt nghiệp mà chính các vị đã cấp, và như thế chứng tỏ rằng các vị đã cho chúng tôi tốt nghiệp ào ào để có thành tích.

Còn nếu các vị vẫn đánh giá thi tốt nghiệp là nghiêm túc, đề thi là đúng chuẩn, là đúng mức, không dễ quá, không khó quá… thì việc các vị chặn chúng tôi bằng cái điểm sàn là vô lí, không hợp lẽ.

Tôi không phản đối việc thi tuyển, nhưng phản đối điểm sàn. Theo tôi mỗi trường có thể và có quyền đưa ra điểm chuẩn của mình, có thể cao hoặc thấp tùy trường. Nhưng điểm chuẩn như thế nào cũng được, không cần buộc phải quá điểm sàn.

Như vậy khái niệm điểm sàn cần phải được xóa bỏ.

Phó Giáo sư Văn Như Cương

Theo ‘Điểm sàn’: Một sự vô lí, không hợp lẽ! (Bee.net.vn)

Cùng chuyên mục